VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP NGƯỜI LÀM BÁO TRONG ĐÀO TẠO BÁO CHÍ
Ở phần mở đầu, người viết đã đề cập đến ngành Y với dụng ý liên hệ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có tầm quan trọng như vấn đề y đức của người thầy thuốc khi hành nghề. Chính vì vậy, việc chú trọng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên của các trường đào tạo ngành Báo chí là một yêu cầu bức thiết và cần được đặc biệt quan tâm thực hiện có hiệu quả, như công tác giáo dục y đức cho sinh viên của các trường đào tạo ngành Y. Một trong những nghi lễ rất trang trọng, ý nghĩa của sinh viên ngành Y là đọc Lời thề Hippocrates - ở Việt Nam còn được gọi là Lời thế Y đức - trong buổi lễ tốt nghiệp, trước khi vào nghề. Điều đó trở thành biểu tượng tinh thần thiêng liêng, là động lực mạnh mẽ để mỗi sinh viên nỗ lực học tập, rèn luyện. Bởi, bất kỳ một sinh viên nào, trong quá trình học cũng mong chờ thời khắc được khoác lên mình bộ lễ phục để nhận bằng tốt nghiệp. Và do đó, nội dung lời thế Y đức và những chuẩn mực đạo đức nghề Y, dù vô tình hay chủ đích đã dần ăn sâu vào tâm thức của mỗi sinh viên cùng với những bài học về đạo đức nghề nghiệp từ thầy cô trên giảng đường.
Vậy biểu tượng tinh thần góp phần vào quá trình hình thành đạo đức nghề nghiệp của sinh viên ngành Báo chí là gì?
Thực tế cho thấy, trong chương trình đào tạo chuyên ngành Báo chí, các nhà trường cũng đã quan tâm đưa vào giảng dạy môn học về đạo đức nghề nghiệp người làm báo cho sinh viên. Điển hình như Khoa Báo chí - Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào giảng dạy môn này với thời lượng 2 tín chỉ (tương đương 30 tiết học) trong một khóa học. Đảm nhận môn học này là những nhà báo có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác giảng dạy cũng như trong hoạt động nghề nghiệp. Chính kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên đã truyền thụ cho sinh viên những bài học bổ ích về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, với sự nhạy bén và khả năng chủ động tìm kiếm thông tin của sinh viên ngành Báo chí, các sinh viên cũng có thể tự trau dồi đạo đức nghề nghiệp từ những tấm gương nhà báo cách mạng tiền bối của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà báo Hữu Thọ... Hoặc từ bài học kinh nghiệm sâu sắc của đội ngũ người làm báo cả nước có liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, thông qua từng sự việc cụ thể[2].
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong thời gian 04 năm của khóa đào tạo bậc đại học với cả trăm tín chỉ phân bổ cho hàng chục môn, nội dung học - thực tập bao gồm cả lý thuyết và chuyên ngành[3], trong điều kiện áp lực học tập khá cao thì thời lượng 02 tín chỉ dành cho môn “Đạo đức nghề nghiệp nhà báo” (của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và 03 tín chỉ dành cho môn “Pháp luật và đạo đức báo chí truyền thông” (của Đại học Quốc gia Hà Nội) liệu có đảm bảo hiệu quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp hay sẽ bị sinh viên bỏ quên sau khi kết thúc môn để “chiến đấu” với những môn học khác?, liệu tỷ lệ sinh viên tự chủ động trau dồi đạo đức nghề nghiệp như vừa nói ở trên có thống kê được con số bao nhiêu?. Có lẽ đó tiếp tục là những câu hỏi cần có câu trả lời thẳng thắn, khách quan và khẩn thiết từ các nhà trường. Và có lẽ đó cũng là lý do vào đầu năm 2017, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo “Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu nội dung hội nghị chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy với Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; với Cấp ủy, Ban Giám hiệu các trường có đào tạo chuyên ngành báo chí - truyền thông về chương trình giảng dạy, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí - truyền thông trong tình hình hiện nay”[4].
Từ những vấn đề đặt ra và đứng trước yêu cầu ngày càng cao của việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngành Báo chí, để đảm bảo khi vào nghề họ thật sự trở thành những người làm báo có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt và có trách nhiệm với xã hội, thì các nhà trường cần quan tâm một số giải pháp sau trong rất nhiều các giải pháp để đảm bảo nâng cao cao hiệu quả công tác này:
ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ - TƯ TƯỞNG GẮN VỚI ĐẶC THÙ NGÀNH BÁO CHÍ
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: “Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khuyến khích thiên thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm”[5]. Như vậy, giáo dục chính trị - tư tưởng cho sinh viên ngành Báo chí là nhiệm vụ hàng đầu của các nhà trường. Công tác này là giải pháp nhằm cung cấp cho sinh viên một cách cơ bản và hệ thống nhất những tri thức, hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực nói chung và quan điểm của Đảng, Nhà nước về Báo chí; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới. Từ đó, giúp hình thành ở sinh viên lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta; hiểu được những thành quả cách mạng của đất nước do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp sinh viên nhận thức rõ những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch chống phá chế độ.
Để làm tốt giải pháp này các nhà trưởng cần chú ý: thường xuyên đổi mới cách thức, phương thức tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị - tư tưởng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm cho sinh viên được tham gia nhiều, phát huy tính tích cực sáng tạo của các sinh viên theo hướng gắn liền với thực tiễn sôi động của đất nước, các đặc thù của ngành Báo chí. Muốn vậy, các nhà trường mà trực tiếp là các Khoa/Viện đào tạo về Báo chí - Truyền thông phải xây dựng nội dung, kế hoạch công tác giáo dục chính trị - tư tưởng đảm bảo khoa học, hợp lý, đúng mục đích, chức năng, nhiệm vụ; tuyệt đối tránh bệnh hình thức, thành tích; lồng ghép nhiệm vụ giáo dục chính trị - tư tưởng vào đặc thù nghề nghiệp một cách khéo léo và hiệu quả; gắn các hoạt động của nhà trường với thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua các môn học
Trong khối kiến thức chung theo quy định, sinh viên ngành Báo chí đều được học các môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Những môn học này, ngoài việc trang bị cho sinh viên kiến thức về lý luận, về hệ tư tưởng và đường lối cách mạng của Đảng ta, về những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì từ trong nội dung từng bài giảng còn có những tác động giúp hình thành trong sinh viên tình cảm, đạo đức cách mạng trong sáng và cao quý.
Ngoài những môn học nói trên, nhà trường có thể thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên thông qua việc giảng dạy các môn học và thực hiện ngay trong quá trình giảng dạy. Mỗi một môn học đều có những ảnh hưởng tích cực đến quá trình hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Vì thế, ngoài việc cung cấp kiến thức chuyên môn, việc đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp giảng dạy các môn học trong nhà trường theo hướng rèn luyện, giáo dục ý thức đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên là việc làm mà mỗi giảng viên khi đứng lớp và các nhà trường cần phải quan tâm. Việc giáo dục những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên Báo chí trong hoạt động giảng dạy phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán đối với từng giảng viên và trong từng môn học “Đặc biệt phải tận dụng khả năng đặc thù của các môn học”[6].
Đồng thời, với đặc thù của người làm báo là có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin, vụ việc nhạy cảm, phức tạp trên các lĩnh vực của đất nước, nên dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Do vậy, các nhà trường, các Khoa/Viện đào tạo về Báo chí - Truyền thông cần có biện pháp nắm bắt nội dung, phương pháp giảng dạy của các giảng viên trong từng môn học, tránh trường hợp giảng viên khi đứng lớp dẫn chứng quá nhiều nội dung mang tính tiêu cực của xã hội, vô tình tạo cho sinh viên những quan niệm sai lầm, những bức tranh tối màu về thực tiễn đất nước khi bước vào nghề. Để làm sao sinh viên có thể rèn luyện ý thức nhận diện, đấu tranh phê phán với những cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội nhưng không luẩn quẩn trong bế tắc mà luôn khơi gợi về một tương lai tươi sáng.
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua quá trình tự giáo dục và hoạt động thực tế của sinh viên
Con đường hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách của một con người nói chung và người làm báo nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tự tu dưỡng, rèn luyện những phẩm chất đạo đức và năng lực thực hành của mỗi cá nhân. Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp của nhà trường phải làm chuyển biến về nhận thức của sinh viên, giúp sinh viên biến quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của bản thân. Để làm tốt giải pháp này, nhà trường cần phải làm cho sinh viên nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của quá trình tự tu dưỡng, tự rèn luyện để trở thành những nhà báo “mắt sáng - lòng trong - bút sắt” như lời chúc của cố Nhà báo Hữu Thọ[7]. Muốn vậy, nhà trường phải nêu cao vai trò trách nhiệm của bộ phận phụ trách công tác sinh viên, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp trong trường và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Bởi vì, đây là các bộ phận có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến quá trình hình thành phẩm chất đạo đức của sinh viên. Các bộ phận này có nhiệm vụ trang bị cho sinh viên những phương pháp, cách thức và kinh nghiệm trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời là bộ phận theo dõi, giúp đỡ, uốn nắn sinh viên kịp thời.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần quan tâm xây dựng chương trình đào tạo chú trọng thực hành, trải nghiệm thực tế. Bởi nghề Báo là một nghề khá đặc thù, đòi hỏi sự nhạy bén, hiểu biết thực tiễn và có kinh nghiệm cọ sát thực tiễn nhiều hơn chỉ học về lý thuyết. Những buổi thực tế dành cho sinh viên cần gắn với các sự kiện trọng đại của dân tộc, gắn với những địa danh văn hóa - lịch sử của đất nước để góp phần hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi sinh viên. Đó cũng là nền tảng quan trọng góp phần vào quá trình hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách cho họ; đồng thời, hình thành ý thức trách nhiệm của mỗi người khi bước vào nghề trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử…
VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP NGƯỜI LÀM BÁO TRONG CÔNG TÁC TUYÊN DỤNG VÀ QUẢN LÝ
Trong phần này, người viết chủ yếu muốn đề cập đến vai trò của các cơ quan báo chí. Riêng về công tác quản lý thì còn có thêm vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, hội nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí.
Đối với công tác tuyển dụng
Thực tế cho thấy, không phải tất cả sinh viên Báo chí sau khi ra trường đều làm đúng chuyên ngành và cũng không phải tất cả phóng viên được tuyển dụng vào các cơ quan báo chí đều trải qua quá trình được đào tạo về chuyên ngành Báo chí. Do xuất phát từ yêu cầu của từng đơn vị báo chí đối với từng mảng nội dung mà ban biên tập (ban tổng giám đốc/giám đốc đối với đài truyền hình và đài phát thanh) các cơ quan báo chí tuyển dụng những người có chuyên môn khác như: Luật, Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ Thông tin,… Và qua thực tế công tác, những người này vẫn làm tốt vai trò của một người làm báo nói chung (phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên).
Tuy nhiên, vì không trải qua quá trình đào tạo chuyên ngành Báo chí nên những người làm báo kể trên chắc chắn không trải qua quá trình giáo dục đạo đức nghề nghiệp người làm báo như đối với một sinh viên Báo chí. Vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp hoặc là do họ tự ý thức trau dồi, rèn luyện; hoặc là thuộc trách nhiệm của nhà tuyển dụng - tức là trách nhiệm của các ban biên tập. Về vấn đề này, ban biên tập các cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu các cơ quan báo chí cần xác định rõ trách nhiệm của mình để có giải pháp thực hiện chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả. Trong nội dung chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy yêu cầu “lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố xây dựng chiến lược hoạt động, phát triển các loại hình báo chí hiện có trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các loại thiết bị viễn thông và truyền thông xã hội. Về nhân lực, chiến lược của mỗi cơ quan báo chí phải đặt ra giải pháp tuyển dụng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác báo chí của cơ quan mình, đảm bảo về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn”[8].
Có lẽ, nội dung chỉ đạo nêu trên là giải pháp hiệu quả và cấp thiết đối với mỗi cơ quan báo chí trong chiến lược phát triển nói chung và trong vấn đề đạo đức nghề nghiệp người làm báo nói riêng.
Đối với công tác quản lý
Nói về công tác quản lý trong lĩnh vực báo chí có thể dễ dàng nhận thấy nó bao gồm công tác quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, của sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố, của hội nhà báo các cấp; công tác quản lý của cơ quan chủ quản báo chí và công tác quản lý của ban biên tập - người đứng đầu các cơ quan báo chí. Trong đó, ban biên tập - người đứng đầu các cơ quan báo chí có liên quan trực tiếp nhất đến việc thực thi đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Trong thời gian qua, ngoài những thành tích đạt được, đóng góp rất lớn vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước cũng như của các địa phương, thì báo chí vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Như đánh giá của Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với các cơ quan báo chí thành phố: “Lãnh đạo các cơ quan báo chí còn buông lỏng trong phân công quản lý và xử lý quy trình trách nhiệm, nhất là phân công trong Ban Biên tập, phóng viên và Tòa soạn, từ đó dẫn đến việc không kiểm soát được các tin, bài, hình ảnh được đăng phát trên các loại hình báo chí”[9]. Việc buông lỏng quản lý sẽ dẫn đến những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng, bắt đầu từ sai sót trong nghiệp vụ dần dần đi đến tha hóa về đạo đức nghề nghiệp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển, mỗi cơ quan báo chí đang đặt mình vào tình thế cạnh tranh gay gắt, khốc liệt với các phương tiện viễn thông và truyền thông mạng xã hội. Cuộc đua tốc độ về đăng tải thông tin và việc đánh giá chất lượng tin bài thông qua lượt người xem (lượt view) và số người thích và chia sẻ (lượng like, share) để làm thước đo chấm nhuận bút vô tình đẩy người phóng viên vào vòng luẩn quẩn, nếu không nói là “thực dụng hóa”. Không khó để bắt gặp những dòng trạng thái của phóng viên các cơ quan báo chí chia sẻ trên mạng xã hội về việc “xin view”, “xin like” từ bạn đọc; hoặc những dòng chia sẻ của phóng viên về việc bị báo khác, trang tin điện tử sao chép nội dung tin bài, hình ảnh không xin phép khiến ảnh hưởng đến lượt “view”, “like”. Và khi đó, nguy cơ việc thực thi đạo đức nghề nghiệp của phóng viên trực tiếp tác nghiệp không được quan tâm thực hiện là không hề nhỏ.
Ngoài ra, có một thực tế đang diễn ra khiến cộng đồng xã hội không khỏi bức xúc. Đó là, nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí khi gửi tin bài đăng, phát trên báo của mình thì thực hiện đúng quan điểm, đường lối, tôn chỉ, mục đích của tờ báo và các quy định liên quan đến hoạt động báo chí. Nhưng trên các trang mạng xã hội cá nhân, nhất là mạng Facebook lại thể hiện góc nhìn, quan điểm hoàn toàn trái ngược, theo hướng giật gân, câu khách, tạo sự tò mò cho công chúng về một “sự thật khác” liên quan đến một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, liên quan đến các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và các địa phương. Từ đó, tạo ra những luồng dư luận tiêu cực trong cộng đồng xã hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các đồng chí lãnh đạo; đối với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp và đối với hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Hoặc nghiêm trọng hơn, chỉ vì lợi ích cá nhân mà những người làm báo của các cơ quan báo chí khác nhau câu kết cùng nhau để “đánh phủ đầu” doanh nghiệp nhằm tạo sức ép thu tiền bất chính; hoặc để bảo vệ doanh nghiệp này “đánh phá” doanh nghiệp khác. Tất cả những thực trạng nêu trên, dù chỉ là vấn đề chung trong đời sống báo chí cả nước, chưa nêu cụ thể cơ quan báo chí nào, nhưng đều là những dấu hiệu tha hóa đạo đức nghề nghiệp người làm báo đáng báo động mà mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm.
Từ thực tế đáng báo động đó, không thụ động đợi các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xử lý sai phạm, lãnh đạo các cơ quan báo chí - nhất là người đứng đầu các cơ quan báo chí cần chủ động, tăng cường các biện pháp quản lý có hiệu quả hoạt động của đội ngũ những người làm báo trực thuộc đơn vị mình; phải đảm bảo việc thực thi đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 16/12/2016 được thường xuyên, liên tục và trên tinh thần tự giác cao. Việc “có cơ chế quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong quá trình tác nghiệp cũng như trong cuộc sống hàng ngày”[10] trong chiến lược hoạt động, phát triển của các cơ quan báo chí như chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố có lẽ vẫn là giải pháp tối ưu nhất.
***
Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp người làm báo nói riêng là quá trình tự thân của mỗi người. Thế nhưng, vai trò của nhà trường trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp; của cơ quan tuyển dụng và sử dụng lao động nghề Báo trong việc bồi dưỡng, quản lý, giám sát để đảm bảo đạo đức nghề nghiệp được thực thi nghiêm túc, tự giác cũng rất quan trọng, không thể thiếu và mang tính trực tiếp, xuyên suốt./.
Trịnh Thanh Toàn
Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
[1] GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Trường Chinh - Nhà báo “dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ”, Tạp chí điện tử Người Làm Báo, 28/6/2017.
[2] Điển hình như vụ việc một số nhà báo thực hiện nhiều bài viết thông tin sai sự thật về nước mắm truyền thống nhiễm hàm lượng thạch tín (Arsen) vượt ngưỡng cho phép; các vụ việc nhà báo tống tiền doanh nghiệp...
[3] Theo Chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học ngành Báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 4118/QĐ-ĐT, ngày 30/11/2012 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì mỗi sinh viên phải tích lũy 134 tín chỉ phân bổ cho 47 môn, nội dung học - thực tập bao gồm cả lý thuyết, chuyên ngành. Nguồn: Website Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4] Thông báo số 379-TB/VPTU ngày 25/01/2017 của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, trang 119, 120.
[6] Bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 29/6/1962 - “Càng yêu người bao nhiêu, thì càng yêu nghề bấy nhiêu”.
[7] “Mắt sáng, lòng trong, bút sắt là đạo đức, lương tâm của người viết báo”, Báo điện tử Dân Trí, ngày 20/6/2011.
[8] Thông báo số 379-TB/VPTU ngày 25/01/2017 của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Thông báo số 379-TB/VPTU ngày 25/01/2017 của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
[10] Thông báo số 379-TB/VPTU ngày 25/01/2017 của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.