Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 16/8/2012 21:24'(GMT+7)

Đánh giá giữa kỳ chương trình chống tham nhũng



VACI 2011 đã tổ chức lễ trao giải thưởng tôn vinh 34 sáng kiến cộng đồng góp phần giảm thiểu tình trạng tham ô, hối lộ tại các cơ quan công quyền; nâng cao quyền tiếp cận của người nghèo với nguồn vốn chính sách.

Các dự án triển khai trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, giáo dục, thủ tục hành chính, tuyển dụng, với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tuyên truyền; xây dựng công cụ giám sát; ứng dụng công nghệ tin học; tự động hóa quy trình tiếp nhận sản phẩm cho đến sử dụng các loại hình nghệ thuật…

Với 3 phiên thảo luận, hội thảo nhằm mục đích đánh giá việc thực hiện các dự án đạt giải của VACI 2011, qua đó tiếp tục hỗ trợ, tăng cường năng lực thực hiện các dự án, đồng thời đề xuất ý tưởng ban đầu về việc nhân rộng các sáng kiến thiết thực.

Phát biểu của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã chỉ rõ mức độ tham nhũng đang có chiều hướng gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Kinh nghiệm ở Việt Nam và thế giới cho thấy vẫn có thể chiến thắng tệ nạn tham nhũng bằng sự công khai, minh bạch, trong đó trao quyền cho người dân tham gia phòng chống tham nhũng là một trong những giải pháp quan trọng.

Hội thảo nhận định bước đầu, 34 đề án đoạt giải đều đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định. Các dự án đã thu hút sự tham gia của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng và được triển khai nhiều ở cấp cơ sở.

Qua kết quả kiểm tra, đánh giá đối với 10 đề án tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước của Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và đại diện một số nhà tài trợ cho thấy những đề án triển khai thuận lợi thường có chủ đề án đồng thời là người có vị trí lãnh đạo tại đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động chính của đề án; chủ đề án có sự chuẩn bị chu đáo như thành lập Ban quản lý đề án, tìm những cán bộ có kinh nghiệm, chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia vào các vị trí then chốt trong đề án.

Các đề án cũng tranh thủ được sự ủng hộ của sở, ngành chủ quản, lãnh đạo địa phương, thủ trưởng đơn vị nơi thực hiện đề án; việc triển khai nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan, nhất là các đối tượng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, một số đề án tổ chức hoạt động chất lượng chưa cao, công tác tuyên truyền tổ chức tập huấn chưa kịp thời, nội dung còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, hạn chế tính lan tỏa và sự ủng hộ của cộng đồng, ngay cả với đối tượng được hưởng lợi từ đề án.

Một số đề án chưa tranh thủ được sự đồng thuận và sự tham gia của chính quyền địa phương, của cơ quan có thẩm quyền, nhất là những đề án về tăng cường tính công khai, minh bạch, đấu tranh với nạn quan liêu, tham nhũng ở cấp cơ sở…

Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục hỗ trợ, tăng cường năng lực thực hiện các dự án, nhân rộng sáng kiến để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, bền vững.

Các đại biểu cũng cho rằng các chủ đề án cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiêm, thực hiện đúng chế độ, chấp hành nghiêm các quy định về mua sắm, chi tiêu tài chính; sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, giám sát của các cơ quan đồng thời trợ.

Đồng thời, các cơ quan chức năng của nhà nước tại địa phương cần tiếp tục theo dõi, quan tâm tạo điều kiện để đề án được triển khai thuận lợi; cần có đánh giá hiệu quả tác động khi kết thúc đề án; nghiên cứu khả năng duy trì, nhân rộng các hoạt động có hiệu quả tích cực phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng của ngành, địa phương./.

Phúc Hằng (TTXVN)
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất