Chủ Nhật, 24/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 19/4/2013 16:35'(GMT+7)

Đảo Lý Sơn - Cội nguồn lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2012. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2012. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN giới thiệu về đảo Lý Sơn và đời sống tâm linh của cư dân ven biển và hải đảo trong nhiều thế kỷ qua, nhất là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lý Sơn - Bảo tàng sống động


Lý Sơn tục danh là Cù Lao Ré (theo cách lý giải của dân gian là cù lao có nhiều cây ré), nằm cách cảng Sa Kỳ khoảng 30km. Những ngày trời trong biển lặng, đứng trong đất liền có thể nhìn rõ năm ngọn núi gồm Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung trên hòn đảo gần 10km 2 này.

Đảo Lý Sơn vẫn còn lưu giữ dấu tích của người tiền sử cách đây 30 vạn năm trên các núi Giếng Tiền, Thới Lới. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hiện vật quý giá của các nhóm cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm tại Xóm Ốc, Suối Chình.

Và trên hòn đảo này, chắc hẳn người Chăm đã từng sinh sống từ lâu đời trước khi hòa huyết cùng cộng đồng người Việt. Dù là người Chăm đã dần dần tự Việt hóa hoàn toàn, hoặc một bộ phận di cư sang vùng đất khác nhưng những dấu tích của nền Văn hóa Chămpa cho đến nay vẫn còn hiện diện ở chùa Hang, miếu Con Bò…

Rồi có lẽ nhờ những thương thuyền qua lại trên Biển Đông mà cư dân trên đảo Lý Sơn còn sớm tích hợp thêm nền văn hóa Ấn, văn hóa Hoa. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Lý Sơn đã trở thành một bảo tàng sống động về sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, trong đó văn hóa Việt là cốt lõi. Hàng trăm di tích cổ xưa dày đặc trên đảo này giúp nhận diện điều đó.

Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn cũng là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, như Giếng Tiền, Thới Lới, Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu.. và cả đảo Bé.

Ngoài Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hằng năm Lý Sơn còn tổ chức lễ đua thuyền truyền thống từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng và lễ hội ở đình làng An Hải, ở các dinh Thiên Y A Na, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải, thần Bạch Mã, thần Ngũ Hành, thờ Tứ vị thánh nương, thờ Phạm Tiên Điều, thờ U Linh Xà Nữ…

Huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 xã An Hải, An Vĩnh và An Bình (Đảo Bé) với dân số hơn 22 nghìn người, sống chủ yếu dọc phía bờ Tây của đảo lớn. Hoạt động sản xuất chính là bằng nghề đánh cá, các loại hải vật khác trong lộng, ngoài khơi, và đặc biệt là trồng hành, tỏi.

Tỏi Lý Sơn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều nơi trên thế giới biết đến.

Cội nguồn nghi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Lần giở những trang lịch sử, như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… của Quốc sử quán triều Nguyễn, lẫn những trang ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, của Phan Huy Chú trong Hoàng Việt địa dư chí, v.v… , không khỏi ngạc nhiên khi thấy, cách đây 3, 4 thế kỷ trước các chúa Nguyễn đã bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết đó là tại quần đảo Hoàng Sa.

Hàng năm các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đất đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa.

Cứ tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch nhận lệnh ra đi và đến tháng 8 trở về cửa Eo (Thuận An) để nộp cho kinh thành Huế các loại hải vật quý giá và những thứ nhặt được trên vùng biển đảo này, như đồ đồng, đồ thiếc…

Theo gia phả, các bản khế ước, các sổ đinh, các văn bản định suất thuế khóa bằng chữ Hán-Nôm của các dòng họ còn trên đảo Lý Sơn và những gì đang lưu truyền trong trí nhớ của nhiều bô lão, thì 70 suất đinh định chế đi Hoàng Sa và sau này cả Trường Sa và các đảo khác, nhiều nhất vẫn là người của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

70 định suất đó được phân đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau và người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ (vì người con trưởng phải ở nhà lo tế tự).

Đội Hoàng Sa được thành lập chính thức năm nào, lịch sử không ghi rõ, chỉ biết là vào thời “đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” (của chúa Nguyễn ở Đàng Trong), tức sớm nhất có lẽ là vào cuối thế kỷ XVI, hoặc đầu thế kỷ XVII).

Nếu cứ tạm thời xác định, là đội Hoàng Sa, và sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải, mộ thêm các ngư dân ở Quảng Bình, Bình Thuận, thuộc các làng Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương), họat động liên tục suốt 3-4 thế kỷ, thì phải có hàng vạn người đã phải vượt qua không biết bao nhiêu sóng gầm, bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này.

Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca:

Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa


Câu ca não nùng trên đây là lời tóm tắt số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ thuở xa xưa ấy - những người được vua Tự Đức gọi là những “hùng binh”.

Chắc hẳn trong hàng vạn người từng ra đi, không có nhiều người được may mắn trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn còn phơi bày trong nắng nôi đã là một minh chứng đầy bi hùng trong quá khứ.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức tri ân những lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở xa xưa ấy.

Tri ân những hùng binh cắm mốc, dựng bia chủ quyền

Hàng năm vào tháng 2, tháng 3 âm lịch người Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hay khao lề tế lính Hoàng Sa. Hầu hết các tộc họ trên đất đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này.

Đây là Lễ hay Lệ nhằm khao quân, tế sống, và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó, và mặt khác, còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.

Không biết lễ thức này có tự bao giờ, nhưng chắc hẳn nó chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là nhà Nguyễn giao phó.

Khao lề chỉ là lệ khao định kỳ hằng năm (như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ), nhưng thế lính lại là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với cái chết.

Như những gì còn ghi trong sử sách và lưu truyền trên đất đảo Lý Sơn, thì người lính Hoàng Sa phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng nhưng chỉ với những chiếc thuyền câu thì số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển.

Để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi, mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống, thì đôi chiếu, những chiếc đòn tre và các dây mây kia là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu.

Nhưng chắc hẳn cũng chẳng có mấy xác người được may mắn trôi về bản quán. Những tên tuổi được ghi trong sử sách và những tài liệu Hán Nôm còn lưu trữ, như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Cai đội Phạm Quang Ảnh (Ất Hợi, 1815), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (Ất Mùi, 1835), Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (Bính Thân, 1836)…,

Bên cạnh đó là những đà công, thủy thủ được ghi chép trong văn bản cổ của dòng họ Đặng tại thôn Đồng Hộ, làng An Vĩnh vừa được phát hiện trong năm 2009, sau 175 năm dòng họ Đặng trao truyền, bảo quản, là những người đã từng được nhà Tây Sơn, vua Gia Long, vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa không phải chỉ tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, mà còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tiêu biểu là Phạm Hữu Nhật) hầu hết đều là những người đã không có cơ may trở về.

Tuy biết khó có cơ may trở về, nhưng con người vẫn phải hy vọng, dù hy vọng mỏng manh. Như để cứu vớt niềm hy vọng ấy, trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật sanh tươi, hương đăng tỏa rạng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, bằng giấy, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa.

Trong khói hương nghi ngút, lời phù chú lầm rầm trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy với áo thụng, mũ tam sơn sẽ diễn ra dềnh dàng suốt cả 2 ngày.

Có bao nhiêu người đi lính trong dòng họ sẽ có bấy nhiêu hình nhân và linh vị. Bên cạnh hình nhân và linh vị là người đi lính Hoàng Sa. Người lính ấy luôn đứng hầu thần suốt buổi tế bằng chính niềm tin là lời nguyện cầu của chính mình, của tộc họ sẽ thấu suốt đấng linh thiêng và ngón nghề ấn quyết của thầy phù thủy sẽ xua được tà ma quỷ ám trên dặm dài sóng nước.

Sau lễ thức ở nhà thờ tộc họ, người Lý Sơn sẽ đặt các hình nhân và linh vị, cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo, như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào chiếc thuyền bằng giấy, tượng trưng cho thuyền đi Hoàng Sa – Trường Sa thuở trước, đem thả ra biển. Lời nguyện cầu về sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ. Giữa bập bềnh sóng gió hình nhân là kẻ thế mạng cho người đăng lính.

Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết”, và “hùng binh” ấy (như cách gọi của vua Tự Đức) có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển khởi ròng rã 6 tháng liền mỗi năm vâng lệnh triều đình.

Vì thế có thể xem lễ tế có người đăng lính đứng hầu chính là một lễ tế sống.

Nhưng không phải chỉ có tế sống. Mỗi tộc họ trên đảo Lý Sơn lẫn trong đất liền cũng đã có hàng trăm người không may mắn trở về. Tại nhà thờ các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… và tại các Âm linh tự (hay còn gọi là Nghĩa tự), vào dịp lễ khao tế này vẫn còn thầy pháp ra tay ấn quyết và lầm rầm phù chú; vẫn còn hình nhân bằng đất sét, hoặc bằng bột gạo, bằng giấy; vẫn còn hằng trăm linh vị cắm trên nài chuối và những thứ tượng trưng mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa từng mang đi được cung thỉnh thả vào sóng nước, song chỉ còn nét nghĩa tế lính Hoàng Sa và cả Trường Sa nhằm tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.

Nếu như những dòng ghi chép về đội Hoàng Sa lẫn Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa) trong các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí,… hoặc trong các bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông, Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú…, các tài liệu Hán-Nôm còn được bảo quản tại các dòng họ, là những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông cách đây 3, 4 thế kỷ trước, thì những dấu tích liên quan đến đội Hoàng Sa ở khắp nơi dọc ven biển miền Trung, đặc biệt là trên đảo Lý Sơn và vùng cửa biển Sa Kỳ, cùng lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hoặc tế lính Hoàng Sa hằng năm trên đất đảo Lý Sơn và một vài nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi, cũng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ấy.

Chính vì những lẽ ấy, Lý Sơn được khẳng định là bảo tàng sống động về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam./.

Theo Nguyễn Đăng Lâm-Nguyễn Đăng Vũ (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất