Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, nhiều điểm nghẽn.
Chiều 19/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc xây dựng “Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Trước đó, Bộ Chính trị đã thống nhất để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm chính sách đặc thù và tại Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Từ tháng 1/2018, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính-ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm là 5 năm.
|
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 4-10, Chính phủ kiến nghị cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022. Vì trong 5 năm thí điểm thì năm đầu tiên dành cho xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm (2020-2021) nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54 cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Thêm vào đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24), trong đó phần nhiệm vụ, giải pháp có nêu: “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.”
Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang được xây dựng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với khung thể chế như hiện tại thì việc xây dựng Thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới là chưa thực sự khả thi. Cần thiết phải có sự điều chỉnh, cởi mở hơn về chính sách tài chính, công nghệ, ngân hàng, ngoại hối và các chính sách có liên quan để tạo nền tảng pháp lý cho đề xuất này.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, thực tiễn này đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54, tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà Thành phố cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để nghe báo cáo bước đầu để cùng trao đổi sớm, lắng nghe các ý kiến, “gạn đục khơi trong” để xem xét, cân nhắc, đề xuất lựa chọn chính sách phù hợp.
Tại buổi làm việc, đã có 14 ý kiến phát biểu đóng góp. Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các bộ, ngành Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến xác thực. Tuy là những ý kiến bước đầu, nhưng cũng giúp cho quá trình thực hiện nhanh hơn, thuận lợi hơn theo tinh thần từ sớm, từ xa; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung công sức thực hiện dự thảo công phu, với hơn 50 chính sách.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Đề án này hết sức cần thiết và cấp bách để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với Thành phố Hồ Chí Minh; giúp Thành phố củng cố các động lực tăng trưởng phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước và cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh, là đầu tàu động lực. Đó là chủ trương chung trong Nghị quyết XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 24 mới được ban hành cũng nói kỹ về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố cần tập trung thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, nhiều điểm nghẽn.
Nhóm vấn đề thứ nhất là những chính sách đã có và đã triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội mà qua tổng kết có tác dụng tốt, đề xuất tiếp tục được triển khai thực hiện có cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhóm vấn đề thứ hai là một số chính sách không có trong Nghị quyết 54, nhưng gần đây, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cho thí điểm thực hiện ở một số địa phương mà các tỉnh, thành phố khác đang áp dụng, có cập nhật đến hiện nay.
Nhóm vấn đề thứ ba cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng sớm hơn so với cả nước đối với những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số dự án như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Điều này vừa có tính tổng quát, vừa có tính cụ thể, để khi Nghị quyết ban hành, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng được ngay.
Nhóm vấn đề thứ tư là những chính sách mới, riêng biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ vướng mắc. Tinh thần chung là ủng hộ tối đa vì sự phát triển của thành phố.
Dự thảo này bao gồm những vấn đề lớn, mang lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài, có sự đột phá trong kiến tạo, phát triển, đổi mới sáng tạo của thành phố. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nội hàm và thẩm quyền thực hiện; cần có đề án để triển khai thực hiện cụ thể nhằm vận hành được ngay sau khi ban hành.
Về tiến độ thực hiện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết này có thể xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp của Quốc hội (dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023 tới)./.
Doãn Tấn