Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 1/11/2016 21:15'(GMT+7)

Đào tạo về IPv6 cho hơn 30 cán bộ cơ quan chuyên trách CNTT các bộ, ngành

Hai khóa đào tạo “Triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trong khối cơ quan Nhà nước” là hoạt động thực hiện Kế hoạch năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

Hai khóa đào tạo “Triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trong khối cơ quan Nhà nước” là hoạt động thực hiện Kế hoạch năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.

Là hoạt động nằm trong Kế hoạch năm 2016 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được ban hành theo Quyết định 936 ngày 2/6/2016 của Bộ TT&TT, cuối tháng 10/2016 vừa qua, VNNIC - Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chức 2 khóa đào tạo “Triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trong khối cơ quan Nhà nước”.

Chương trình đào tạo đã thu hút sự tham gia của 34 cán bộ của 22 đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ, ban, ngành tại Hà Nội, bao gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao, TT&TT, KH&CN, GD&ĐT, Xây dựng và Giao thông vận tải.

Các khóa tập huấn, đào tạo về IPv6 nêu trên nhằm mục đích truyền thông về công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời tiếp tục thúc đẩy triển khai IPv6 trên mạng Internet cũng như mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Tham dự các khóa tập huấn, đào tạo này, các học viên được cung cấp thông tin về tình hình triển khai IPv6 tại Việt Nam và quốc tế; lộ trình và hiện trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam và thế giới; các chính sách của Việt Nam đối với việc thúc đẩy IPv6, đặc biệt là vai trò của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Chương trình đào tạo, tập huấn cũng trang bị cho cho các học viên những kiến thức cơ bản về hoạt động của mạng Internet trên nền giao thức IP, hiện trạng tài nguyên địa chỉ IP toàn cầu và sự cần thiết của việc chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6.

Đồng thời, tại các khóa đào tạo, tập huấn, các học viên còn được cung cấp kiến thức cơ bản về cách biểu diễn, các dạng địa chỉ IPv6, cấu trúc địa chỉ IPv6 và cách thức hoạt động của giao thức IPv6; được cung cấp các kiến thức về công nghệ chuyển đổi giao tiếp IPv4, IPv6; Các công tác cần thiết để chuyển đổi IPv6.

Đại diện VNNIC nhấn mạnh, theo lộ trình triển khai, các cơ quan Đảng và Nhà nước phải là những đơn vị đi đầu và làm gương cho các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam trong công tác thúc đẩy triển khai chuyển đổi IPv4/IPv6. Kết thúc các khoá đào tạo, 100% cán bộ tham gia đã nắm bắt được xu hướng triển khai, tầm quan trọng của IPv6; các kiến thức lý thuyết cơ bản liên quan đến IPv6, các công nghệ chuyển đổi IPv4/IPv6 phổ biến trên thế giới; tình trạng hỗ trợ IPv6 trên các hệ điều hành, trình duyệt, cấu hình cấp phát IP tĩnh, động, statefull, stateless, IPv6 với vấn đề an toàn bảo mật cũng là các nội dung được đề cập trong khoá học.

Kết thúc chương trình đào tạo “Triển khai thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 trong khối cơ quan Nhà nước”, các học viên đã thực hiện bài trắc nghiệm đánh giá kết quả và nhận chứng chỉ.

Thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, trong lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn III - Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019). Giai đoạn III cũng là giai đoạn dài nhất, quan trọng nhất, quyết định kết quả cuối cùng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể quốc gia về triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam.

Trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban công tác, công tác đào tạo được xác định làm một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cùng với việc tổ chức đào tạo về IPv6 cho khối các cơ quan Đảng và Nhà nước,với vai trò là thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia,trong năm nay, VNNIC chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức đào tạo cho các Sở TT&TT về nội dung thúc đẩy triển khai IPv6. Trước đó, hồi trung tuần tháng 4/2016, VNNIC đã phối hợp cùng các doanh nghiệp di động tổ chức khóa đào tạo cho các kỹ sư, chuyên gia của các doanh nghiệp về công nghệ IPv6 cho mạng di động 4G LTE.

Bên cạnh đó, Kế hoạch năm 2016 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cũng nêu rõ, một nhiệm vụ thường xuyên do Cục CNTT - Bộ GD&ĐT chủ trì là tổ chức đào tạo về công nghệ IPv6 cho sinh viên các trường đại  học và cao đẳng chuyên ngành CNTT và điện tử viễn thông theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất