(TG) - Hệ thống chính sách xã hội đến năm 2030 của Việt Nam hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, với tinh thần con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.
Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhâp trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023).
Bà Gulmira Asanbaeva, Quyền đại diện ILO tại Việt Nam đánh giá, việc ban hành và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội. ILO sẽ chung tay với Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐTBXH và các đối tác để thực hiện hóa tầm nhìn chung về Việt Nam, một quốc gia về an sinh xã hội toàn dân vào năm 2030.
Đánh giá về quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng: Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Bùi Tôn Hiến thông tin, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI là một dấu mốc quan trọng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Về chính sách ưu đãi người có công, chính sách người có công với cách mạng đang được quan tâm và được thực hiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế - xã hội cho phép. Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hàng năm; giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Giai đoạn 2013 - 2019, cả nước đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở (đạt tỷ lệ 96,7%so với kế hoạch). Công tác chăm lo đời sống gia đình người có công và làm tốt công tác thương binh liệt sĩ đã thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, Việt Nam đã đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, hằng năm giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm; năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,25%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,6%, năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên 3,22%, ở khu vực thành thị là 4,42%. Hiện nay có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm.
Cơ cấu thu nhập tiến bộ hơn, tỷ trọng thu nhập từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, từ 44,8% năm 2010 lên 57% năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.
Về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, diện bao phủ bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hàng năm, đạt 32,6% năm 2020, 36% năm 2021. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân).
Về chính sách trợ giúp xã hội, số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hàng năm, đạt 3,042 triệu người (bao phủ hơn 3% dân số) năm 2020; đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021, trong đó trên 55% là người cao tuổi; chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng cần hỗ trợ, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.
Về thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19, năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2020 đã hỗ trợ trên 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và lao động tự do, tổng kinh phí là 12.293 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ gần 37,06 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí là 42.740 tỷ đồng. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.
XM/Báo Tin tức