Các quốc gia, đại diện Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đều nhấn
mạnh cần xem xét vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc độ quyền con
người, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến
nhiều khía cạnh của quyền con người.
Ngày 6/3 tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã tiến hành thảo
luận về chủ đề Biến đổi khí hậu và Quyền con người, trong đó nhấn mạnh
con người giữ vị trí trung tâm trong chính sách ứng phó với biến đổi khí
hậu.
Các quốc gia, đại diện Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đều nhấn
mạnh cần xem xét vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc độ quyền con
người, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến
nhiều khía cạnh của quyền con người.
Bà Mary Robison, Chủ tịch Quỹ Mary Robison, một trong những diễn giả
chính của Hội nghị, đã nhắc đến Việt Nam như một trường hợp điển hình về
lồng ghép vấn đề bảo vệ quyền con người, trong đó có việc thúc đẩy
quyền bình đẳng giới, trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà nêu ví dụ cụ thể về hiệu quả dự án hợp tác giữa UNWOMEN và Hội liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc hướng dẫn phụ nữ ở miền Trung Việt Nam
các biện pháp chuẩn bị ứng phó với bão lũ.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Đại diện Việt Nam nhấn mạnh các quốc gia
cần tăng cường lồng ghép việc bảo vệ quyền phát triển, quyền lương thực,
nhà ở, giáo dục vào các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng
thời quan tâm nhiều hơn đến các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ,
trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Đại diện Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí
trung tâm trong mọi chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt
là Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của
biến đổi khí hậu và đang phải đương đầu với không ít thách thức trong
vấn đề đề này. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác về ứng phó với biến
đổi khí hậu cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với việc
bảo vệ và thúc đẩy quyền con người./.
(TTXVN)