Thực tế ấy một mặt cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương của Đảng ta. Mặt khác, nó cũng cho thấy vai trò tiên phong, gương mẫu của một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên chủ trì các cơ quan, đơn vị, địa phương đang bị suy giảm. Dù đã được bàn đi bàn lại nhiều nhưng việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên vẫn luôn là chủ đề nóng hổi tính thời sự và trở nên cấp bách hiện nay.
Một tổ chức, một tập thể muốn mạnh thì các thành viên trong tổ chức ấy phải tốt. Đảng ta cũng vậy, để đủ sức lãnh đạo đất nước vượt qua thác ghềnh, tiến tới vinh quang thì Đảng phải thường xuyên được xây dựng trong sạch, vững mạnh. Sức mạnh của đảng là do các đảng viên - những tế bào của Đảng tạo nên. Muốn Đảng mạnh thì đội ngũ đảng viên phải tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt"(1). Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2).
Trong suốt 87 năm gánh vác sứ mệnh lịch sử lớn lao mà giai cấp và dân tộc giao phó, đội ngũ đảng viên của Đảng luôn giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu. Thực tế chứng minh càng trong gian khó, hiểm nguy, vai trò của người đảng viên càng được khẳng định. Đặc biệt trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn đảng viên đã xả thân hy sinh, chiến đấu kiên cường, dũng cảm để giành lại và giữ gìn nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ đảng viên của Đảng luôn đi đầu tranh thủ thời cơ, vượt lên thách thức, tích cực, năng động, nhạy bén tiếp thu cái mới; sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập và công tác. Hầu hết đảng viên luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Bước vào thời kỳ hội nhập, đội ngũ đảng viên của Đảng thực sự đi tiên phong, gương mẫu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu của đất nước; chịu khó học tập, tiếp thu khoa học công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn. Rất nhiều đảng viên có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đã tạo ra được những giá trị mới, thành tựu mới; từ đó dẫn dắt phong trào, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và chế độ XHCN... Hình ảnh những đảng viên tiên phong, gương mẫu đã ăn sâu, bám rễ và còn mãi trong lòng nhân dân.
Nhưng thật tiếc, thời gian qua, một bộ phận không nhỏ đảng viên đã không giữ vững, phát huy được tính tiên phong, gương mẫu do suy thoái về tư tưởng, biến chất về đạo đức, lối sống. Đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở... Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa " chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (3).
Một số trường hợp điển hình phải kể đến là: Ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011-2016) có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác, đặc biệt là những sai phạm nghiêm trọng khi giữ cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bị cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nhiệm kỳ 2011-2016) bị xử lý kỷ luật cảnh cáo do có những vi phạm liên quan đến vụ Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung; bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã bị kỷ luật cảnh cáo và miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp; kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực...; ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ...; ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (giai đoạn 2011-2016) do vi phạm nguyên tắc lãnh đạo đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng... Không chỉ vậy ở nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị số đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý cũng lên tới hàng trăm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng được Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ ra là “một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu”. Không chỉ Đảng ta mà quần chúng nhân dân cũng cảm thấy rất đau, rất buồn khi có những đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí, trọng trách lớn bị xử lý kỷ luật. Nhưng vì sự trong sạch của Đảng, vì sự phát triển của đất nước, vì sự bền vững của chế độ thì không thể buông lỏng kỷ luật, kỷ cương. Có công thì thưởng, có tội thì phạt, Đảng và nhân dân ta rất công tâm. Đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý là lẽ đương nhiên, nhưng vấn đề chính không phải là xử lý bằng hình thức nào mà quan trọng là phải tìm cho được những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng đảng viên thiếu tiên phong, gương mẫu.
Nhiệm vụ của cách mạng ở từng giai đoạn có khác nhau và thực tiễn đòi hỏi vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngày một cao hơn, cho nên tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên cũng có những nội dung, yêu cầu mới. Cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Đảng viên không thể phát huy tính tiên phong, gương mẫu nếu suy thoái. Bởi lẽ quần chúng nhân dân rất tinh tường, họ chỉ tin tưởng, yêu mến, nghe và làm theo những cán bộ, đảng viên lời nói đi đôi với việc làm, có trình độ, năng lực; có phương pháp, tác phong công tác khoa học; có phẩm chất, đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh v.v..
Để vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên không bị mai một, có nhiều việc cần làm, nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Để làm được điều đó có một việc hết sức quan trọng mà chúng ta đã nói rất nhiều nhưng kết quả chưa được bao nhiêu, đó là: Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Những đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật không phải là bột phát trong chốc lát, trong một việc mà đều có quá trình và có sự móc xích, liên quan đến nhiều người trong bộ máy. Những nguy cơ sai lầm, những dấu hiệu vi phạm tinh vi đến mấy cũng bộc lộ, không chỉ một người thấy mà nhiều người trong tập thể biết. Vậy mà tại sao các vụ việc vi phạm nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra? Rõ ràng ở những tổ chức có đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình là chưa cao, nếu không muốn nói là bị buông lỏng. Thử hỏi nếu thấy đồng chí mình có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật mà tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và các đảng viên trong tập thể chân tình góp ý, thẳng thắn đấu tranh, có biện pháp ngăn chặn từ sớm thì sự việc có đi quá xa, quá nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật? Rõ ràng để tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên không bị giảm sút, vai trò quản lý, giáo dục của tổ chức đảng là hết sức quan trọng. Nhưng quyết định vẫn là vai trò chủ quan của mỗi đảng viên. Để giữ vững và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, từng đảng viên phải tự giác học tập và rèn luyện, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình. Người đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu bao giờ cũng lấy tiêu chuẩn đảng viên làm định hướng phấn đấu, là chuẩn mực để đối chiếu kiểm tra tư tưởng và hành động, từ đó thường xuyên "tự chỉnh đốn”, chứ không phải chờ đợi tổ chức đảng đề ra cuộc vận động, hay áp dụng biện pháp này, biện pháp kia thì mới tự phê bình. Tự phê bình và phê bình nghiêm túc là "chìa khóa vàng" để từng đảng viên giữ vững, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, từng tổ chức đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ./.
KIM LÂN
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H,2011, t.15, tr.113
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H,1995, tr.552.
(3) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, 2016, tr.12.
Theo QĐND