"Nhờ việc áp dụng luật đội mũ bảo hiểm bắt buộc mà hôm nay nhiều người được sống để tận hưởng cuộc sống cùng gia đình và chờ đón Tết," Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói nhân kỷ niệm một năm ngày toàn dân đội mũ bảo hiểm.
Báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy, cuối tháng 10/2008, tử vong từ giao thông đường bộ giảm hơn 1.400 ca, và thương tích nghiêm trọng giảm hơn 2.200 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tiến sĩ Olivé, số liệu này giúp củng cố thêm thông điệp "mũ bảo hiểm cứu mạng sống".
Tuy nhiên, theo đại diện WHO, cần xử lý nghiêm cũng như áp dụng chế tài mạnh đối với những người không cài quai mũ bảo hiểm đúng cách bởi nếu không được cài quai đúng cách "mũ bảo hiểm sẽ không có tác dụng bảo vệ nào cả".
Trước thực trạng 80% mũ bảo hiểm trên thị trường không đạt các tiêu chuẩn quốc gia (theo khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng vào đầu năm 2008), Tiến sĩ Olivé nhận định, việc thay đổi tiêu chuẩn mũ bảo hiểm như vừa qua là biện pháp giúp củng cố an toàn xe gắn máy.
Bên cạnh việc chúc mừng thành công của Việt Nam, WHO cũng khuyến cáo rằng cần phải "tập trung sự chú ý sang vấn đề hiện một lượng lớn trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi được đèo bằng xe gắn máy".
"Mặc cho những nghi kỵ hay đồn đại về tác hại của việc đội mũ bảo hiểm, nhiều thương tích và tử vong giao thông đường bộ ở trẻ em có thể đã được ngăn chặn thông qua việc sử dụng thường xuyên mũ bảo hiểm phù hợp, có chất lượng tốt và được cài quai đúng cách", Tiến sĩ Olivé nói.
Theo WHO, mũ bảo hiểm có thể làm giảm 42% nguy cơ tử vong và 69% thương tích nặng. Hơn 95% trong số 26 triệu phương tiện giao thông của Việt Nam là xe máy, con số này đang gia tăng với hơn 9.000 xe đăng ký mới mỗi ngày. Ước tính 59% trong số các trường hợp tử vong do giao thông đường bộ là người đi xe máy.
VnExpress