Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 9/5/2013 22:4'(GMT+7)

Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại Thanh Hóa: Cung vượt cầu

Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa  Ảnh: TL

Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa Ảnh: TL

Rộng cửa... đón nhận thí sinh 

Hiện cả nước có trên 500 trường, riêng Thanh Hoá có tới 16 trường ĐH, CĐ, THCN. Phát triển nhanh về số lượng, đa dạng các loại hình ĐT, song việc có quá nhiều các trường được mở ra, "mọc lên như nấm” sau mưa, với kiểu tuyển sinh ồ ạt như hiện nay... liệu chất lượng nguồn nhân lực có được đảm bảo? 

Mặc dù chỉ có học lực trung bình nhưng Nguyễn Thị Hoa ở huyện Thiệu Hoá đã đỗ vào 1 trường ĐH dân lập tại Hà Nội. Ngày cầm giấy báo nhập học, Hoa vẫn không tin bởi tổng điểm 3 môn thi của em chỉ 12 điểm, không hy vọng đỗ vào nguyện vọng 2 cho dù là trường ngoài công lập. 

Với thí sinh Lê Mạnh Dũng (ở huyện Nga Sơn) thì ước mơ được là SV của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội luôn cháy bỏng nhưng tổng 3 môn thi chỉ được 10,5 điểm. Đang dự định sẽ ôn để thi tiếp, Dũng đã nhận được hàng loạt các loại giấy báo từ giấy trúng tuyển, giấy báo tập trung, giấy nhập học... của rất nhiều trường ĐH, CĐ

Còn nhiều thí sinh khác không thi đỗ vào các trường ĐH như đăng kí ban đầu đều nhận được những lời mời hấp dẫn từ các trường ĐT ngoài công lập ngay cả khi điểm thi của thí sinh rất thấp. Để thu hút thí sinh, biện pháp được các trường đưa ra là hạ điểm sàn, giảm học phí, cấp học bổng... và mở rộng khối thi với các ngành nghề đào tạo mới. Đó là cách làm của các trường, nhất là trường ngoài công lập hiện nay. Bằng những cách làm này... cánh cửa vào giảng đường ĐH của thí sinh không còn khó như trước. 

Ra trường, tìm việc... không đơn giản

 4 năm đèn sách, sau khi tốt nghiệp SV đều mong muốn có được việc làm ổn định với mức thu nhập đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cá nhân. Thế nhưng, không dễ chút nào. 

Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và một bảng điểm "đẹp”, Lê Văn Giang - cử nhân sư phạm Toán ĐH Sư phạm Hà Nội I vẫn chật vật đi tìm việc làm. Hơn 1 năm chờ việc, bằng nhiều "cửa” nhờ cậy, cuối cùng Giang được trường PTTH ở một huyện miền núi nhận làm giáo viên hợp đồng. Đồng lương của giáo viên hợp đồng không đảm bảo mức sống tối thiểu, hơn nữa ước mơ được vào biên chế rất khó để trở thành hiện thực. Cuối cùng... cậu đành rẽ hướng khác và hiện là SV năm thứ nhất của Học viện Tài chính.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp khoa Sư phạm Ngữ văn của ĐH Hồng Đức, Hoàng Thị Hoa (TP. Thanh Hoá) cũng tất tả ngược, xuôi để mong tìm được việc làm như chuyên ngành đã được đào tạo. Nhưng dù cố gắng đến mấy, ước mong được đứng trên bục giảng... cũng không trở thành hiện thực vì không nơi nào tiếp nhận. Không xin được việc làm, Hoa đành chấp nhận lên xe hoa theo chồng.   

Không chỉ ngành sư phạm khó xin việc, nhiều ngành khác được coi là "có giá” như tài chính, ngân hàng... tìm được việc làm cũng không đơn giản. Lê Thị Hồng Nhung (xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hoá) trải lòng: Tốt nghiệp khoa Tài chính doanh nghiệp với tấm bằng loại khá của Học viện Tài chính, học thêm nghiệp vụ kế toán cao cấp 6 tháng, nghiệp vụ ngân hàng 6 tháng... và sở hữu trong tay 6 loại bằng cấp, chứng chỉ khác như tin học, ngoại ngữ... để về quê  tìm việc nhưng đã gần 1 năm kể từ ngày gửi hồ sơ đi nhiều nơi, Nhung vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía doanh nghiệp nào.

Cử nhân, kỹ sư ra trường không xin được việc làm, hoặc xin được việc làm trái ngành, thậm chí làm cả những công việc của lao động phổ thông... đó là thực tế. Làm gì để không bị lãng phí chất xám, trong khi tỉnh có đến gần 25 ngàn SV ra trường không xin được việc làm đang là vấn đề nóng khiến dư luận quan tâm.

Đã có giải pháp?

Để giải quyết tình trạng SV ra trường không xin được việc làm, ngày 6-3 UBND tỉnh đã có Công văn 141/UBND-VX về việc đề xuất phương án bố trí việc làm cho HS, SV của tỉnh đã tốt nghiệp từ trung cấp trở lên. Trong công văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt đã giao cho Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở LĐTB&XH, Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan, căn cứ vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 để bố trí, sử dụng nguồn lao động này một cách phù hợp, hiệu quả.

Trên tinh thần công văn chỉ đạo của tỉnh, trước mắt các ngành liên quan đang thực hiện khảo sát, kiểm tra thực chất số lượng HS, SV tốt nghiệp chưa xin được việc làm, từ đó phân loại, tổng hợp từng nhóm ngành nghề đào tạo, bằng cấp... Từ đó có hướng bố trí công việc phù hợp với đơn vị tuyển dụng và ngành nghề được đào tạo.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc tình trạng SV tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm, hoặc làm trái ngành nghề đào tạo, cần thiết phải chấn chỉnh lại công tác đào tạo, tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước cần nghiêm túc hơn trong tuyển dụng lao động.
Minh Lý – Lê Tuấn Linh/ Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất