Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 16/12/2008 15:24'(GMT+7)

Đánh giá kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2008

Ngay từ đầu năm 2008, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đẩy mạnh với nhiều biện pháp quyết liệt nên đạt được kết quả khả quan và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực được Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định.

I - Kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008

1 - Quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên

Từ quý IV năm 2007 đến nay, việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã được thực hiện khá nghiêm túc. Tính đến cuối tháng 6-2008, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc với số tiền 700 tỉ đồng. Các địa phương đã ra quyết định giao tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp dưới với số tiền hơn 1.984 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ tiêu giao cho những tháng còn lại của năm 2008 trong cả nước dự kiến đạt khoảng 2.700 tỉ đồng, bằng khoảng 25% tổng dự phòng NSNN năm 2008. Việc thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên đã được kiểm soát một cách chặt chẽ. Trong bối cảnh giá cả xăng dầu, vật tư... lạm phát tăng cao, việc không thực hiện tăng chi ngân sách và phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên thể hiện quyết tâm cao của Đảng và hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải sắp xếp chi tiêu hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ. Khoản kinh phí tiết kiệm được dành để bổ sung nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quản lý kinh phí, vẫn còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định mặc dù công tác kiểm soát chi luôn được quan tâm đẩy mạnh. Từ tháng 10-2007 đến tháng 8-2008, hệ thống kho bạc nhà nước đã kiểm soát 170.835 tỉ đồng, phát hiện 34.233 khoản chi của 13.545 lượt đơn vị chưa đúng thủ tục, trình tự quy định, từ chối 232 tỉ đồng chi không đúng chế độ quy định. Các trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra còn nhiều; qua 1.097 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 70 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh tra tài chính 9 tháng đầu năm 2008 đã kiến nghị xử lý giảm dự toán 82 tỉ đồng, giảm cấp phát ngân sách 25 tỉ đồng, cắt giảm thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng 13 tỉ đồng, xử lý khác 326 tỉ đồng.

Việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện đã được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành chỉ thị về thực hành tiết kiệm điện; thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện tiết kiệm điện; triển khai các biện pháp tiết kiệm điện và chỉ đạo đưa vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Các biện pháp được nhiều nơi thực hiện có kết quả là: giảm hệ thống đèn quảng cáo, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng ngoài trời; quy định thời gian đóng và ngắt điện; biện pháp tiết kiệm trong sử dụng điều hoà nhiệt độ, sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện.

Việc sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học đã cơ bản bảo đảm mục đích, nội dung của chương trình và các quy định về tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ và giao dự toán, quyết toán chi ngân sách sự nghiệp bảo đảm thời gian quy định. Đến hết tháng 6-2008, các bộ, ngành đã thực hiện khoảng 60% dự toán năm.

Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính và tổ chức, bộ máy của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó đáng chú ý là việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu khoa học sang mô hình doanh nghiệp theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 5-9-2005, của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập cùng với cơ chế khoán chi, đặt hàng đối với các đề tài, dự án sử dụng NSNN đã cho phép chủ nhiệm đề tài được quyết định mức chi trên cơ sở quy chế chi tiêu của từng đề tài, nên hiệu quả sử dụng kinh phí đã được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu, nghiên cứu khoa học vẫn còn có một số hạn chế như:

- Đối với các chương trình mục tiêu: Nội dung chương trình và từng dự án chưa đề cập và xác định đầy đủ đến mối quan hệ, tính đồng bộ và việc lồng ghép giữa các dự án của chương trình cũng như với các chương trình có những nội dung tương tự; một số nơi còn lập dự toán cao làm giảm hiệu quả trong bố trí kinh phí chương trình; tiến độ giải ngân đối với kinh phí chương trình ở một số địa phương còn chậm.

- Đối với nghiên cứu khoa học và công nghệ: Hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa rõ nét, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế -xã hội; các đề tài, dự án chưa thực sự gắn với thực tế sản xuất và đời sống. Việc thực hiện xã hội hoá các hoạt động khoa học và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.

Đối với các cơ chế quản lý tài chính nhằm tạo động lực kinh tế cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí của các cơ quan, tổ chức, việc triển khai thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, ngày 17-10-2005, của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2006, ngày 25-4-2006, của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được tiếp tục đẩy mạnh với kết quả tích cực.

Thực hiện cơ chế này, các cơ quan, tổ chức đã triển khai nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên hiệu quả sử dụng kinh phí được nâng lên và kết quả tiết kiệm khá khả quan cả về kinh phí, biên chế. Theo đánh giá chung của các bộ, ngành, địa phương, cơ chế này đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao; tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí, khắc phục tình trạng cấp dưới trông chờ, ỷ lại cấp trên, qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ đã chủ động sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ, huy động vốn theo quy định để phát triển hoạt động sự nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và tăng cường tích lũy thông qua quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Qua đó, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ công để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và khai thác, phát triển nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời với việc khai thác nguồn thu, các đơn vị đã xây dựng các giải pháp quản lý nội bộ để tiết kiệm chi phí như: xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu để thực hiện trong nội bộ đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

2 - Quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg, ngày 18-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hoá phù hợp với đặc thù và điều kiện của mình.

Các bộ, ngành, địa phương đã chấp hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện đi lại tương đối tốt. Việc tạm dừng mua sắm ô-tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn hoặc sửa chữa lớn trụ sở làm việc đã được thực hiện khá nghiêm túc và đến nay chưa có đơn vị nào vi phạm. Riêng về mua sắm, sử dụng ô-tô, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm dừng mua sắm 134 xe, đồng thời thực hiện điều chuyển 79 xe ô-tô của các ban quản lý dự án đã kết thúc cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.

3 - Quản lý, sử dụng nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản

Thực hiện Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2008, thực hiện đình hoãn hoặc giãn tiến độ các dự án không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, qua đó có nguồn vốn điều chuyển cho các dự án có điều kiện hoàn thành sớm để phát huy hiệu quả ngay. Chính vì vậy, nhiều dự án đã được kịp thời bổ sung vốn nên đã hạn chế tình trạng công trình dở dang chờ bổ sung vốn trong bối cảnh giá vật tư tăng cao.

Tổng hợp từ báo cáo của 36 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố (không bao gồm các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước), tổng số công trình, dự án (sử dụng nguồn vốn NSNN) hoãn khởi công năm 2008, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỉ đồng, bằng 8% kế hoạch năm 2008, trong đó số dự án hoãn khởi công và ngừng triển khai thực hiện là 1.203 dự án với số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2008 là 1.881 tỉ đồng; số dự án giãn tiến độ thực hiện là 765 dự án với tổng số vốn là 4.111 tỉ đồng.

Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, theo báo cáo và kết quả kiểm tra ở 55 tập đoàn và tổng công ty đã rà soát cắt giảm, hoãn khởi công, ngừng triển khai và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 là 1.145 dự án với tổng số vốn đầu tư 31.086 tỉ đồng, giảm 12,7% so với chương trình kế hoạch ban đầu, trong đó đình hoãn khởi công 214 dự án với tổng số vốn là 3.866 tỉ đồng; ngừng triển khai 553 dự án với tổng số vốn đầu tư là 11.648 tỉ đồng; giãn tiến độ thực hiện 378 dự án với tổng giá trị cắt giảm khoảng 15.572 tỉ đồng.

Mặc dù kết quả tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đã toàn diện hơn, nhưng nhìn chung, tình trạng lãng phí trong lĩnh vực này vẫn còn tương đối phổ biến ở tất cả các khâu như: chất lượng quy hoạch, kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư còn hạn chế; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, manh mún dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án theo quy định và bố trí vốn vượt quá khả năng cân đối. Trong thực hiện các dự án, tình trạng thất thoát vốn đầu tư chưa được ngăn chặn hiệu quả, trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu chưa được phát huy đầy đủ nên vẫn còn tình trạng lãng phí ngay trong khâu thiết kế, cố ý làm sai lệch khối lượng thực tế thi công so với khối lượng nghiệm thu thanh toán. Việc giải ngân vốn đầu tư tuy đã được cải thiện do có nhiều biện pháp tích cực nhưng vẫn còn chậm. Các quy định trong đầu tư xây dựng còn chưa được chấp hành một cách nghiêm túc; tình trạng nợ đọng vốn vẫn còn nhiều. Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm.

4 - Quản lý, sử dụng trụ sở, nhà làm việc; quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường

Từ cuối năm 2007, công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được đẩy mạnh với các biện pháp đồng bộ hơn, từ khâu quản lý quy hoạch khai thác, cấp và thực hiện giấy phép khai thác, các biện pháp quản lý xuất khẩu tiểu ngạch đến các biện pháp kinh tế như tăng thuế xuất khẩu khoáng sản để khuyến khích tinh chế khoáng sản... Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện những biện pháp kiên quyết để lập lại trật tự trong khai thác và xuất khẩu than nên đã thu được kết quả thiết thực. Các ngành và cơ quan chức năng ở địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp. Nhiều địa phương đã tăng cường công tác lập quy hoạch khai thác khoáng sản, tài nguyên nước tạo cơ sở cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở các địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý có nơi còn buông lỏng, tình trạng thăm dò, khai thác trái phép khá phổ biến, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa ảnh hưởng tới môi trường nhưng việc khắc phục còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm 2008, tại tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý 1.032 lượt cửa lò, điểm khai thác và thu gom than trái phép, tịch thu trên 21 vạn tấn than; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính chuyên ngành, kết thúc 8 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm và kiến nghị xử phạt hành chính là 881 triệu đồng.

Trong quản lý, sử dụng đất đai, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch sử dụng đất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, xã nên đã góp phần khắc phục tình trạng đất bị bỏ hoang và có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn đối với các khu đất trống, chưa sử dụng nhằm khai thác nguồn thu từ quỹ đất. Tính đến nay, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng xong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2006-2010). Nhiều địa phương đã xử lý các trường hợp quy hoạch “treo” bằng các giải pháp kêu gọi dự án đầu tư và đến nay đã triển khai được 259 dự án với tổng diện tích 11.969 ha. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch sử dụng đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu, chậm được khắc phục. Qua kết quả thanh tra kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành (từ đầu năm 2008 đến nay đã tiến hành 14.435 cuộc thanh tra, kết thúc 12.039 cuộc) đã phát hiện 8.052 ha đất có sai phạm, kiến nghị xử lý thu hồi 3.790,4 ha, đã thu hồi được 361,9 ha đất.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở nên khá phổ biến, có nơi ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng nhưng chậm được khắc phục, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp, các lưu vực sông chảy qua nhiều khu công nghiệp, các làng nghề và khu vực khai thác khoáng sản mà điển hình là vụ Công ty Vedan, Miwon xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Xét về tổng thể, đây cũng là một lĩnh vực đang gây ra lãng phí lớn cần quan tâm có giải pháp khắc phục.

5 - Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Từ cuối năm 2007 đến nay, do giá cả các loại nguyên vật liệu, nhiên liệu liên tục tăng cao và lãi suất tín dụng cũng tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đều tăng mạnh, trong khi đó nhiều ngành hàng giá bán không tăng nên đã tạo áp lực lớn buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là chi phí gián tiếp. Các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý định mức tiêu hao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước còn rà soát, cắt giảm hoặc đình hoãn các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết, chưa hiệu quả, chậm tiến độ; thực hiện cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây trụ sở mới, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, tình trạng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa cao vẫn chưa được khắc phục. Theo kết quả kiểm toán năm 2007 đối với 225/385 doanh nghiệp thành viên thuộc 19 tổng công ty nhà nước, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí có tổng công ty lỗ hơn 40 tỉ đồng...

Cùng với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp, trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, do lạm phát tăng cao, nhất là giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng nên đã tác động mạnh tới việc tiết kiệm trong tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương, những người hưởng lương hưu và những người có thu nhập thấp. ở các địa phương, tình trạng phô trương, lãng phí trong việc tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang đã có chiều hướng giảm. Tuy vậy, ở một số nơi việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội linh đình vẫn còn diễn ra, nhất là các khu đô thị, thành phố lớn. Tình trạng phô trương, tiêu dùng quá mức bình thường có chiều hướng gia tăng ở một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

II - Định hướng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009

Trong năm 2009, nền kinh tế trong nước và thế giới còn tiếp tục có nhiều khó khăn, tiềm ẩn các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Vì vậy, kiềm chế và đẩy lùi lạm phát là nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu, trong đó thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn là biện pháp quan trọng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu đặt ra cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là phải tiếp tục góp phần tích cực vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu công, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với mục tiêu đó, trong năm 2009, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tập trung vào các lĩnh vực:

- Quản lý, sử dụng đất đai và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường.

- Quy hoạch, bố trí dự án đầu tư và quản lý, thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản.

- Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức; kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí khoa học và công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang triển khai từ đầu năm 2008 đến nay. Trong đó, cần đổi mới và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp như:

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức.

- Cụ thể hoá và tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, giao chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả chi tiêu công.

- Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý, các định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các quy định, định mức, tiêu chuẩn có vai trò hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm gắn với kiềm chế lạm phát.

- Đổi mới và đẩy mạnh thực hiện các cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN nhằm tạo động lực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Nâng cao vai trò giám sát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, điều hành kinh tế, tài chính; kiên định và đẩy mạnh việc thực hiện theo cơ chế thị trường trong quản lý giá các mặt hàng quan trọng mà Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng, dầu, gắn với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội, xem đây là một biện pháp điều hành vĩ mô quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực đối với cả khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và nhân dân.

Ba là, tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính và quản lý giám sát thích hợp, nhất là chính sách thuế để định hướng tiêu dùng, tạo động lực kinh tế cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tấm gương đạo đức của Người về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu./.

Theo Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất