Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 8/10/2008 14:30'(GMT+7)

Đảng bộ Tuyên Hoá: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về Giáo dục – Đào tạo

Tuyên Hoá là một huyện miền núi có 20 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ 135. Kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao…đã làm ảnh hưởng đến học tập của con em, nhất là việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Huyện uỷ, ngành Giáo dục Tuyên Hoá đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị về việc triển khai thực hiện Nghị quyết TW2 (khoá VIII) về Giáo dục – Đào tạo, Thường vụ Huyện uỷ Tuyên Hoá đã tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết TW 2. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đảng viên, giáo viên, các tầng lớp nhân dân được nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sự nghiệp GD-ĐT trong quá trình phát triển của đất nước.

Quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng đào tạo đến nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trong huyện. Toàn huyện đã có 24 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 17 trường THCS, 3 trường PTCS, 1 trường cấp 2-3, 3 trường THPT, 1 trung tâm GDTX và 1 TT hướng nghiệp dạy nghề. Đội ngũ giáo viên cũng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Năm học 1997-1998, ngành giáo dục có khoảng 980 cán bộ, giáo viên, đến nay, toàn ngành đã có 1.400 người, trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tỉ lệ càng cao. Ở bậc học Mầm non, năm 1996 có 30% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, đến nay đã có 96,5% đạt chuẩn và trên chuẩn; bậc Tiểu học năm 1997 có 90% giáo viên đạt chuẩn, đến nay 100% giáo viên đạt chuẩn, 25% trên chuẩn trong đó có 1 thạc sĩ; bậc THCS năm 1996 có khoảng 30% giáo viên chưa đạt chuẩn, đến nay đã có trên 96% đạt chuẩn và trên chuẩn. Bậc THPT, năm 1996 vẫn còn một số ít giáo viên dạy các môn thể dục, kỹ thuật, đang có trình độ trung cấp, cao đẳng, đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn, 8 giáo viên có trình độ thạc sĩ. Giáo viên các bộ môn đã được qua nhiều lần bồi dưỡng thường xuyên; trình độ, chất lượng quản lí, chất lượng dạy và học ở các trường được nâng lên rõ rệt. Các loại hình trường lớp cũng ngày càng được đa dạng, các lớp bán công, lớp xoá mù chữ, dạy nghề, dạy bổ túc văn hoá được mở rộng; gửi đào tạo các loại hình tập trung, tại chức từ xa nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người được học tập, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp và khả năng công tác.

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, công tác hướng nghiệp dạy nghề càng được phụ huynh, học sinh quan tâm hơn. Năm học 1996, toàn huyện chỉ có 2 trường (THCS Đồng Lê và THPT Tuyên Hoá); học sinh tham gia học nghề với số lượng ban đầu 400 học sinh, hiện nay đã có 22 trường tham gia học nghề với số lượng học sinh tham gia gần 6.000 em, tăng 14 lần so với những năm trước.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá học tập, trong thời gian qua các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền, các đoàn thể nhân dân, tổ chức, cá nhân với ngành giáo dục trong hoạt động khuyến học, khuyến tài. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện tham gia đóng góp tiền và tài sản xây dựng cơ sở vật chất cho sự phát triển giáo dục huyện nhà. Thông qua các hoạt động của ban đại diện cha mẹ, hội khuyến học, hội cựu chiến binh động viên tinh thần học tập của con em, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, gắn chỉ tiêu học tập của con em với mọi hoạt động như: tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình học tập ở trường cũng như ở địa phương.

Hội Khuyến học ở cơ sở đã vận động hàng trăm ngày công để tu sửa cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới. Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2008, Hội khuyến học huyện đã tiếp nhận tài trợ 1.2.72 suất học bổng các loại với số tiền trên 810 triệu đồng. Hội cựu chiến binh có 3.672 hội viên tham gia hoạt động khuyến học, Hội liên hiệp phụ nữ phối hợp với TTGDTX hàng năm mở lớp xoá mù chữ cho phụ nữ công giáo và dân tộc thiểu số.

Thực hiện phổ cập giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là giải pháp nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục. Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Ban phổ cập huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện liên tục huy động số học sinh bỏ học giữa chừng vào các lớp bổ túc tiểu học và bổ túc THCS, nâng dần tỉ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS. Từ khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội về việc triển khai phổ cập giáo dục THCS, ngành GD-ĐT đã bám sát các nghị quyết và chủ trương của Tỉnh uỷ Quảng Bình về phổ cập THCS, kế hoạch hành động của Thường vụ Huyện uỷ Tuyên Hoá về triển khai phổ cập THCS. Ban chỉ đạo phổ cập Giáo dục - chống mù chữ của huyện được thành lập, trực tiếp chỉ đạo công tác phổ cập THCS. Điều đáng ghi nhận là trong việc thực hiện PCTH và PC THCS đã thực hiện nhiều lớp xoá mù chữ cho người dân tộc Mã Liềng (độ tuổi 14-350 tại 5 bản của huyện là: Bản Kè, Bản Cáo, Bản Chuối, Bản Cà Xen, Bản Bạch Tài thuộc 2 xã vùng cao Thanh Hoá và Lâm Hoá đạt chuẩn THCS năm 2007.

Qua triển khai thực hiện Nghị quyết TW2 (khoá VIII) và những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, Đảng bộ huyện Tuyên Hoá rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Thứ nhất, cần làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về GD-ĐT. Nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình đặc điểm của huyện nhà; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, nhằm kịp thời động viên việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.

Thứ hai, Tổ chức khảo sát và đánh giá chính xác thực trạng GD-ĐT trên địa bàn toàn huyện. Thường xuyên chăm lo và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên vững mạnh về chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của người thầy giáo.

Thứ ba, cần đề ra chương trình hành động, các giải pháp tích cực, cụ thể hoá Nghị quyết TW2 (khoá VIII) ở địa phương mình. Triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá, tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế và nhân dân trong việc xây dựng cơ sở vật chất và huy động con em đến trường.

Thứ tư, phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và địa phương là nhân tố quyết định, là động lực mạnh mẽ để các nhà trường có đủ các điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình tổ chức cho học sinh xây dựng các mô hình học nhóm, mô hìn học tập tự quản duy trì phong trào “tiếng trống chất lượng” tại các trường học.

Thứ năm, để Nghị quyết TW2 (khoá VIII) được triển khai có hiệu quả, quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải có những bước đi, cách làm thiết thực, đúng định hướng, phù hợp với tình hình của địa phương, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Huyện uỷ thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng định kỳ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn và định hướng cho thời gian tiếp theo./.

Võ Xuân Hạnh
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tuyên Hoá, Quảng Bình

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất