Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 29/3/2019 13:30'(GMT+7)

Đào tạo xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu của lớp công chúng mới

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (bên phải) tham quan gian hàng của Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc 2019.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (bên phải) tham quan gian hàng của Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí Tuyên truyền tại Hội báo toàn quốc 2019.

PGS. TS. Hà Huy Phượng, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trao đổi với phóng viên về vấn đề đào tạo xuất bản điện tử đáp ứng nhu cầu của lớp công chúng mới.

ĐỪNG NÓI OAN CHO CÔNG CHÚNG

- Có ý kiến cho rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam xuống cấp, công chúng “quay lưng” với văn hóa đọc. Ông bình luận gì về vấn đề này?

PGS. TS. Hà Huy Phượng: Cho rằng, văn hóa đọc ở Việt Nam xuống cấp là chưa chính xác. Văn hóa đọc ngày càng được đề cao. Nếu chúng ta không đọc sách, báo thì không có tri thức. Cha ông ta sáng tạo ra chữ viết là để thế hệ sau lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa.  

Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của sự bùng nổ truyền thông. Sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật là điều kiện để các loại hình truyền thông phát triển. Ngành truyền thông - xuất bản thay đổi tất yếu tạo ra lớp công chúng mới, với những nhu cầu mới, tiếp nhận đa dạng sản phẩm truyền thông.

Đây chính là lý do ai đó cảm giác là văn hóa đọc ở Việt Nam xuống cấp, công chúng “quay lưng” lại với văn hóa đọc. Ta có thể so sánh công chúng tiếp nhận thông tin từ các sản phẩm truyền thông giống như thực khách trong một bữa ăn. Công chúng ở thời kỳ “đói” thông tin, chỉ có sách, báo in thì họ coi đó là “đặc sản”. Bây giờ, lớp công chúng mới có nhiều cơ hội để lựa chọn “món ăn” theo khẩu vị. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm lượng độc giả của các sản phẩm truyền thông in ấn. Nói vậy không đồng nghĩa là các sản phẩm truyền thông in ấn đã hết thời. Nó vẫn có những thế mạnh riêng biệt mà các sản phẩm truyền thông mới không có được.

Còn nói “công chúng quay lưng với văn hóa đọc”, theo tôi cũng không chính xác. Nói như vậy là oan cho công chúng. Tôi cho rằng, nếu có cần nói ngược lại, đó là có những người làm ra sản phẩm văn hóa đọc đang “quay lưng” với công chúng. Bởi, họ đã làm ra các sản phẩm có nội dung, hình thức độc hại, phản cảm, nhất là những cuốn sách “đen” bị đình bản, những bài báo bị xử phạt, vì đã vi phạm lợi ích của quốc gia, cộng đồng, người dân. Đó là những sản phẩm văn hóa đọc “quay lưng” với công chúng. Nếu xã hội có nhiều sản phẩm văn hóa đọc độc hại, vô bổ, ắt công chúng sẽ không đọc.

PGS. TS. Hà Huy Phượng chủ trì Hội thảo về xuất bản điện tử

- Chúng ta đang quyết tâm xây dựng nền công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp xuất bản. Theo ông, ở Việt Nam đã có công nghiệp xuất bản chưa? Giải pháp đột phá để xây dựng ngành công nghiệp xuất bản hiện nay là gì, thưa ông?

PGS. TS. Hà Huy Phượng: Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, xuất bản được coi là ngành công nghiệp. Lĩnh vực xuất bản đóng góp to lớn về văn hóa tri thức, chính trị, giáo dục, giải trí, an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, ngành xuất bản đã tạo ra các giá trị kinh tế, góp phần thay đổi ở mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Xây dựng nền công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp xuất bản là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Thực chất thì ở Việt Nam chưa có công nghiệp xuất bản. Muốn có được một ngành công nghiệp xuất bản đúng nghĩa, chúng ta cần phải có lộ trình đổi mới, nhất là về chính sách đối với ngành xuất bản. Các nhà xuất bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tạo ra các sản phẩm tư tưởng - văn hóa - giáo dục - giải trí. Hiện nay, nhiều nhà xuất bản gặp khó khăn về cơ chế, chính sách và nguồn lực, nhất là vấn đề tài chính, bản quyền và sở hữu trí tuệ, vấn đề đầu tư và ứng dụng kỹ thuật - công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng như Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ sở đào tạo truyền thông - xuất bản cần được đề cao, coi trọng hơn nữa, nhất là trong việc tham mưu, tư vấn chính sách. Ngành xuất bản Việt Nam cần được quan tâm đầu tư, hội nhập sâu, rộng hơn nữa với ngành xuất bản của thế giới, các châu lục và khu vực ASEAN. Muốn vậy, nguồn nhân lực của ngành xuất bản Việt Nam cần phải được đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ phù hợp với thực tiễn sôi động của ngành xuất bản.

PGS. TS. Hà Huy Phượng giành giải Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại Hội báo toàn quốc 2019

PHẢI CHÚ Ý XUẤT BẢN ĐIỆN TỬ

- Ông ấn tượng với những doanh nghiệp xuất bản nào ở Việt Nam hiện nay? Theo ông, đâu là mô hình, cách làm hay của họ mà các doanh nghiệp khác có thể học tập?

PGS. TS. Hà Huy Phượng: Theo quan sát cá nhân, tôi có thể kể tên một số nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm có uy tín như: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự Thật, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường - Bản đồ Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ, Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books), Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Dự án Waka - Công ty Cổ phần Bạch Minh (Vega Corporation), Công ty Công nghệ Tinh Vân, Công ty Sách MC Book…

Các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm nói trên đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín đối với công chúng Việt Nam. Đây là những đơn vị năng động, tiên phong tiếp cận tiến bộ của kỹ thuật - công nghệ ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông là một trong những nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam đầu tư cho cho lĩnh vực xuất bản điện tử. Hiện nay, họ ứng dụng tối đa kỹ thuật - công nghệ số trong hoạt động quản trị, sản xuất và kinh doanh xuất bản phẩm. Mặc dù mới thử nghiệm, nhưng họ đã đạt được những kết quả bước đầu. Tôi tin rằng, họ sẽ thành công, bởi họ đã nắm bắt kịp thời thực tiễn và xu hướng phát triển tất yếu của ngành truyền thông - xuất bản thế giới. Các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm của ta có thể tham khảo mô hình này và có hướng đi thích hợp.

“4K” TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

- Lĩnh vực xuất bản điện tử phát triển là tất yếu, với tư cách là Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, theo ông đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử cần chú trọng những vấn đề gì?

PGS. TS. Hà Huy Phượng: Sự phát triển của ngành xuất bản, nhất là lĩnh vực xuất bản điện tử rất cần thiết có sự đóng góp của các cơ sở đào tạo.

Năm học 2019-2010, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức tuyển sinh chuyên ngành Xuất bản điện tử. Có thể khẳng định, khi mà thực tiễn lĩnh vực xuất bản điện tử ở Việt Nam đang còn là mới mẻ thì Học viện Báo chí và Tuyên truyền là đơn vị tiên phong đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Chúng tôi đã chuẩn bị xong các điều kiện về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, kỹ thuật - công nghệ, giáo trình, bài giảng… để sẵn sàng chào đón lớp sinh viên đầu tiên vào học chuyên ngành mới này.

Theo tôi, cần chú trọng đến 4 chữ “K” trong đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử, đó là: Kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật - công nghệ, khả năng về ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp. Người làm truyền thông - xuất bản cần phải có kiến thức sâu, rộng về các lĩnh vực của đời sống xã hội; giỏi về các kỹ năng nghiệp vụ; làm chủ kỹ thuật - công nghệ mới, thông thạo ngoại ngữ để hội nhập quốc tế; có phẩm chất chính trị, luật pháp và đạo đức nghề nghiệp vàng. Khoa Xuất bản xây dựng chương trình giáo dục dựa vào 4 trụ cột này với mong muốn đào tạo ra những người làm truyền thông “đa năng”, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nghiệp truyền thông - xuất bản trong thời đại số cũng như nhu cầu của lớp công chúng mới.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hồng Hải (thực hiện)

(Nguồn: qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất