Chiến lược phát triển nông nghiệp xanh ở nước ta đã được đề cập đến trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, nền nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển bền vững.
Những ai quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chắc sẽ không thể không ấn tượng trước những gì mà ngành nông nghiệp của đất nước I-xra-en làm được. Một quốc gia không có nhiều tài nguyên nước, đã nắm giữ trong tay công nghệ tiết kiệm và xử lý nước rất hiệu quả. Một đất nước với phần lớn diện tích là sa mạc khô cằn và núi đá nhưng nền nông nghiệp lại phát triển với công nghệ thuộc hàng đầu thế giới. Đó là một nền nông nghiệp xanh điển hình, hướng tới sự tiết kiệm, an toàn và bền vững.
Nền nông nghiệp của nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế với đất đai màu mỡ, phì nhiêu. Trong 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đưa nước ta từ chỗ thiếu ăn, nay đã vào nhóm nước xuất khẩu gạo hàng đầu, trở thành vựa lúa của thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nông sản của Việt Nam như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, cá tra... cũng đã xuất khẩu đi khắp thế giới. Nghĩa là, nền nông nghiệp của Việt Nam là một nền nông nghiệp có tên tuổi.
Thế nhưng, các nhà khoa học, các nhà kinh tế đều cùng chung nhận định rằng, lâu nay nền nông nghiệp của nước ta vẫn là nền nông nghiệp nâu. Biểu hiện của nó ở chỗ: Người dân tận dụng, khai thác tối đa tài nguyên đất, tài nguyên nước để phục vụ cho quá trình sản xuất. Mặt khác, để tăng năng suất, giá trị cho sản phẩm, người dân còn lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Khai thác triệt để nhưng không đi kèm với bảo vệ, tái tạo các nguồn tài nguyên đã khiến cho môi trường bị hủy hoại, tài nguyên đứng trước nguy cơ suy kiệt. Để dẫn đến hệ lụy đáng tiếc này, một phần do ý thức của người dân. Nhưng điều đáng nói là các địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nước; chưa quan tâm đúng mức đến việc phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đến người dân. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng bị buông lỏng, dẫn đến phân bón giả, thuốc trừ sâu giả "hoành hành", đã để lại những hậu quả khôn lường.
Chiến lược phát triển nông nghiệp xanh ở nước ta đã được đề cập đến trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, nền nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi phải giải quyết được mâu thuẫn giữa lợi ích môi trường và lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp; giữa thu hút đầu tư với bảo vệ môi trường. Mặt khác, những hàng hóa, nông sản "sạch" từ các mô hình nông nghiệp xanh phải được đón nhận; cùng với đó là việc bài trừ những nông sản "bẩn". Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi là những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích sự phát triển của những mô hình nông nghiệp xanh.
Muốn thay đổi hành động, trước tiên phải thay đổi nhận thức từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý cho tới từng người dân. Các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để truyền tải thông điệp cảnh báo đến người dân về những biểu hiện suy thoái về môi trường, suy kiệt về tài nguyên do cách thức sản xuất nông nghiệp không an toàn, không bền vững bấy lâu nay, đó là những nguy cơ cho đất nước và cho chính bản thân họ. Phải thay đổi trước khi quá muộn./.
Trần Minh Mạnh (Báo QĐND)