Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 22/10/2016 16:20'(GMT+7)

Tuyên truyền số hóa truyền hình phải giảm bớt các từ kỹ thuật

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 12 Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu: Công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình giai đoạn 2 cần được đẩy mạnh sớm từ bây giờ. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu hướng tới người dân đang còn xem truyền hình analog. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở tuyên truyền mạnh về số hóa truyền hình trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016.

Đặc biệt công tác truyền thông qua hệ thống thông tin cơ sở rất quan trọng. Nội dung tuyên truyền phải giảm bớt dùng các từ kỹ thuật. Nên dùng những từ ngữ đơn giản, gần gũi để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Cũng theo Bộ trưởng, rút kinh nghiệm trong đợt tuyên truyền về số hóa truyền hình giai đoạn 1, rất nhiều người không hiểu những thuật ngữ như “truyền hình analog” hay “truyền hình tương tự” là gì? Do đó phải rút kinh nghiệm về nội dung và cách thức tuyên truyền khi thực hiện giai đoạn 2.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá về công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đã vào cuộc tích cực góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt số hóa truyền hình giai đoạn 1.

Một doanh nghiệp kinh doanh đầu thu đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về số hóa truyền hình ở Vĩnh Long. Ảnh: Nguyễn Phong


Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, trong đợt tắt sóng 15/8 vừa qua, số lượng người dân gọi đến Tổng đài 05111022 tăng đột biến trong vòng 4 ngày sau khi tắt sóng. Phần lớn các cuộc gọi hỏi về thông tin số hóa truyền hình sau khi nhận tin nhắn của Bộ TT&TT. Các cuộc gọi đến tổng đài để hỏi nơi mua, cách chọn loại đầu thu truyền hình số đạt chuẩn, phương thức truyền hình sẽ bị ảnh hưởng, địa bàn ảnh hưởng, thông tin về việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Đặc biệt là Tổng đài hỗ trợ không tiếp nhận được bất cứ cuộc gọi nào có tính phản hồi trái chiều của người dân. Từ đó có thể đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền đã đạt được hiệu quả tích cực, trước ngày ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, phần lớn các hộ dân thuộc diện cần chuyển đổi đã nắm được thông tin và chủ động chuyển đổi sang truyền hình số.

Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền còn có một số khó khăn cần được rút kinh nghiệm và khắc phục, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí rất hạn hẹp.

Nói về những hạn chế trong khâu tuyên truyền, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, theo Quyết định 1260/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2013 về Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ TT&TT giai đoạn 2013 - 2015, tổng kinh phí cho các hoạt động thông tin tuyên truyền số hóa truyền hình là 33,25 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2015 kinh phí cấp cho hoạt động thông tin tuyên truyền số hóa truyền hình chỉ đạt gần 5 tỷ đồng. Do vậy phạm vi, quy mô triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền bị thu hẹp so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực cần thiết cho công tác thông tin tuyên truyền.

Một số nội dung tuyên truyền chưa được cập nhật kịp thời. Ví dụ, như một số địa phương vẫn tuyên truyền hộ gia đình chính sách thuộc đối tượng hỗ trợ, trong khi đó thực tế chỉ có hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương là thuộc diện được nhà nước hỗ trợ đầu thu. Một số địa phương thuộc giai đoạn 3 chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 nhưng đã tuyên truyền quá sớm nên hiệu quả không cao./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất