Thứ Ba, 24/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 3/12/2012 15:14'(GMT+7)

Đăng cai ASIAD 2019 nhắm đa mục tiêu

Đại diện Việt Nam ký kết hợp đồng tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019 với Đại hội đồng Olympic châu Á-OCA. (Ảnh: VGP)

Đại diện Việt Nam ký kết hợp đồng tổ chức ASIAD lần thứ 18 năm 2019 với Đại hội đồng Olympic châu Á-OCA. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 2/12, đã giải đáp một số mối quan tâm của dư luận về việc Việt Nam nhận đăng cai Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 năm 2019.

Hướng tới nhiều mục tiêu

Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAD nhằm hướng tới nhiều mục tiêu, mà trước hết là khẳng định và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa…

Về kinh tế, chúng ta có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế một Việt Nam năng động, phát triển, giành nhiều thành tựu hết sức tự hào từ khi đổi mới. Đây cũng là dịp để Hà Nội và các tỉnh, thành tham gia sự kiện này thực hiện tốt hơn các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế.

Về mặt thể thao, việc tổ chức một sự kiện tầm cỡ châu lục sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng thể thao đỉnh cao và tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới các công trình thể thao, hiện thực hóa Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020.

Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể cho việc tổ chức ASIAD với những vấn đề hết sức cụ thể cả trước mắt và lâu dài, gồm thành lập ban chỉ đạo, các đề án đào tạo vận động viên, đề án xây dựng cơ sở vật chất, đề án tuyên truyền, vận động, giới thiệu, quảng bá.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng những băn khoăn của người dân về việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí 150 triệu USD cho sự kiện này là hoàn toàn chính đáng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2012, nền kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy có giảm nhưng vẫn đạt 5,2%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đã được kiềm chế.

 “Việc đăng cai ASIAD được tính toán hết sức kỹ lưỡng trong hiện tại và tương lai, chúng ta nhìn nhận đất nước trong một trạng thái động, luôn tìm cơ hội để phát triển, nhắm đến năm 2020 nước ta sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Không phải đầu tư nhiều các công trình hạ tầng

Theo đánh giá của Ủy ban Olympic châu Á (OCA), để chuẩn bị cho ASIAD 18, Việt Nam sẽ không phải đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng mới, do cơ sở vật chất hiện tại đã đáp ứng được 80 – 85% nhu cầu của sự kiện này. Những công trình xây dựng mới sẽ được tiếp tục sử dụng, phát huy hiệu quả sau ASIAD.

Dự kiến, Việt Nam sẽ dành 568 tỷ đồng cho việc nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có, 2.000 tỷ đồng để xây dựng mới một số công trình, hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác tổ chức.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết khoản kinh phí  dự toán 150 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng) cho ASIAD 18 là từ ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 cũng đã chỉ rõ: Đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỉ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao.

Ngoài ra, kinh phí tổ chức ASIAD còn từ các nguồn vốn xã hội hóa tối đa, đóng góp của các đoàn tham gia…

Việc tổ chức đăng cai ASIAD cũng góp phần giúp các ngành du lịch, hàng không, dịch vụ khác phát triển. Một ví dụ sinh động cho nhận định này được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhắc tới là vịnh Hạ Long. Việc Việt Nam vận động bầu chọn cho danh thắng này trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới đã có tác động tích cực tới ngành du lịch, khi lượng khách tới đây trong năm 2012 hiện đã tăng 20%, nhiều nhà đầu tư cũng muốn đầu tư vào Hạ Long.

Trước ý kiến cho rằng việc tổ chức ASIAD thường tốn kém một khoản kinh phí không dưới 3 tỷ USD, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, khi các nước tổ chức ASIAD, họ không chỉ đầu tư cho thể dục, thể thao mà còn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, hàng không, bến cảng… Trong khi đó, khoản kinh phí dự toán của Việt Nam đã được tính toán kỹ, gắn kết với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội. Theo chiến lược này, Hà Nội cũng phải đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Cam kết sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng không vượt dự toán 150 triệu USD, dưới sự giám sát của các ngành, các cấp và người dân"./.

Về đào tạo vận động viên cho ASIAD 18, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, trước khi đăng cai SEA Games 22, Việt Nam vẫn nằm trong trong "vùng trũng" của thể thao Đông Nam Á. Nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, chỉ trong 5 năm chuẩn bị, Việt Nam đã giành giải Nhất toàn đoàn tại SEA Games 22. Tương tự, Việt Nam cũng xếp thứ Nhì tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009.

Trong số 35 môn thi đấu của ASIAD 18, ngoài 27 môn Olympic, 8 môn còn lại, một số do OCA quy định, một số do nước chủ nhà lựa chọn. Hiện tại, Việt Nam đã có huy chương vàng, bạc, đồng trong một số bộ môn ở châu Á và thế giới.

Trên cơ sở đội ngũ vận động viên trẻ và các bài học từ SEA Games, Indoor Games, Việt Nam sẽ nỗ lực phấn đấu trong công tác đào tạo vận động viên, nâng thành tích để có thể giành từ 10 đến 15 HCV tại ASIAD 18.


(Theo: VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất