Giới trẻ ngày càng bị tác động tiêu
cực bởi hàng nghìn thông tin thật giả lẫn lộn, bạo lực... được tán phát
tự do, gây băng hoại giá trị đạo đức, sao nhãng việc học tập, giảm năng
suất lao động, tinh thần uể oải, đắm chìm vào "thế giới ảo". Không ít gia đình lục đục vì mạng xã hội; không ít nhân viên công ty mượn mạng xã hội để nói xấu nhau...
Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với hơn 50 triệu người dùng internet, nằm trong tốp 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) nhất thế giới. Đây là lợi thế để phát triển nhưng đi kèm là thách thức, nhất là khi chưa có một cộng đồng mạng thực sự lành mạnh.
Bên cạnh tiện ích, sự hấp dẫn, người dùng internet tại Việt Nam, nhất là giới trẻ ngày càng bị tác động tiêu cực bởi hàng nghìn thông tin thật giả lẫn lộn, bạo lực... được tán phát tự do, gây băng hoại giá trị đạo đức, sao nhãng việc học tập, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, đắm chìm vào "thế giới ảo". Đây chính là tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý cũng như sự hình thành, phát triển nhân cách của con người.
Trên bình diện quốc gia, khá nhiều trang web, trang tin điện tử, blog
cá nhân giả mạo cơ quan công quyền nhằm mục đích xuyên tạc đường lối,
quan điểm của Đảng, Nhà nước; hạ thấp uy tín cá nhân lãnh đạo; gây mất
đoàn kết, phá hoại từ bên trong. Ở mức độ nhỏ hơn, không ít gia đình lục
đục vì MXH; không ít nhân viên công ty mượn MXH để nói xấu nhau... Và
sau tất cả những hành vi đó, chủ các MXH, website, blog... vẫn ngang
nhiên hoạt động, kiếm tiền bất hợp pháp.
Thực trạng này cho thấy, Việt
Nam đang đối mặt với thách thức từ nền tảng công nghệ mà nhiều doanh
nghiệp kinh doanh công nghệ số, phát triển mạng chưa thực sự quan tâm
đến vấn đề đạo đức. Nguyên nhân là do sự phát triển mạnh mẽ của khoa
học-công nghệ, các trang MXH, sản phẩm công nghệ số... lại không song
hành với ý thức đạo đức xã hội của doanh nghiệp, hay nói rộng hơn là
việc tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực công nghệ số không nghiêm.
Nhiều
người cho rằng, các hoạt động công nghệ số không cần đạo đức xã hội. Đây
là cách nghĩ sai lầm. Vụ việc 50 triệu tài khoản MXH ở Việt Nam có nguy
cơ bị lộ bí mật thông tin mới đây... cho thấy rõ lỗ hổng luật pháp.
Đã đến lúc cần phải cung cấp cho các nhà sáng chế, các công ty công
nghệ, các quản trị viên hệ thống thông tin kiến thức về luật pháp, khoa
học xã hội-nhân văn, tâm lý xã hội và đạo đức xã hội. Phải luật hóa để
quản lý và buộc các doanh nghiệp công nghệ tuân thủ chuẩn mực đạo đức xã
hội, thuần phong mỹ tục.
Không thể để "lý sự" của các nhà cung cấp dịch
vụ mạng rằng họ chỉ "xây nhà rồi cho thuê", ai làm gì phải tự chịu chứ
không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm! Đề cao đạo đức trong vấn đề công
nghệ số, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, dữ
liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) đã được cả thế giới quan tâm. Trong hội
nghị toàn cầu về vấn đề này, vừa được tổ chức đầu tháng 9-2019 tại Thụy
Sĩ, Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định cần phải có sự minh bạch và
trách nhiệm, khẩn trương thực hiện các bước đi hướng tới hoàn thiện các
tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy
phát triển công nghệ số.
Cần một lộ trình hành động cho các công ty công nghệ và các trang MXH
toàn cầu góp phần xây dựng một nền tảng kỹ thuật số, internet nhân đạo
hơn, không cho phép những kẻ khủng bố, phản động, bất mãn... lợi dụng
MXH để truyền bá những ý đồ đen tối. Bởi, MXH cũng nguy hiểm như một
loại "vũ khí", cần được kiểm soát chặt. Trả lại chức năng tốt đẹp cho
MXH là mang con người chúng ta đến gần nhau hơn chứ không phải nó bị
biến thành công cụ gây nguy hại.
Với những công ty coi nhẹ đạo đức xã hội, chưa "hành động đủ" để bảo vệ
người dùng, sẽ "buộc" họ vào trách nhiệm pháp lý. Thiết lập các quy
định để xây dựng môi trường công nghệ số lành mạnh, bảo đảm sự cân bằng
giữa bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội với ủng hộ sáng tạo và tự do./.
Nguyễn Hòa (qdnd.vn)