(TG)- Chiều 6/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quý I/2018 với chủ đề: Thành phố thông minh và quản lý đô thị trong tình hình hiện nay.
Tham dự Hội nghị thông tin chuyên đề có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, trưởng các ban, đơn vị Đảng ủy Khối, các đồng chí lãnh đạo các ban, đơn vị, Đảng ủy Khối, các đồng chí là bí thư, phó bí thư, trưởng ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc; các đồng chí báo cáo viên các cấp Đảng ủy Khối và đảng viên thuộc các đảng bộ: cơ quan Đảng ủy Khối, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày nội dung chuyên đề.
Phát triển đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu của các thành phố, đô thị lớn trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Không nằm ngoài xu hướng đó, một số thành phố lớn ở Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố thông minh với lộ trình cụ thể, thiết thực, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đây là những bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.
Nội dung chuyên đề được trình bày Thành phố thông minh và quản lý đô thị trong tình hình hiện nay nhằm trả lời câu hỏi về việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành phố thông minh hiện nay như thế nào, những cơ hội và thách thức ra sao…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, mô hình thành phố thông minh (smart city) là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, chủ đạo là tư duy hệ thống, phương tiện là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông; với mục tiêu xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư; có tiêu chí đạt các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Với điều kiện Việt Nam như hiện nay, cần phải bắt đầu việc tìm hiểu khái niệm, nội hàm, nội dung của thành phố thông minh để thống nhất nhận thức và có bước đi đúng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Nội hàm của thành phố thông minh được hiểu là công dân thông minh, căn hộ thông minh, cộng đồng thông minh, dịch vụ công cộng thông minh, kiểm soát an ninh công cộng thông minh, chăm sóc y tế thông minh, kinh tế chia sẻ thông minh... Do đó, cần có bộ chỉ số để đo lường, đánh giá và so sánh các thành phố thông minh trên toàn cầu.
Một đặc trưng cơ bản của thành phố thông minh là mối tương tác thế giới thực và thế giới ảo, sử dụng công cụ là tư duy hệ thống xác định đúng “điểm đòn bẩy” để phát triển. Điều kiện cần thiết là đảm bảo sự kết nối liên tục, tin cậy. Sự kết nối rộng khắp cùng việc sử dụng chung cơ sở dữ liệu lớn (big data) là một trong 15 nhóm sản phẩm cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Điểm yếu của hệ thống kết nối rộng khắp là sẽ vô cùng nguy hiểm nếu bị gián đoạn hoặc bị chiếm quyền kiểm soát. Vì vậy, việc quản lý an ninh dữ liệu, an toàn hệ thống mạng phải bảo đảm hầu như tuyệt đối. Công tác chủ động phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu, các hệ thống dự phòng sẵn sàng vận hành khi có sự cố.
Đẩy xây dựng thành phố thông minh cần có nền tảng về thể chế, khung chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, quyết tâm chính trị của chính quyền thành phố, hạ tầng công nghệ thông tin và kết nối toàn cầu. Lợi thế của Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh là các thành phố của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Việc đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật có thể tiến thẳng lên hiện đại, giảm bớt chi phí cho việc hủy bỏ các hệ thống cũ. Tuy nhiên, sẽ gặp phải khó khăn về nguồn vốn đầu vì công nghệ hiện đại đi liền với chi phí cao.
Để tránh thất bại hoặc tình trạng kém hiệu quả như một số nước tiên phong trong cách mạng công nghiệp 3.0, với công nghệ chủ đạo là công nghệ thông tin và tự động hóa, chúng ta cần tiến thẳng vào cách mạng công nghiệp 4.0; cần lựa chọn mô hình thí điểm với quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng đầu tư và quản lý cũng như hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu cao nhất là người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ thông minh của đô thị hiện đại, đam lại địa điểm đáng sống, kinh tế dễ phục hồi khi bị tổn thương bởi các biến động thị trường; có các giải pháp thỏa đáng về việc làm khi robot thay thế công việc của con người.
Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ICT vào nhiều lĩnh vực, “thành phố thông minh” đã trở thành mô hình mẫu mực của nhiều đô thị hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thành phố thông minh” không chỉ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến mà còn cần một hệ thống quản trị thông minh, đảm bảo mạng lưới tính hợp và tương thích giữa các yếu tố công nghệ mới và những đặc thù của địa phương. Xây dựng mô hình “quản trị đô thị thông minh” là điều mà chính quyền nhiều địa phương ở Việt Nam cần học tập từ kinh nghiệm đi trước của những thành phố phát triển trên thế giới.
Thu Hằng