Sau thời gian dài học trực tuyến, được trở lại trường là khát khao của học sinh nhưng việc học nửa buổi lại là bài toán khó với các phụ huynh có con nhỏ.
Hà Nội đã bắt đầu cho học sinh đến trường trở lại nhưng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, các trường sẽ chỉ dạy trực tiếp một buổi/ngày và không tổ chức ăn bán trú. Điều này khiến phụ huynh không khỏi lo lắng khi sẽ phải về trường đón con khi hết giờ học và ở nhà trông con một buổi còn lại.
Cân não tính toán
Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của Hà Nội đã bắt đầu đi học trực tiếp từ ngày 8/2. Ngày mai, 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã cũng sẽ trở lại trường. Với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành dự kiến sẽ đến lớp từ ngày 21/2.
Theo cô giáo Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), trường có bếp ăn bán trú nhưng thực hiện theo đúng quy định của thành phố, việc dạy và học chỉ tổ chức một buổi, không tổ chức ăn trưa tại trường cho học sinh.
Không chỉ với bậc trung học cơ sở, đây cũng là quy định chung cho tất cả các cấp, từ tiểu học đến trung học, khi Hà Nội quyết định cho học sinh trở lại trường học sau hơn 9 tháng phải tạm dừng vì dịch COVID-19. Điều này là một trong những giải pháp của Thủ đô nhằm phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, với các phụ huynh, đây lại là một bài toán khó. Có con nhỏ đang học lớp 4, anh Vũ Trường Sơn (quận Hoàng Mai) cho hay vợ anh đi làm tận Hưng Yên theo xe công ty đưa đón nên không thể về đón con trong khi anh làm việc ở quận Nam Từ Liêm, cách trường con hơn chục cây số.
“Các con học một buổi sáng thường chỉ đến 10 giờ 30 phút. Để về đón con tôi phải rời cơ quan từ lúc 10 giờ, không thể đảm bảo được yêu cầu công việc. Nếu hết giờ làm mới về thì con phải ở lại trường đợi tôi đến 11 giờ 30 phút nhưng tôi cũng không yên tâm,” anh Sơn băn khoăn.
Không biết bố trí đón con như thế nào cũng là chia sẻ của chị Lê Thu Phương (quận Hà Đông). Hai vợ chồng chị đều làm ở quận Hoàn Kiếm trong khi trường con ở quận Hà Đông, cách 15 km. “Vì nhà quá xa và có thời gian nghỉ trưa ít ỏi, chỉ từ 11 giờ 30 đến 13 giờ, nên tôi thường mang cơm đi làm, nghỉ trưa tại cơ quan. Nhưng nếu con học một buổi, sau giờ làm buổi sáng tôi sẽ phải về trường đón con, đưa con về nhà và vội vã trở lại cơ quan để kịp giờ làm, không đủ thời gian ăn uống chứ chưa nói đến nghỉ ngơi. Con tôi cũng phải ở lại trường chờ mẹ khoảng hai tiếng sau khi tan học,” chị Phương nhẩm tính.
Với các phụ huynh có con nhỏ học lớp 1, 2 thì bài toán này còn phức tạp hơn nữa khi các con không thể tự ở nhà một mình trong buổi không đến trường.
Cần tạo điều kiện cho phụ huynh
Tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần 2022 ngày 8/2, chia sẻ về vấn đề học sinh đi học trở lại nhưng không tổ chức ăn bán trú của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng khi tổ chức cho học sinh đi học trở lại cần đặt ở cương vị phụ huynh, nhất là các gia đình có con nhỏ bậc tiểu học, mầm non. Việc học sinh chỉ học nửa ngày, bố mẹ phải đưa đón sẽ ảnh hưởng tới giờ làm.
Nêu dẫn chứng từ Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian đầu không tổ chức ăn bán trú để phòng dịch nhưng hiện đã tổ chức các hoạt động này bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên, phụ huynh, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay hôm nay, 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Cũng trong ngày 8/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi giám đốc các sở giáo dục và đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giám đốc các sở giáo dục và đào tạo tham mưu chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Đây cũng là mong mỏi của nhiều phụ huynh Thủ đô. Các phụ huynh cho hay họ chia sẻ với những lo lắng của Uỷ ban Nhân dân thành phố trong việc phòng chống dịch và cho học sinh đi học trở lại là một nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Thủ đô.
"Sau hơn 9 tháng phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh trong khi Hà Nội đang là địa phương có số ca nhiễm cao nhất cả nước nên việc lãnh đạo thành phố cẩn trọng, mở cửa từng bước là hợp lý. Tôi hy vọng sau thời gian đầu, Hà Nội sẽ có đánh giá và cho học sinh ăn bán trú,” anh Phạm Quang Huy (một phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm) nói./.
Theo Vietnam+