Thứ Năm, 10/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/3/2022 13:5'(GMT+7)

Đào tạo lao động chất lượng cao để phát triển nguồn nhân lực Thủ đô

Hà Nội xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động. (Ảnh: VGP)

Hà Nội xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động. (Ảnh: VGP)

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO, ĐẦU TƯ NGHỀ TRỌNG ĐIỂM

Để cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này, những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội được đẩy mạnh, xác định đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố có bước phát triển mạnh với đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động.

Hà Nội trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 380 đơn vị (67 trường cao đẳng; 83 trường trung cấp; 75 loại hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 141 doanh nghiệp và loại hình khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Trong đó có 4 trường Cao đẳng đang triển khai xây dựng trường chất lượng cao, hướng tới trường đạt chuẩn khu vực, quốc tế theo quy định của Chính phủ; 16 trường trung cấp, cao đẳng được lựa chọn 29 nghề trọng điểm (gồm 14 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia).

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo đạt trên 1 triệu lượt người. Bình quân mỗi năm có khoảng trên 200.000 lượt người được qua đào tạo nghề. Số lao động qua đào tạo nghề tăng dần và chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp.

ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGHỀ GẮN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP

Để phát triển trường chất lượng cao, đầu tư nghề trọng điểm, Hà Nội thực hiện chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Thành phố đặt ra mục tiêu đầu tư phát triển 4 trường cao đẳng là trường chất lượng cao với một số nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế.

Hà Nội hiện có 16/21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc Thành phố được lựa chọn đầu tư 29 nghề trọng điểm (trong đó có 14 nghề cấp độ quốc tế; 11 nghề cấp độ ASEAN, 14 nghề cấp độ quốc gia) theo Bộ LĐTB&XH, "Về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025".

Theo Sở LĐTB&XH, những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp. Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được thành phố quan tâm chú trọng, coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, đạo tạo nghề gắn với doanh nghiệp.

Trong hơn 3 năm qua, có hơn 2.300 lượt doanh nghiệp hợp tác với các sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố trong công tác xây dựng chỉnh sửa bổ sung chương trình đào tạo, tuyển sinh, đào tạo, thực tập, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... mang lại sự đột phá mới trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ nhân lực lao động trực tiếp có chuyên môn kỹ năng nghề cao của Thủ đô hiện nay còn nhiều hạn chế: Cơ cấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm khoảng 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 25%); Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn kết với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, chưa bền vững, chỉ mang tính hỗ trợ từ một phía của doanh nghiệp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu về tham quan, kiến tập, thực tập của sinh viên, chưa có sự gắn kết bền chặt trách nhiệm trong khâu đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng xã hội như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp.

Với quyết tâm đổi mới, Sở LĐTB&XH cho biết sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 thực hiện đào tạo cho 1.150.000 lượt người, bình quân mỗi năm đạt khoảng 230.000 lượt người; tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 75% - 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55% - 60%.

Hà Nội cũng vừa đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 là tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500 lượt người); phấn đấu lao động qua đào đạt từ 72,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2% trở lên.

Cụ thể là xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

Ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành/nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội hiện nay, như du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, số hóa công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics,... Khuyến khích thành lập các trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online; tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động…

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm. Đổi mới trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động…

Thành phố nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp./.

Gia Huy (VGP)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất