Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 1/2/2014 11:11'(GMT+7)

Dáng hình Tổ quốc

Đưa cột mốc lên vị trí cắm mốc.

Đưa cột mốc lên vị trí cắm mốc.


Tôi có anh bạn vong niên đi làm ăn bên Trung Quốc mỗi năm chỉ về nhà được hai lần. Lần nào về anh cũng dành vài phút đồng hồ đứng bên cột mốc ở cửa khẩu Móng Cái để mà hồi hộp, để những kỷ niệm về quê hương được tuôn trào. Anh bảo nhìn thấy cột mốc là thấy Tổ quốc mình. Anh kể cho tôi nghe một thời anh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Khi ấy anh đóng quân trên một điểm cao ở Bình Liêu, Quảng Ninh, ngày đêm pháo giặc nã đì đùng bên tai. Dưới chân điểm cao là đường biên giới có một cột mốc từ thời Pháp - Thanh mà cho dù phải hy sinh tính mạng thì các anh cũng không để cho giặc tràn qua cái ranh giới mong manh đó.
Một lần được về thăm nhà, ngang qua Hà Nội, anh đứng lặng người bên hồ Gươm trước Tháp Rùa uy nghi. Giữa trái tim của cả nước anh nhớ về chiếc cột mốc xa xôi, anh tự nhủ phải mang một nắm đất nơi đây để đắp vào chân cột mốc với một niềm tin cột mốc sẽ trường tồn và các anh sẽ chiến thắng. Ngay đêm đầu lên chốt, anh cùng hai đồng đội đã bò xuống thăm cột mốc, len lén cầm nắm đất từ hồ Gươm đắp vào chân cột mốc. Niềm tin đó đã giúp anh vững vàng chiến đấu đến ngày biên giới bình yên.
Nhiều năm sau, tôi có dịp lên với Pò Hèn, Móng Cái. Các già làng nơi đây kể về những ngày tháng đó với một niềm tự hào không giấu giếm. Từ thanh niên đến ông già bà cả để bám đất, bám bản, ở lại làm dân công tình nguyện vận chuyển vũ khí, đạn dược lên điểm cao cho bộ đội. Đến giờ già làng bản Pác Khương vẫn còn nhớ anh bộ đội người miền xuôi khi bị pháo địch bắn trọng thương đã ôn chặt cột mốc không để cho đối phương phá hoại. Anh bị địch trói vào cột ròng rã suốt ba ngày đêm không cho ăn uống. Địch chịu không thấu cái gan tày trời của anh, và càng không hiểu vì sao con người này lại chịu chết vì một cột đá rêu phong. Chúng bàn tán một hồi rồi quyết định dùng bộc phá đánh bật cả người lẫn cột đá xuống vực sâu. Máu người hòa cùng vụn đá, bay lên các tàng cây rồi rơi xuống đất quê hương.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến nơi máu các anh đã đổ. Cả một dải búp non xanh dệt cùng nước mắt của trời óng lên dưới nắng sớm. Nơi anh tan vào Tổ quốc trước đây là một cột mốc mới kiêu hãnh. Cách đó không xa, lừng lững mười hai cây bạch đàn hương xõa tóc reo trong gió núi. Đó là hàng bạch đàn được dân bản trồng sau khi hồi hương về đất cũ để tưởng nhớ những người nằm với biên cương. Bất chợt tôi có cảm giác hàng cây như một tiểu đội kiêu binh nghiêm cẩn đứng canh Tổ quốc từ năm này qua năm khác không mỏi gối, chồn chân.
Tôi có vài dịp được theo chân những người làm công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung. Có thể nói các anh là những người đi tạc hình Tổ quốc. Mỗi chuyến băng rừng là mỗi lần gian khổ, đi là chặt cây mở đường, gặp suối thì vượt suối, gặp đá thì bắc thang để đến được tọa độ xác định vị trí đặt cột mốc. Xác định rồi lại báo cáo, rồi hội đàm, có những vị trí mốc phải nhiều lần tiến hành khảo sát thực địa như thế thì hai bên mới đi được đến thống nhất. Gian khó là vậy nhưng ngày cắm mốc bao giờ cũng vui như ngày hội. Bộ đội, nhân dân người gùi cát, xi-măng, người cõng gạch cõng nước. Những chiếc cột mốc bằng đá hoa cương có quốc huy của hai nhà nước được gói bọc cẩn trọng với hàng chục con người thay nhau khiêng vác mà xuyên rừng vượt thác nói cười vang động cả rừng già.
Cắm mốc xong, bao giờ chính quyền xã cũng tổ chức liên hoan. Trong tiệc rượu bập bùng bên ánh lửa lại được nghe các già làng, các anh bộ đội biên phòng kể những câu chuyện ngày trước cùng nhau đi đấu tranh chống lấn chiếm. Phải chỉ ra cột mốc ở đâu, phải lý lẽ sắc bén như thế nào để người dân nước bạn không trồng cây, chăn bò hay mang chôn người chết sang phần đất của mình. Có những người dân tình nguyện ăn ngủ ở lán trại bên cạnh cột mốc để đấu tranh chống xâm canh, có những già làng sang bản đối diện làm thuyết khách để phân tích cái đúng cái sai, cái tình cái lý thuyết phục người dân nước bạn di chuyển mộ phần ra khỏi phần đất của bản mình. Những câu chuyện cứ kéo dài như bất tận để cùng nhau nâng chén chúc mừng vì đã có cột mốc, hình núi, dáng sông đã được tạc lên rồi và từ nay sẽ không còn những việc như thế nữa. Những câu chuyện mới đây thôi và sẽ thành cổ tích cho con cháu sau này để răn dạy thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống trong bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng giúp tôi hiểu rằng đường biên, cột mốc trong lòng người dân còn bền chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.
Tôi nhớ mãi câu chuyện rừng ma của bản A Ho, xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị và bản Ðen-vi-lay, huyện Mường Noòng, tỉnh Sa-va-na-khẹt, nước bạn Lào. Hai bản có chung dòng Sê Pôn và có chung một "khu rừng ma" là nơi an táng người chết của cả hai bản. Già làng Pả Ai bản A Ho đã nhận ra rằng, sau khi phân giới, khu rừng ma đã thuộc địa phận của nước bạn, việc người dân bản A Ho lén lút đưa người chết sang chôn ở rừng ma là trái với quy định của hai nhà nước. Khi bố ông qua đời, ông không đưa cụ vào rừng ma để chôn mà chôn ở gần bản để chứng minh rằng con ma không làm hại người và để vận động người dân không đưa người chết vào chôn ở rừng ma nước bạn nữa. Không những vậy, ông còn là người bắc lại nhịp cầu đoàn kết giữa nhân dân hai bản. Dòng Sê Pôn không thể nhớ được đã bao lần ông già Vân Kiều gầy gò, quắc thước lội qua sông để làm "nhà ngoại giao nhân dân" với bản bạn. Dân bản Ðen-vi-lay cũng không đếm đủ số lần ông ngồi uống rượu với già làng, với dân bản để giãi bày nỗi lòng. Mưa dầm thấm lâu, già Pả Ai được người dân bản Ðen-vi-lay coi là già bản của mình trong buổi lễ kết nghĩa hai bản. Từ già làng Pả Ai, từ bản A Ho đã có thêm hàng vài chục cặp bản trên tuyến biên giới Quảng Trị - Sa-va-na-khẹt kết nghĩa anh em để cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng nhau vun đắp tình đoàn kết Việt - Lào.
Giờ đây sự linh thiêng của cột mốc vẫn như lời mời gọi đối với bao người. Có nhiều bạn trẻ vượt hàng nghìn cây số từ đất mũi Cà Mau để một lần băng rừng đến thăm cột mốc ngã ba A Pa Chải, Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Nhiều người hành trình vào với Tây Nguyên đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y chụp một bức hình kỷ niệm bên cột mốc ngã ba Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia.
Riêng tôi, tôi nhớ như in cái không gian mênh mông mùa nước nổi trên biên giới An Giang. Khi chiếc xuồng dừng lại, chúng tôi nhảy ùm xuống nước để sờ để nắn chiếc cột mốc được cắm sâu trong lòng đất mẹ. Với tôi, ở nơi đâu cột mốc cũng đẹp. Thâm nghiêm như trong rừng già Tây Bắc, hùng vĩ tột đỉnh trên cao nguyên đá Đồng Văn và mênh mông bát ngát trên những cánh đồng nước miền Nam Bộ. Những chiếc vảy rồng trong huyền thoại ngàn xưa, những chiếc cột mốc đã tạo nên dáng hình Tổ quốc.

Đặng Giang/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất