Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 16/12/2008 11:57'(GMT+7)

Tử vong do tai nạn giao thông giảm đáng kể

Người dân đã có ý thức trong việc đội mũ bảo hiểm

Người dân đã có ý thức trong việc đội mũ bảo hiểm

Hôm nay (15/12), đúng tròn một năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Trong khoảng thời gian này, về cơ bản, người dân đã có ý thức đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng mình nhưng cũng còn không ít trường hợp vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh.

Những tai nạn thương tâm

Có mặt tại các Khoa Khám bệnh - Cấp cứu và Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức - trung tâm ngoại khoa lớn nhất phía Bắc, nơi tiếp nhận các trường hợp tai nạn giao thông nặng, dù đã biết trước về những thương tích do tai nạn giao thông gây ra, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Các phòng điều trị đều chật kín bệnh nhân, thậm chí có giường phải ghép 2 bệnh nhân. Những tiếng rên la của người bệnh, những cái đầu phủ đầy băng trắng nằm đờ đẫn, những bộ mặt chán nản, mệt mỏi của người nhà bệnh nhân, âm thanh của máy móc, mùi nước khử trùng của bệnh viện làm chúng tôi cảm thấy nôn nao.

Người nhà của hai bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tích và Nguyễn Ngọc Lành (Quốc Oai, Hà Nội) từ gần chục ngày nay luôn ở trong trạng thái lo lắng thấp thỏm. Trên đường trở hàng về, do uống bia, không làm chủ được tốc độ, anh Tích điều khiển xe máy chở anh Lành đã lao thẳng vào chiếc xe công nông chạy ngược chiều. Do không đội mũ bảo hiểm, cả hai anh đều bị chấn thương sọ não mê man bất tỉnh từ nhiều ngày qua. Anh Nguyễn Ngọc Lành đang được các bác sĩ chuẩn bị đưa đi mổ não, trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Tích nặng hơn, các bác sĩ đang tiếp tục phải theo dõi.

Cạnh đó, anh Phạm Đức Tuấn (Ba Vì) đang chăm sóc người cháu ruột vừa bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Anh được nghe những người chứng kiến kể lại, do tránh người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, cháu anh bị ngã văng ra khỏi xe, đầu đập xuống nền đường. Mặc dù đã đội mũ bảo hiểm, nhưng do không cài khóa nên chiếc mũ văng ra, bẹp dúm, còn cháu anh phải vào viện trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng.

Em Nguyễn Văn Tiến (Văn Điển) là một trong những trường hợp may mắn hiếm có đang nằm điều trị tại Khoa chấn thương chỉnh hình. Dù ngày thường không lúc nào quên đội mũ bảo hiểm, nhưng buổi tối hôm xảy ra tai nạn, đi uống rượu cùng đám bạn về, chủ quan không đội mũ bảo hiểm, em đã đâm xe vào ô tô, bị chấn thương vùng mặt và tay chân. Sau 2 tuần điều trị, Tiến đã được ra viện. Em nói: “Phải nói là số em cực kỳ may mắn nên đã qua khỏi cơn nguy hiểm. Sau vụ tai nạn này chắc chắn em sẽ không uống rượu khi đi đường, không thể chủ quan với tính mạng của mình, chắc chắn em càng không thể quên đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”.

Cùng phòng với Tiến, Nguyễn Văn Hùng (Nam Định) là một trong những nạn nhân thoát chết nhờ mũ bảo hiểm. Khi va chạm với phương tiện giao thông ở đường, nhờ có mũ bảo hiểm đã bảo vệ được đầu Hùng khi bị đập vào vỉa bê tông bên đường. Hùng nói, khi ra đường chưa bao giờ quên đội mũ bảo hiểm. Với Hùng, đội mũ bảo hiểm không phải để đối phó với công an mà anh tự thấy việc đội mũ có lợi cho bản thân mình. Vụ tai nạn lần này càng nhắc nhở Hùng phải nhớ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

“Mũ bảo hiểm cứu mạng sống”

Theo Bác sĩ Cao Độc Lập, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh và Cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức), mỗi ngày khoa tiếp nhận gần 100 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông. Tính đến hết tháng 10/2008, số vụ tai nạn nói chung được chuyển đến viện là 16.746 ca, giảm khoảng 2.000 ca so với năm 2007 (18.752 ca). Trong đó, số vụ tai nạn giao thông chiếm 58% (năm 2007 là 63%). Số bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông bị tử vong hoặc gia đình xin về do không cứu chữa được là 965 trường hợp (năm 2007), năm 2008 là 745 trường hợp. Số vụ tai nạn giao thông mà người bị nạn không đội mũ bảo hiểm chiếm khoảng 13%. Nhìn chung, năm 2008, cả số vụ tai nạn lẫn số bệnh nhân tử vong đều giảm đáng kể so với năm 2007.

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết vào cuối tháng 10/2008, tử vong giao thông đường bộ giảm hơn 1.400 ca, và thương tích nghiêm trọng giảm hơn 2.200 ca so với cùng kỳ năm 2007.

Đai uý Vũ Minh Là (Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cũng cho biết, kể từ khi thực hiện Nghị quyết về đội mũ bảo hiểm đến nay, đa số người dân đều đã nghiêm túc thực hiện. Số vụ vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi tham gia điều khiển mô tô, xe máy giảm hẳn. Hiện nay, mỗi ngày tại chốt giao thông Lý Thái Tổ-Tràng Thi, cảnh sát giao thông chỉ phải xử lý 1-2 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm, người vi phạm chủ yếu là thanh niên.

Các số liệu trên (dù chưa đầy đủ) nhưng cho thấy Nghị quyết của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường đã có tác động mạnh tới ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời làm giảm các ca thương tích và tử vong giao thông đường bộ tại Việt Nam. Việc thực hiện bước đầu có hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng được thế giới đánh giá cao. Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 32 cho thấy đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen và là một điểm mới trong “văn hóa giao thông” tại Việt Nam. Tại Mỹ, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm chỉ khoảng 70%, tại Thái Lan là 60%..., tại Việt Nam, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm lên tới 95%. TS.Shigeru Omi - Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương chúc mừng Việt Nam thực hiện thành công quy định về đội mũ bảo hiểm. Ông cho rằng, con số giảm 16% đối với chấn thương sọ não được xem là một kết quả của quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Ông Kobayasi Kenichi, đại diện JICA cho biết, không chỉ ông mà bất cứ người nước ngoài nào sống ở Việt Nam đều rất ấn tượng bởi chỉ qua 1 đêm, gần như 100% người đi môtô, xe gắn máy đã đội mũ bảo hiểm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều nơi, nhiều lúc vẫn còn những trường hợp thiếu sự chấp hành nghiêm túc, đặc biệt khu vực đường giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay vào buổi tối ở các đô thị, đối tượng vi phạm chủ yếu vẫn là thanh niên. Khi được hỏi, họ thường đưa ra những lý do như nhà gần nên không cần thiết phải đội mũ; đội mũ làm hỏng bộ tóc thời trang hay không quen đội mũ bảo hiểm…

Tại chốt giao thông Lý Thái Tổ-Tràng Thi, chúng tôi đã tiếp xúc với anh Nguyễn Hồng Phúc (nhà ở số 16 Nguyễn An Ninh) khi anh đang bị CSGT xử lý vi phạm vì không đội mũ bảo hiểm. Anh Phúc cho biết, thỉnh thoảng ra đường anh vẫn không đội mũ bảo hiểm vì nhà gần, nhiều tuyến đường ít khi có công an đứng nên anh “bỏ qua” việc đội mũ bảo hiểm. 

Tiến sỹ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến cáo, với một thông điệp rất đơn giản, ngắn gọn, mọi người hãy luôn ghi nhớ “Mũ bảo hiểm cứu mạng sống”. Nhờ việc áp dụng luật đội mũ bảo hiểm bắt buộc mà hôm nay nhiều người còn được sống để tận hưởng cuộc sống cùng gia đình.

Cuộc sống ngày càng phát triển, xã hội ngày càng phát triển, tất yếu dẫn đến lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng và còn tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, ngoài việc tiếp tục xây dựng và điều chỉnh các quy định, kết hợp thi hành luật nghiêm khắc, việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến vận động để người dân tự ý thức với việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là vô cùng quan trọng./.

(Theo:Thanh Hà - Minh Hòa/VOV News)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất