Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 16/8/2010 17:15'(GMT+7)

Hỏi – Đáp về Đạo đức môi trường

1. Đạo đức môi trường là gì?

Đạo đức môi trường là quan niệm và cách thức ứng xử của con người và xã hội loài người đối với giới tự nhiên, bảo đảm sự cùng tồn tại và phát triển của tự nhiên và xã hội.

2. Các nguyên tắc cơ bản để xây dựng đạo đức môi trường là gì?

Nguyên tắc cơ bản của đạo đức môi trường là xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa con người và thế giới tự nhiên.

Sự khai thác tự nhiên tự nhiên của con người để tồn tại và phát triển phải tuân theo nguyên tắc hoạt động của chu trình sinh học hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin giữa xã hội và tự nhiên. Bởi vì, cơ chế hoạt động của chu trình sinh học là cơ sở để đảm bảo sự thống nhất, tính toàn vẹn của toàn bộ sinh quyển.

Với tư cách là một thực thể duy nhất hoạt động có ý thức, con người phải tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nhằm mục đích tạo ra sự hài hòa thật sự với tự nhiên. Trong hoạt động thực tiễn khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, con người phải biết bù đắp lại, cũng như không được làm tổn hại đến sự tồn tại và phát triển của các khách thể tự nhiên.

Trong điều kiện phát triển mới của xã hội, một nền sản xuất, dù là ở quy mô nào cũng không thể đứng vững được một khi đã lạm dụng vào vốn. Do vậy, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống không chỉ là vấn đề đạo đức môi trường mà còn là bảo vệ nguồn vốn quý báu cho sản xuất – một vấn đề kinh tế quan trọng vào bậc nhất trong sự phát triển của thế giới hiện đại.

3. Một số khác biệt giữa nhận thức cũ và mới về môi trường là gì?

Con người xây dựng và phát triển cuộc sống của mình dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng càng phát triển càng làm suy thoái, cạn kiệt các tài nguyên này. Đây chính là đạo đức mang tính “xâm chiếm” đã đem lại văn minh và tiến bộ của con người trong những thế kỷ trước đây, hiện đang dẫn nhân loại đến chỗ bế tắc và đòi hỏi phải được thay thế bằng một đạo đức khác, đó là đạo đức vì sự phát triển bền vững.

Gần đây, đã xuất hiện giả thuyết Gaia với nhận định rằng tất cả vật sống và vật không sống trên Trái đất đều là bộ phận của hệ thống lớn toàn vẹn “tự nhiên – con người – xã hội”. Với cách hiểu như vậy, thì loài người cũng chỉ là một tế bào, hoặc một mô trong một vật sống khổng lồ. Trong cơ thể khổng lồ này, con người là hệ thần kinh do nó nhận thức được, chuyển giao được các thông tin và các hiểu biết về Trái đất. Tuy nhiên, hệ thần kinh cũng chỉ là một bộ phận cơ thể, không có bậc quan trọng khác và lại càng không thể đứng ra ngoài cơ thể. Giả thuyết Gaia là nền tảng của đạo đức vì sự phát triển bền vững.

Nhận thức cũ

(Thuyết chế ngự thiên nhiên)

Nhận thức mới

(Thuyết Gaia)

Trái đất có nguồn tài nguyên vô hạn

Tài nguyên trên Trái đất là hữu hạn

Lúc tài nguyên hết hãy đến nơi khác tìm

Tái chế và ưu tiên sử dụng tài nguyên tái tạo được

Cuộc sống của con người được cải thiện dựa vào của cải vật chất

Vật chất chỉ là một khía cạnh của chất lượng cuộc sống của con người

Chi phí cho dự án thể hiện bởi chi phí trong

Chi phí trong nhiều khi không quan trọng và không tốn kém bằng chi phí ngoài

Con người phải chinh phục thiên nhiên

Con người phải hợp tác với thiên nhiên

Công nghệ mới sẽ giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay

Vấn đề môi trường hiện nay chỉ có thể giải quyết với sự tham gia của đạo đức

Đã có con người tất yếu phải có phế thải

Trong hệ sinh thái, phế thải chỉ tồn tại tạm thời. Về lâu dài, trong thiên nhiên không có phế thải.

4. Nhận thức xanh nhạt (light green) là gì?

Nhận thức xanh nhạt là: lấy con người là trung tâm, xem con người là quyền uy tối thượng, là “chúa tể” đối với thế giới ngoài con người, xem thế giới tự nhiên là những thứ vô tri, vô giác, cho nên xét về phương diện đạo đức, sự tác động của con người lên thế giới đó như thế nào, điều đó hoàn toàn không có gì xấu xa, tội lỗi. Bằng chứng hùng hồn cho vấn đề này là hàng năm trên thế giới có khoảng 13-15 triệu ha rừng nhiệt đới bị chặt phá, khoảng 8,5 triệu ha đất bị xói mòn, hơn 10% diện tích đất canh tác bị sa mạc hóa, nhiều động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng đang là nạn nhân của những vụ buôn bán bất hợp pháp để ăn thịt, lấy mật, lấy xương và làm đồ trang sức,… Sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng và với tốc độ chóng mặt. E.O.Wilson (1995) ước đoán, cứ mỗi ngày trôi qua có khoảng trên 100 loài bị tiêu diệt và như vậy, hàng năm số loài bị tuyệt diệt đã lên tới 50.000 loài. Rõ ràng, với quan điểm này, con người chỉ nhìn thấy giá trị thực dụng của thế giới tự nhiên, khai thác triệt để nó bất chấp mọi quy luật tồn tại và phát triển của chúng ngày nay. Và đó chính là nguyên nhân của những hậu họa sinh thái nguy hiểm.

5. Nhận thức xanh đậm (dark green) là gì?

Nhận thức xanh đậm do Paul W.Taylor dày công xây dựng và còn được gọi là “đạo đức tôn trọng thiên nhiên”, lấy thiên nhiên làm trung tâm, rằng chúng ta phải tôn trọng nhiên nhiên, tôn trọng Trái Đất vì Trái Đất và những sinh vật của nó cũng có quyền tồn tại như chúng ta, hay con người và thiên nhiên phải được nhìn nhận như một hệ thống nhất – hệ thống của sự sống tổng thể.

Điển hình cho xu thế này là con người phải sống thân thiện và hòa nhập với tự nhiên, rà soát lại những chuẩn mực đạo đức, cách cư xử đối với những loài động vật và thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, phổ biến rộng và tôn trọng tính đa dạng sinh học của Trái Đất.

Ở phương Đông, triết lý sống hài hòa với thiên nhiên là một giá trị vĩnh hằng, là lối sống nhân văn của người Việt Nam. Tuy nhiên, chữ “hài hòa” hiện nay trong cơ chế thị trường, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ phải được hiểu là: một mặt cần phải khai thác thiên nhiên một cách mạnh mẽ, kịp thời và sử dụng hợp lý cac nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường để phát triển kinh tế; mặt khác, cần phải biết “bù đắp” trở lại cho thiên nhiên và phải biết dừng lại khi đến giới hạn cho phép, hay đến ngưỡng chịu tải của từng loại tài nguyên và các điều kiện của môi trường.

6. Xây dựng phong cách mới trong tiêu dùng và lối sống thân thiện với môi trường ở Việt Nam là gì?

Trong thời gian gần đây, lối sống của người dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi với các đặc điểm:

- Sao chép lối sống tiêu thụ của các nước phát triển, trong đó có nhiều điều không có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.

- Khai thác cạn kiệt tài nguyên quý hiếm, nhằm đáp ứng nhu cầu xa xỉ của một số người diễn ra phổ biến.

- Hóa chất thực phẩm, các chất kích thích, hoocmôn tăng trọng được sử dụng ngày càng nhiều.

- Số lượng bia rượu, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng tăng với tốc độ không tương xứng với mức sống còn thấp của dân cư. Trung bình mỗi năm Việt Nam đốt 18.000 tỷ VNĐ thuốc lá, bằng 2 lần tổng kim ngạch xuất khẩu nong sản của cả nước; tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc phiện và ma túy không giảm.

Lối sống là một trong ba yếu tố (dân số, công nghệ, lối sống) tác động trực tiếp tới sự phát triển của một xã hội. Lối sống không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa con người với nhau mà cả giữa con người với tự nhiên.

Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, một hình thức biểu hiện của lối sống là cách thức tiêu dùng. Như vậy, các thành viên trong xã hội đều phải xây dựng lối sống tiết kiệm và không có phế thải, cần tránh lối sống tiêu xài vật chất quá mức và phải tuân thủ các phương thức bảo vệ thiên nhiên bằng những mẫu hình tiêu thụ hợp lý về mặt môi trường. Mỗi cá nhân đều có phương thức tiêu dùng hợp lý của riêng mình và khi được tập hợp lại sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về phương diện bảo vệ thiên nhiên.

Một ví dụ điển hình cho lối sống không thân thiện với môi trường diễn ra phổ biến hiện nay là việc sử dụng và thải bỏ bừa bãi các loại túi đựng nilon. Tính trung bình, một gia đình Việt Nam sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi nilon/ngày thì trên phạm vi cả nước mỗi ngày thải ra khoảng 25 triệu túi. Chỉ tính riêng Hà Nội, với sức ép của 3 triệu dân, hàng ngày thải ra trên 1.000 tấn rác, trong đó có 13 tấn là nhựa và túi nilon. Nilon là hợp chất rất khó phân hủy, tồn lưu lâu dài trong môi trường đất, nước; tùy theo từng loại chất dẻo, thời gian phân hủy 1 chiếc túi nilon có thể dao động từ 20 - 5.000 năm. Khi rơi vào nước sẽ gây ô nhiễm nước và làm mất cảnh quan; rơi vào đất sẽ ngăn cản hoạt động của sinh vật đất, giảm độ phì nhiêu đất; khi thiêu đốt sẽ sản sinh ra dioxin rất nguy hại đối với sức khỏe con người và sinh vật. Nếu mỗi ngày chúng ta thay đổi phong cách tiêu dùng bằng việc mỗi lần đi mua, bán thay vì dùng túi nilon ta nên dùng những túi đựng bằng cói, mây tre đan, túi vải,… không những sử dụng được nhiều lần mà còn tiết kiệm tài nguyên, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trong chế biến và thải bỏ túi nilon.

Một ví dụ khác về khía cạnh đạo đức môi trường đối với các gia đình của Đặng Huy Trứ, năm 1848 (trích trong “Đặng dịch trại ngôn hành lục”) viết: trời sinh ra của cải chỉ có hạn. Nay có cái đầm là chỗ để tôm, cá ẩn náu. Ta là cha mẹ mà tát cạn đi, từ con chép, con mè, con rô, con giếc, con lươn, con trạch, con cua, con ốc, không còn sót con nào thì con cháu còn gì nữa… chỉ còn lại bùn cát mà thôi. Như thế là tuyệt đường sinh sống cua con cháu, chẹn cổ con cháu vậy. Cho thấy, từ xưa, cha ông ta đã quan niệm êề sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững.

Những năm qua, ở nước ta xuất hiện nhiều điển hình xây dựng các làng sinh thái như mô hình hương ước bảo vệ môi trường ở làng Chiết Bi – Thủy Tân, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế với triết lý khá đơn giản là “có thể sạch trước khi giàu”. Do đó, dân làng đã xây dựng hương ước được 12 Trưởng họ thống nhất về việc nâng cao nhận thức môi trường và bảo vệ môi trường. Mô hình hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường phường Hồng Hải, Hạ Long, Quảng Ninh và gần đây với việc thành lập các nhóm năng suất xanh ở 81 làng thuộc 21 tỉnh trong khắp mọi vùng đất nước với phương châm ứng dụng các công cụ và kỹ thuật thích hợp nhằm giảm tác động của môi trường từ các hoạt động của các tổ chức, cộng đồng. Chương trình năng suất xanh đã giải quyết được nhiều vấn đề môi trường bức xúc ở nông thôn như kiểm soát ô nhiễm nước, quản lý chất thải rắn, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải người và động vật, sử dụng hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải người và động vật, sử dụng hợp lý thuốc trừ sâu và phân bón hóa học,… đã thực sự góp phần nâng cao chất lượng của cuộc sống và thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất