Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 1/4/2013 21:59'(GMT+7)

Kiên Giang: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, hải đảo

Cầu cảng xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vừa được khai thác đưa vào sử dụng.

Cầu cảng xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vừa được khai thác đưa vào sử dụng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2008-2012 đạt 12,4%năm; trong đó công nghiệp chế biến tăng 12%, khai thác hải sản tăng 10%, dịch vụ cảng biển và vận tải biển tăng 15%. Năm 2012, giá trị tăng thêm các ngành kinh tế biển đạt 51.784 tỷ đồng, chiếm 70% GDP của tỉnh…

Kiên Giang là một trong 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có biển, vùng ven biển, biển đảo gồm có 68 xã của 09 huyện, thị, thành phố, chiếm 30,4% diện tích tự nhiên của tỉnh (trừ Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và Giang Thành). Bờ biển dài gần 200km, ngư trường rộng 63.290km2 và hơn 140 đảo lớn nhỏ, có tiềm năng đa dạng, phong phú về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công ghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản, có thế mạnh về phát triển du lịch và một số ngành dịch vụ khác, là địa hình chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ phía Tây Nam của Tổ quốc.


Khi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) ra đời, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các các cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tổ chức học tập và triển khai thực hiện nghị quyết được các cấp ủy đảng quan tâm, tập trung chỉ đạo. Tỷ lệ đảng viên tham gia học tập đạt 93,8% trong toàn đảng bộ. Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức học tập cho 577.697 lượt đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Riêng 68 xã, phường, thị trấn ven biển, hải đảo đã tổ chức triển khai ra dân và có 393.794 người dân tham dự, đạt 53,96% dân số của toàn vùng. Việc tổ chức quán triệt nghị quyết gắn với chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của các cấp ủy đảng nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các cấp đảng đã nâng cao trách nhiệm, chủ động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo được sự chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên các hoạt động kinh tế biển có bước phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế biển tăng khá cao.
Kinh tế biển phát triển có tác động tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (hiện còn 5,73%); quốc phòng an ninh được giữ vững, bảo vệ tốt an ninh chủ quyền biên giới, biển đảo và các địa bàn trọng điểm, không để xảy ra đột biến bất ngờ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Toàn tỉnh hiện có 12.425 phương tiện (tăng 1,7 lần so năm 2007) trong đó tàu đánh bắt xa bờ 3.500 chiếc công suất bình quân 340,19 CV/chiếc. Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, hình thức nuôi đa dạng như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển, rừng ngập mặn với diện tích thả nuôi 163.761 ha (tôm quảng canh 84.702 ha, nuôi công nghiệp 1.361 ha), sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2012 đạt 584.182tấn, tăng 1,33 lần và sản lượng tôm nuôi 40.292 tấn, tăng 1,43 lần, kim ngạch xuất thủy sản 157 triệu USD và tăng 2,33 lần so với năm 2007. Phát triển kinh tế biển gắn với đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ biển đảo và ven biển. Năm 2012, thu hút trên 3,8 triệu lượt khách du lịch tuyến đường biển và đường bộ sang các nước Campuchia và Thái Lan, tăng gấp 6,32 lần so với năm 2007.

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được tăng cường, đã đưa vào sử dụng 05 cảng cá như: Cảng Thổ Châu, Nam Du, An Thới, Tắc Cậu, Dương Đông và cảng biển Bãi Vòng-Phú Quốc. Đẩy nhanh tiến độ thi công cảng cá Xẻo Nhàu, Tô Châu, Ba Hòn, bến cá Lình Huỳnh, khu trú bão Cầu Sấu, luồng vào cửa Dương Đông. Thực hiện nâng cấp nhiều công trình giao thông, lấn biển mở rộng khu đô thị Rạch Giá và Hà Tiên. Xây dựng trạm cấp nước Hà Tiên, Ba Hòn, Chùa Hang có công suất từ 200-500 m3/ngày, Tắc Cậu (Châu Thành) 1.000 m3/ngày; hồ chứa và kinh dẫn nước tại Hà Tiên và Phú Quốc. Hệ thống cấp điện, cấp nước các xã ven biển có công suất từ 100-150 m3/ngày, các tuyến đường ven biển và các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, hệ thống trường, trạm cho các xã ven biển và hải đảo.


Cùng với đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh luôn quan tâm giữ vững và tăng cường quốc phòng-an ninh. Các lực lượng vũ trang đã phối hợp tăng cường kiểm soát, theo dõi nắm chắc tình hình; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, chủ động đối phó với tình huống xấu không để xảy ra bất ngờ. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực trong việc tuần tra bảo vệ vùng biển, bảo vệ ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển. Hợp tác với các nước quanh Vịnh Thái Lan trong việc khai thác, quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản, nhất là nguồn lợi ở các vùng biển khơi và nuôi trồng hải sản trên biển. Hợp tác với các tỉnh giữa Campuchia giáp biên giới Kiên Giang, các nước quanh Vịnh Thái Lan để phát triển thương mại, tài chính, ngân hàng, vận tải biển, bưu chính, viễn thông, văn hóa, giáo dục…


Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như: Xây dựng quy hoạch phát triển các vùng biển, ven biển, hải đảo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm quy hoạch xây dựng các địa bàn, trung tâm kinh tế biển, làm cầu nối gắn liền với các trung tâm kinh tế của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, hải đảo, nhất là đầu tư xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao theo Quyết định 178-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế biển, nhất là các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, cảng biển, khu trú bão, điện, nước sạch, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, khu du lịch, dịch vụ. Phát triển thủy sản đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng và chế biến. Tiếp tục thực hiện chương trình khai thác hải sản xa bờ, phát triển vận tải (đường hàng không, đường biển, đường bộ), đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát phục vụ công tác quy hoạch và  khai thác có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, kết hợp với bảo vệ môi trường.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 27-02-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020. Xây dựng chương trình đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, coi đây là một điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế biển bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội đạt tốc độ tăng trưởng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh về biển đảo. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, từng vùng, từng khu vực phải mang tính lưỡng dụng theo hướng: Thời bình bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh; đồng thời phải đáp ứng nhu cầu quốc phòng-an ninh trong thời chiến.


Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị với Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển Phú Quốc đến năm 2020. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và có chỉ đạo tiến hành đàm phán về việc xác định rõ đường biên giới trên biển với các nước Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Philiphin có quy ước chung để khai thác Vịnh Thái Lan. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ vốn cho Kiên Giang xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khai thác tiềm năng thế mạnh vùng biển, ven biển; phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.


Quốc Tuấn

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất