Dù là chợ phiên cuối năm nhưng chợ ở vùng cao núi đá Hà Giang không phải ngày nào cũng họp như miền xuôi. Chợ mỗi xã vẫn giữ nếp họp theo ngày nhất định, vì thế một phiên thì không thể mua đủ nên phải đi nhiều chợ, cả nhà đi chợ mới vui. Như chợ Phó Cáo họp ngày Thìn, ngày Tuất; chợ Lũng Phìn họp ngày Dần, ngày Thân… Cứ thế chợ 6 ngày một phiên lần lượt chia mười hai con giáp ra làm hai phần để họp. Hôm nay đi chợ Sà Phìn, mai có thể đi chợ Ma Lé hay Phó Cáo, Lũng Phìn, Đồng Văn… Hôm qua vừa gặp nhau ở chợ này, nay lại gặp ở chợ khác, đàn ông lại nhanh chóng sà vào quán thắng cố khoe nhà mình đã sắm được gì. Các chàng trai cũng tìm mua chim, mua sáo, mua khèn. Bận rộn nhất là các chị, các em, nào là mua đồ ăn, rồi mua thứ mặc. Tất cả chất đầy quẩy tấu sau lưng, chưa đủ thì bỏ cả vào quẩy tấu nho nhỏ đeo trên lưng con bé con vẫn lẽo đẽo theo mẹ từ sáng. Cũng có khi không có nhiều tiền thì đì chơi, đi xem chợ phiên cuối năm nhiều thứ đẹp và quan trọng hơn là gặp bạn bè để hẹn hò chơi xuân. Người Mông ăn tết muộn hoặc sớm hơn tết âm lịch vài ngày nên tết thường kéo dài, đi chợ phiên cuối năm cũng đã là đi chơi tết rồi. Tâm lý đi chơi khiến cho chợ nào cũng náo nức, vang động.
Hôm qua tôi gặp Giàng Thị Chởư, hôm nay lại gặp. Nhà Chởư trên núi Sì Phài, chỉ có hai mẹ con nương náu trong căn nhà nho nhỏ do nhà nước hỗ trợ, chẳng có đồ dùng gì đáng giá, cô lại đau yếu luôn mà con còn nhỏ quá. Trên lưng Chởư cũng đeo quẩy tấu nhưng nó còn rỗng. Việc đầu tiên là phải đi mua vàng hương và giấy bản để tết có cái cúng. Dãy hương kéo một dải phía cuối chợ. Những người mẹ Mông cần mẫn vót từng que tre, dây bột lá để vê thành những que hương trần, bó những bó to xếp lên nhau không cầu kỳ. Hương của người vùng cao cắm cũng giản đơn, không cần tỷ mẩn tạo hình, tạo dáng sau khi đã cháy hết nên làm đơn giản và bán cũng đơn giản. Chởư chỉ cần mua một bó là đủ. Nhà nhỏ, đồ đạc ít nên chỉ cắm hương trên bàn thờ, các đồ dùng trong nhà và chuồng bò trong đêm ba mươi, ngày mùng một. Nhưng thế nào Chởư cũng phải mua thật nhiều giấy bản để dán quanh nhà trong mấy ngày tết và hoá trả thần núi. Tháng trước con bé Mai ốm quá, Chởư đã phải nói khó với thần núi xin khất: “Thần phù hộ cho nó khoẻ lại, tết này tôi sẽ trả lễ một đinh tiền. Lúc nào đi tìm được ở chỗ người Lô Lô, Mán hay Pu péo về thì trả cho.” Giờ dù ít tiền nhưng tết phải hoá trả để giữ lời, lần sau còn xin cái khác. Số tiền còn lại chỉ đủ cho cô mua nửa cân đường phên về làm bánh treo ngô ăn trong mấy ngày tết. Những tảng đường phên to như núi khiến con mắt ai cũng thích. Bọn trẻ con thèm quá trốn ra sau cô chủ hàng quệt ngón tay vào tấm đường rồi mút, quên cả sợ. Đến khi bị mẹ phát cho mấy cái vào mông mới sực tỉnh, nhưng đã thoả cơn thèm ngọt cả năm. Những tấm đường phên thấp xuống một cách nhanh chóng, dù mỗi nhà chỉ mua dăm lạng, một cân nhưng xếp vòng trong vòng ngoài toàn phụ nữ và trẻ em. Miếng đường màu ngà, rồm rộm hạt được trao đến tay mẹ thế nào bọn trẻ cũng tìm cách quệt một tí rồi đút ngay vào mồm khoái chí. Chúng có thể ăn được cả cân đấy, nhưng phải chịu đợi đến tết ăn bánh treo thì mới thoả cơn háo ngọt. Chởư mua đường phên về làm bánh treo, vì nhà còn nghèo nên chỉ đủ làm bánh ấy thôi. Đến khi không làm được bánh ấy nữa thì coi như không có tết rồi. Người nghèo đến mấy cũng phải có bánh treo đãi làng bản mấy ngày tết, tục người Mông là vậy, đó là loại bánh giản đơn nhất cần phải có…
Phiên cuối năm Sùng Chảo Sình cũng xuống chợ. Vài tháng nay anh chưa xuống chợ vì phải dựng nhà giúp anh trai. Năm ngoái anh ấy cưới vợ, năm nay dựng nhà ra ở riêng nên để kịp vào xuân được ở nhà mới. Sình xuống chợ này cũng mong mua được cây khèn tốt để tết đến cùng bạn trong bản học khèn. Bố mẹ đã giục phải có bạn gái rồi nên xuân này muốn mời thật nhiều bạn về nhà chơi, trong đám ấy chắc sẽ chọn một cô làm dâu cho mẹ vui. Con chim gù lớn rồi cần có con chim gáy làm bạn, nếu không sẽ cô lẻ mà không chơi vui với chúng bạn được. Sình thấy chợ khác quá, tràn cả ra đường, lấn vào vách núi, đông hơn bất cứ phiên nào trong năm. Giờ Sình mới biết người vùng cao mình cũng đông thật. Ngày thường ở rải rác trên núi nên tưởng là ít, thế mà bây giờ ngợp chợ. Sình len chân đến chỗ bán khèn trước, âm thanh đã gọi bước chân mải miết... Ông cụ Mua Sính Pó nhà ở Hố Quáng Phìn cứ phải kiếm một chỗ gần chân núi để bán. Dường như khèn cần nơi yên tĩnh, gần thiên nhiên thử âm mới chuẩn. Mỗi chợ ông chỉ bán hơn chục cây, vì làm khèn không phải dễ. Tâm khí con người dồn cả vào đó, mỗi nốt khèn mang một âm điệu, dường như phụ thuộc nhiều vào tâm trạng người làm và người chơi khèn. Mỗi người một tính nết, một tông hơi nên dù cùng âm nhưng nghe kỹ thì sẽ phân biệt được sự khác nhau trong độ dạt dào, trầm bổng. Chỗ bán khèn nhiều cung bậc âm thanh bay lượn nên đông ngùn ngụt. Ai qua đó cũng dừng lại xem, đoán định âm thanh mà tiếp thêm tâm thế vào chợ. Những cây khèn vàng ngà đủ kích cỡ, nuột những dóng trúc núi, xếp quanh ông Pó như vòng đời con người. Cây khèn sẽ nói được hết những lời sinh, lão, bệnh, tử, kể được cuộc sống ở thế giới bên kia qua gần 60 bài khèn. Người làm khèn muốn tự tay mình đem đi bán, chẳng phải vì ham đắt rẻ mà là quý trọng cây khèn, nó là một phần hồn cốt, tâm khí của chủ nhân. Mỗi lần làm xong một cây khèn ông thấy hồn mình phiêu lãng khắp nơi để lấy được hồn sông, vía núi về nuôi khèn. Muốn tự mình đi bán là muốn tìm đúng người hợp với mỗi cây khèn để trao gửi nó về đúng chủ. Ông Pó ngồi ở góc núi ấy bắt lấy cái thần trên mỗi gương mặt mà bán khèn, bán được khèn cho đúng người là gửi hồn mình theo gió đi khắp núi rừng du xuân.
Ngay cổng chợ được dọn một khoảng lớn dành riêng bán mía. Những bó mía dựng trên bờ tường, chồng chất lên nhau thành núi thế mà vẫn không đủ bán, nửa buổi đã hết nhưng chủ hàng không thể lấy thêm vì đường vận chuyển từ Yên Minh lên rất xa, với lại các chị buôn mía cũng muốn về sắm sửa tết nhất cho gia đình. Mía được chuyển từ các thung lũng Yên Minh là mía núi. Phiên chợ cuối năm thường bán chạy loại mía thân dài, dóng dài còn cả gốc và lá lòa xòa. Loại mía này hơi cứng vì đông về đất ít trữ được nước nuôi cây. Mía bán vào dịp tết không chỉ để ăn, quan trọng hơn là để chơi. Những anh chàng túi rủng rỉnh mua những bó mía to kềnh càng. Bao giờ cũng phải nhờ bạn bè xoay ngang, xoay dọc lựa thế mãi mới ra được khỏi chợ. Trên những con đường núi, bạn bè cùng nhau khiêng nhấp nhô cùng đá và cười vang vì tết này có mía chơi. Mía chuyển về nhà không được để chạm đất vì đất sẽ lấy mất hồn mía, lúc chơi sẽ không thiêng. Về nhà, dựng mía ở nơi trang trọng nhất, đi qua đi lại ngắm nghía mà mong cho chóng đến tết. Ai có mía để chơi thì dọn một khoảng bằng trước nhà cho sạch sẽ, chuẩn bị dao cắt mía và mâm rượu để sau mỗi cuộc chơi bạn bè sẽ mừng xuân. Ngay từ sáng mùng một tết, những chàng trai vạm vỡ, rắn rỏi trong bộ áo chàm mới đã nhấm nháy nhau chơi mía. Bàn nhau đo sao cho không bị chệch, mắt phải thế nào, dựng cây mía theo hướng nào để đến lúc chặt ra là chuẩn nhất. Thế nhưng phải đến chiều mùng một mới có thể mở hội chơi mía, vì buổi sáng đầu tiên của năm mới thường kiêng hoạt động. Những cây mía được dỡ ra, dựng tràn bên bờ tường đá cho mọi người tha hồ chọn. Ai muốn chơi chọn một cây, đặt cọc cho chủ nhà số tiền bằng cây mía. Hân hoan mang ra sân, bạn bè xúm lại vuốt gốc mía cho đỡ xù xì, buộc ngọn mía gọn lại và bắt đầu ước lượng bằng mắt từ gốc đến chót vót lá mía chia hai phần bằng nhau chằn chặn thì sẽ cắt đôi. Nếu bằng nhau hoàn toàn thì người chơi sẽ được hoàn lại số tiền đã đặt cọc và được mía, nếu lệch thì chỉ có mía để ăn. Rộn rã nhất là lúc bình phẩm, ước lượng, những con mắt nheo lại, những cái mặt nghiêng nghiêng trông ngộ nghĩnh, vang rộn núi đồi. Các cô gái đứng vòng ngoài chơi các trò chơi con gái và để ý anh chàng nào được nhiều mía mà không bị mất tiền để tối còn thử tài thi hát. Chơi đo mía đến sẩm tối thì chủ nhà mời đám chơi vào chúc mừng những người thắng mía, tối hẳn thì kéo nhau đi chơi, tìm đám hát, hát thâu đêm...
Chợ vùng cao rất rực rỡ. Muốn thử mắt mình với các màu sắc thì len chân đến hàng bán váy, áo. Ngày thường mặc thế nào cũng được, nhưng tết đến ai cũng muốn có bộ quần áo đúng dân tộc mình đứng trước bàn thờ để ma nhà, ma tổ tiên nhận đúng người. Bộ quần áo chàm vải Tà pủ ấy cũng là để chơi xuân xênh xang với chúng bạn. Rực rỡ và vui mắt nhất vẫn là váy, áo, khăn dành cho các chị, các em. Những hạt cườm lóng lánh được đính trên tay áo, cổ áo, vì trước, vì sau, thắt lưng gây cảm xúc mãnh liệt. Nó thể hiện khiếu thẩm mỹ của người mặc, nên những người cẩn thận cứ vân vê, nâng niu hết cái này sang cái khác, cái nào cũng đẹp mà chưa chọn được chiếc nào. Ngày trước còn lần từng đường kim mũi chỉ thêu váy áo mặc tết, chứ giờ có nhiều hàng, nhiều mẫu mã để mua, chợ càng rộn rịp, bừng bừng xuân sắc. Ở đây các chị người Dao bên Sủng Máng (Mèo Vạc) sang bán hàng rất khéo. Các chị vượt miết những con đường ngang núi để đến chợ Đồng Văn. Chợ này đông hơn, rộn rã hơn hay vì nếp đi chợ của người vùng cao, dù thế nào cũng phải tìm bằng được về chợ Đồng Văn mới yên bước chân chơi xuân. Người Dao có năng khiếu buôn bán. Ví như chị Phàn Mẩy Viển có hàng đi khắp các chợ từ Lũng Phìn, Sủng Là, Mèo Vạc... là các chợ gần rồi đến các chợ xa như Sơn Vĩ, Khau Vai... ngày chợ xã nào chị cũng có sạp hàng quần áo bán. Thế nhưng phiên chợ cuối năm này phải về bằng được chợ Đồng Văn nhận lấy một chỗ từ sớm tinh mơ. Phiên chợ cuối cùng của năm cũ chị biết váy, áo, giày, dép mới là nhu cầu của bất kỳ người nào. Chiếc xe chất ngất hàng đã được dỡ xuống từ khi trời còn chưa rạng, thế mà chưa đến tầm đã bán hết. Hàng bán ngày này rẻ hơn một chút để vừa bán được nhiều, vừa được lòng người mình chơi xuân. Ở đây không bán vải nên quần, áo, váy được xếp dài dọc chợ. Bán hàng này cũng như nếp bán của người vùng cao, bán rất phóng khoáng mà mua cũng thoáng, được thì lấy, không được thì chủ hàng nhiệt tình giới thiệu sang hàng bên cạnh, áo hàng tôi anh mặc chật thì xem cùng chiếc áo ấy ở hàng khác vậy, tôi sẽ giới thiệu cho. Vậy đấy, không ghen ghét, không tranh khách, nhiều khi bên này bán hết trước thì san hàng của bạn sang bán hộ để hết sớm rồi cùng đi sắm tết cho gia đình.
Chợt nắng bật lên ở phía đông, soi rõ hàng vá giầy của những cụ già cần mẫn. Bóng nối nhau đổ một đường dài lung linh. Người già đến thời tinh mắt trở lại cắm cúi, lẩn mẩn bên cái máy, điều chỉnh từng đường đi của mũi kim để tạo thành nét may rất khéo, giống hoa văn tinh sảo trên trang phục, nhiều người còn thể hiện ý tưởng mỹ thuật của mình trên đường may. Rất đông người đi khâu hoặc vá những miếng bợt trên giầy. Không phải ai cũng đủ tiền để sắm đồ mới chơi xuân nên chiếc máy vá giầy bé xíu đã ra đời. Chúng được đưa đến chợ từ các cửa khẩu tiểu ngạch. Quả là sức sáng tạo của con người là vô biên, cái máy nho nhỏ, cấu tạo đơn giản mà cho những đường may lách chách đều đặn để những chiếc giày cứng cáp lại, lành lặn hơn rồi bao phiến đá nhọn sắc cũng phải nhường bước chân du xuân…
Tôi sà vào quán thắng cố góc chợ, ồn ào, náo nhiệt. Bát thắng cố bò bốc khói nghi ngút, nồng nồng mùi sả, mùi hồi, lòng hứng khởi hơn trước những bạn bè chân thành, đậm sắc núi. Bao nhiêu chuyện là bấy nhiêu ấm áp, sẻ chia, dẫu biết còn nhọc nhằn, vất vả. Tàn tuần rượu thì chia tay, người ở núi có nếp không nói chuyện lâu, ngồi với nhau quá lâu, đến thời khắc đủ đầy trong lòng thì chia tay, để giữ được tròn trịa. Quay đằng sau đã thấy nhóm bạn khác đứng chờ. Cả chợ chỉ có một quán thắng cố, không phải vì không có chỗ, không phải vì ít khách, lệ là vậy, chỉ cần một chỗ để tụ họp, lần lượt từng nhóm ngồi quây quần rồi nhường chỗ cho nhóm khác, cứ nối tiếp nhau như vậy. Cái khoảng thời gian khi hai nhóm nhường chỗ cho nhau để lại trong tôi một khoảng lặng man mác. Có gì đó còn vương vấn mà níu bước chân cho những gì thân thương nơi góc chợ. Yêu mến hơn những nét sinh hoạt bình dị, nhẹ nhàng của chợ. Thấm hơn những bước chân hân hoan, chật chội mà ấm áp khi đi chợ…
Mấy phiên chợ cuối năm, tôi vẫn không mua gì, chỉ say… thấy hương núi hương rừng quện vào người nồng ấm. Tết đi từ chợ về nhà, kéo theo tôi. Về để chuẩn bị giao thừa, đón thiêng liêng cho riêng lòng mình…
Bài và ảnh: Minh Huệ