(TCTG) - Để đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đạt hiệu quả thì công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyên truyền phải là lực lượng tiên phong, xung kích nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn.
Nhận định trên được đa số các đại biểu tham dự hội nghị về truyên truyền công tác dạy nghề cho lao động nông thôn do Tổng Cục day nghề tổ chức tại Hải Phòng mới đây đồng ý. Theo các chuyên gia, để lao động nông thôn đến với việc học nghề, công tác truyên truyền phải đến với người nông dân, nhằm giúp họ hiểu được lợi ích của việc học nghề; từ đó mới đi đến sự lựa chọn học nghề gì cho phù hợp.
Lấy ví dụ điển hình cho cách làm năng động, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) đưa ra mô hình “Triển khai công tác tuyên truyền gắn với tư vấn học nghề” ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định: Trước khi bà con nông dân trong xã đăng ký nhu cầu học nghề, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân chủ trì, phối hợp với ban Văn hóa xã biên tập những nội dung cơ bản như mục đích, yêu cầu, tư vấn cách chọn nghề phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình và địa phương. Xã đã tiến hành phát thanh liên tục 3 ngày, mỗi ngày 3 lần vào các buổi sáng, trưa, chiều tối trên hệ thống truyền thanh của xã để bà con nông dân có thông tin đầy đủ và khách quan trong việc tự lọn chọn nghề học. Xã đã chỉ đạo cán bộ điều tra, khảo sát tư vấn trực tiếp cho bà con nông dân trước khi đăng ký nhu cầu học nghề.
Do được giải thích, hướng dẫn, tư vấn trước khi đăng ký học nghề, việc làm nên trong số 1287 lao động chưa có việc làm ở xã đã có 1159 người chiếm 90% đăng ký học nghề trong đó: Học nghề tiểu thủ công nghiệp là 463 người chiếm 40%; học nghề công nghiệp (may, hàn, nguội) và dịch vụ là 206 người chiếm 18%; học nghề nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt) là 490 người chiếm 42%.
“Chính từ thành công của Giao Tiến trong công tác tuyên truyền gắn với tư vấn học nghề mà nhiều xã ở các tỉnh triển khai dự án đã đến học tập kinh nghiệm theo cách làm của này”, ông Sâm cho biết.
Các cơ quan báo chí đã có nhiều tin, bài giới thiệu về các chính sách và công tác triển khai đề án. Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dạy nghề, TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan xây dựng các chương trình, chuyên mục, bản tin chuyên đề về đào tạo nghề, tư vấn nghề nghiệp, việc làm và dành thời lượng đáng kể hàng ngày để đưa tin về triển khai thực hiện đề án. Kênh VOV1 có chuyên mục “Giúp nhà nông làm giàu” phát sóng hàng ngày; chương trình “tư vấn nghề nghiệp, việc làm phát sóng thứ 2, thứ 5 hàng năm; tổ chức ngày hội việc làm trên sóng phát thanh dành cho thanh niên nông thôn.
|
Để trở thành công nhân, những lao động nông thôn không chỉ cần được học nghề mà còn cần được định hướng nghê phù hợp. Ảnh: QT |
Đánh giá về vai trò của truyền thông trong công tác tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho biết: “Công tác tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế xã hội ở nông thông và xây dựng nông thôn mới”.
“Để làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong của mình, trong thời gian tới các cơ quan liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí, các địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bước đầu giữ vững mục tiêu, yêu cầu cụ thể hóa sâu sắc hơn về nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu hoạt động của đề án”, ông Dũng cho hay.
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin truyền thông) cho biết: Ngày 11/1/2011, Bộ thông tin truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thông năm 2011”. Chính vì vậy, mỗi cơ quan báo chí tùy theo đối tượng bạn đọc, khán, thính giả mà có phương thức tuyên truyền cho phù hợp.
Các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên báo in, các đài phát thanh và truyền hình địa phương, coi đây là kênh tuyên truyền đề án 1956 của Chính phủ ở các tỉnh, thành phố. “Nội dung của các chuyên mục, chuyên trang tập trung vào tư vấn, giới thiệu học nghề và việc làm, cung cấp thông tin về hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thông tin về thị trường lao động trong và ngoài địa phương, tổ chức các diễn đàn trao đổi về học nghề, việc làm và tự tạo việc làm, các điển hình tốt trong triển khai thực hiện”, ông Hải cho biết.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề đưa ra những giải pháp như: Tổ chức chiến dịch truyền thông học nghề, việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp với các Đài truyền hình, phát thanh của trung ương, địa phương xây dựng chuyên mục “Thế giới nghề nghiệp”, “Khám phá học nghề lập nghiệp”…; Phối hợp với các báo, tạp chí xây dựng chuyên mục “Nghề nghiệp của bạn”, “Tuổi trẻ nông thôn học nghề và việc làm”…; Xây dựng chuyên san “Dạy nghề cho lao động nông thôn”; Xây dựng cổng thông tin trực tuyến về nghề nghiệp và việc làm…/.
Ngày 27/11/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Theo đó, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. |
Tuấn Nghĩa