Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 8/1/2013 21:43'(GMT+7)

Đào “ngủ đông" vì mưa rét, các nhà vườn lo ủ ấm

Với những nhà vườn cả đời “sống” với nghề trồng đào, những ngày này cái rét khiến họ thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Hàng trăm nhà vườn không chịu đợi nắng, người người đã hì hụi “xây nhà” trùm nilon, thắp bóng điện để sưởi ấm với hy vọng đào sẽ “cười” cùng nhà nhà đón Tết.

Thấp thỏm vì giá rét

Tần ngần bên ruộng đào còn run rẩy trong gió, bà Lê Thị Lan, chủ của gần 200 gốc đào ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ rầu rĩ, nói: “Rét đậm đã khiến đào không ra được nụ, cả khu vườn mới chỉ lác đác vài cây nhú nụ hạt gạo. Dù rằng còn một tháng nữa mới Tết, nhưng không có nắng thì cũng sẽ không có đào bán Tết.” 

Theo bà Lan, năm ngoái, khoảng độ này trời nồm, đào đã ra nhiều nụ lắm. Còn năm nay, cả cánh đồng đào im ắng như còn xa vời với Tết. Và, dù các chủ vườn đã chủ động tuốt lá sớm, rục rịch sưởi ấm cho đào nở, song những nụ đào yếu ớt vẫn khổng thể “cười,” hay giúp người dân yên lòng đợi nắng.

“Cả năm cặm cụi chăm đào chỉ biết trông vào mấy ngày Tết. Thế nên, cứ nghe dự báo trời lạnh, chúng tôi lại như ngồi trên đống lửa,” bà Lan bộc bạch.

Cũng theo bà Lan, thì đào chỉ nở hoa khi trời ấm, nhiệt độ không dưới 15oC. Còn trời lạnh như mấy ngày nay, đào rất khó nở hoa, hoặc có thể ép nở nhưng cũng không được đẹp.

“Trời thương, trời thuận thì thắng lớn, ăn cả năm. Còn trời hành, tiết trời khắc nghiệt thì coi như lỗ nặng. Dân trồng đào chúng tôi đã nếm trải đủ vị mặn chát, ngọt bùi như thế,” bà Nguyễn Thị Hà (ở Cụm 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng bởi vậy nên dù là người có 20 năm thâm niên trồng đào, song những ngày này, vườn đào rộng hơn một ngàn mét vuông của bà Hà cũng rất im ắng, đìu hiu. Và, dù cặm cụi từ sáng tối tại vườn để chăm sóc, bà vẫn không thể đánh thức “giấc ngủ” của hơn 700 gốc đào đang run rẩy trong gió lạnh.

Theo bà Hà, nghề trồng đào phụ thuộc 70% vào thời tiết, 30% còn lại là do công chăm bón và tỉa lá vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết xuống dưới 10oC lại kéo dài đã khiến đào khó nở, hoặc sẽ phải nở muộn.

Một nguyên nhân khác gây ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, nở nụ của đào là do năm nay mưa nhiều đã khiến khá nhiều gốc đào bị thối rễ, sâu bệnh, dẫn đến chết mòn.

Dẫn chúng tôi đi thăm những cây đào khô khốc vì thối rễ, bà Hà cho hay: “Năm nay trời không thương, đổ mưa nhiều nên cả ruộng đào gần ngàn gốc, cành thì có tới 50 cành đã bị thối rễ. May là số còn lại phát triển bình thường, nhưng cứ lạnh thế này, đào cũng không thể ra hoa, nở nụ sớm được.”

Lo sưởi ấm cho cây đào

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, những ngày rét đậm này, nhiều nhà vườn trồng đào ở phường Nhật Tân, Tứ Liên đã rục rịch “xây nhà” trùm nilon trắng xóa và căng bóng đèn để sưởi ấm, “kích” đào. 

Là một nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng đào, ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải áp dụng phương pháp này, chứ để tự nhiên thì may lắm ra giêng đào mới nở. Lúc đó thì chẳng còn giá trị nữa.”

Cũng theo ông Vinh, đào được “kích” bằng cách sưởi ấm thường nở không đẹp, hoa nhanh tàn. Tuy nhiên, với quan niệm “thà ra hoa còn hơn ngậm nụ,” nhiều nhà vườn đành phải tính đến phương án… sưởi ấm cho đào.

Bởi vậy, theo nhận định của ông Vinh, thì Tết năm nay, giá đào có khả năng sẽ tăng từ 20-30% so với năm ngoái. Ngay cả đào thế gốc rừng có giá trên dưới chục triệu đồng, thậm chí có gốc lên tới hàng chục triệu cũng đã được nhiều các cơ quan, đại gia tới đặt mua, thuê từ mấy tháng trước.

“Những cây được sưởi ấm đa phần là những cây đào rừng xù xì, được thu mua từ các vùng núi phía Bắc như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Văn Chấn (Yên Bái) với giá 800.000 - 1.200.000 đồng/gốc. Sau vài năm ghép cành và chăm sóc mới có khả năng nở hoa. Loại đào này chỉ dành phục vụ ‘đại gia’ chơi đào thôi,” ông Vinh giải thích.

Được xem là gia đình trồng “đào đại gia,” và là người có gần 30 năm thâm niên trồng đào, nhưng với cái rét giá lạnh như năm nay, ông Nguyễn Văn Toàn, ở phường Nhật Tân  cũng không giấu khỏi sự lo lắng trước hàng trăm gốc đào rừng đang đua nhau ngậm nụ.

Có lẽ vì vậy nên mặc cho gió lạnh, ông Toàn cùng mấy người nhân công vẫn hì hụi “xây nhà,” căng dây điện đồng thời đun nước sôi để dùng hơi nóng ủ ấm cho đào suốt 24/24 giờ.

Giải thích về việc “kích” đào, ông Toàn chia sẻ: “Việc sưởi ấm cho đào như đun nước sôi vừa tăng nhiệt độ, vừa tạo độ ẩm cho không khí, kết hợp với tác dụng nhiệt của việc căng nilon và thắp điện, sẽ khiến đào nhanh ló lá nụ.”
 
Cũng theo ông Toàn, thì cứ sau khoảng một tuần sưởi ấm bằng phương pháp trên, nếu thấy đào trổ nụ trắng, người dân có thể yên tâm chuyển ra ngoài để hít thở khí trời, đợi bán dịp Tết.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Hợp tác xã phường Nhật Tân, thì cả phường hiện có khoảng 35 ha trồng đào, với khoảng 800 hộ trồng đào nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện sưởi ấm cho đào như ông Toàn.

Thông thường, muốn làm “nhà” cho cây, cần phải đánh cây vào chậu và quây lại, rất tốn kinh phí. Bởi vậy, đa số nhà vườn chỉ bán đào cành và áp dụng giải pháp tưới nước ấm cho gốc và phun nước lên cây. Cũng có nhà đành ngậm ngùi “bó tay” đợi nắng.

Thế nhưng, trước dự báo nhiệt độ tiếp tục giảm xuống, cùng với mưa phùn và gió lạnh, những người trồng đào lại thấp thỏm, lo âu. Dù rằng, nhiều nhà vườn đã áp dụng phương pháp “kích” đào, song nhiều nhà vườn vẫn ngóng chừng sẽ chẳng có đào đẹp bán vào dịp Tết./.

Hùng Võ - Quỳnh Trang (Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất