Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020."
Mục tiêu của đề án là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu phát triển, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong lĩnh vực kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Tổng kinh phí dự kiến cho đề án khoảng 3.000 tỷ đồng.
Các mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2015 quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trong thời gian đầu sẽ tập trung cho năm trường đại học là Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Đồng thời, đề án cũng đổi mới, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy, đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo hướng tiên tiến, hiện đại, hoàn thiện cơ chế chính sách... Đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào các ngành thuộc lĩnh vực này tại các trường đại học trong toàn quốc đạt tối thiểu 250 sinh viên mỗi năm.
Cũng theo đề án, đến năm 2020, phải đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.
Đề án cũng chỉ rõ, năm 2020 về nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, dự kiến đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân; 350 thạc sỹ và tiến sỹ các chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó 200 kỹ sư, 150 thạc sỹ và tiến sỹ đào tạo tại nước ngoài.
Với nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, mỗi năm đào tạo 65 kỹ sư, cử nhân; 35 thạc sỹ, tiến sỹ. Đến năm 2020, đào tạo được 650 kỹ sư, 250 thạc sỹ và tiến sỹ các chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đồng thời, đào tạo mới 100 thạc sỹ và tiến sỹ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Cử 500 lượt các nhà quản lý, khoa học đi khảo sát, học tập kinh nghiệm và tham gia các khóa bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn tại các nước phát triển về năng lượng nguyên tử.
Để thực hiện đề án trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được thành lập do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng Ban thường trực; đại điện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ là thành viên./.
TTXVN