Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 23/2/2022 13:40'(GMT+7)

Đặt lợi ích của văn học Việt Nam làm trọng

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng cho các tác phẩm đoạt giải. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng cho các tác phẩm đoạt giải. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhìn vào danh sách các tác phẩm được vinh danh và các tân hội viên, những người trong nghề đều cảm thấy vui mừng vì lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã giữ đúng lời hứa.

VÌ UY TÍN CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Nhiều năm về trước, có một nhà báo đã viết nửa đùa nửa thật: Trời đất có bốn mùa, riêng ở Hà Nội có thêm một “mùa” nữa là mùa giải xét tặng giải thưởng và kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Sở dĩ có sự cường điệu này vì xảy ra vô vàn chuyện bi hài. Các tác giả, tác phẩm đoạt giải và các cây bút được kết nạp thường xuyên “có vấn đề” về chất lượng tác phẩm, tư cách và tài năng của các tân hội viên. Những lùm xùm diễn ra thường xuyên khiến uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam bị giảm sút trong con mắt của công chúng.

Về vấn đề xét chọn giải thưởng năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam liên hệ chặt chẽ với nhiều cá nhân, tổ chức để “tiến cử” những tác phẩm văn học được cho là có chất lượng; đồng thời, các Hội đồng chuyên môn sẽ làm việc cả năm để thẩm định tác phẩm, tránh trường hợp bỏ sót, đọc vội.

Có 216 tác phẩm xét giải năm nay. Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, ban tổ chức quyết định trao Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho 4 tác phẩm xuất sắc. Năm nay có 800 đơn xin vào hội, song chỉ kết nạp 34 tân hội viên. Nhiều tên tuổi trong danh sách vốn thành danh từ lâu nhưng chưa vào hội nay có lời mời từ Ban chấp hành nên tự nguyện hoàn thành các thủ tục để trở thành hội viên.

Dư luận trong và ngoài giới cầm bút đều đánh giá tốt chất lượng tác phẩm được trao giải, tác giả được kết nạp hội viên. Ban chấp hành khóa mới thực sự đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tất cả vì uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam.

LUÔN LẮNG NGHE VÀ CẦU THỊ

Sở dĩ không có ý kiến phản đối hay trái chiều về chất lượng tác phẩm đoạt giải vì đều là những tác phẩm nổi trội trong năm. Đơn cử ở hạng mục lý luận phê bình, giải thưởng được trao cho công trình “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của PGS. TS. Trương Đăng Dung, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học. Đây là công trình nghiên cứu công phu, theo hướng tiếp cận mới, rất có ích cho sự phát triển văn học. Ở nước ta, nghiên cứu lịch sử và phê bình văn học có rất nhiều người theo đuổi nhưng người làm lý luận thì rất ít. Bởi lẽ lý luận văn học nghiên cứu các hiện tượng văn học để rút ra các khái niệm, phạm trù bản thể của văn học. Lý luận văn học thiên về lý thuyết, rất trừu tượng, rất kén người làm nghề, nhưng không phải ai cũng đọc hiểu được. Đó là lý do rất nhiều năm, các công trình lý luận văn học không được trao giải, thay vào đó là những tác phẩm lịch sử và phê bình.

Về việc hạng mục thơ không trao giải, theo lý giải của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Năm nay có ba tập thơ vào chung khảo. Sau đó, một tác giả xin rút không tham gia xét giải, hai tập thơ còn lại không đạt đủ số phiếu quá bán để trao giải”. Cần phải xem đây là điều bình thường chứ không nên nhận xét thơ... mất mùa. Mỗi năm có rất nhiều tập thơ xuất bản nhưng nổi trội chất lượng không có nhiều, chưa đạt được các tiêu chí của hội đồng xét chọn đưa ra thì không trao giải là điều hiển nhiên.

“Sự cố” duy nhất trong mùa trao giải và kết nạp hội viên năm nay là chuyện không kết nạp một cây bút do có nhiều ý kiến phản đối. Nguyên nhân vì bài thơ “có vấn đề” được cây bút này sáng tác cách đây 19 năm. Nếu dựa vào Quyết định số 1685/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2021 phê duyệt điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam, xét về pháp lý thì kết nạp cây bút này không sai bởi cây bút này được xét kết nạp bằng những tác phẩm văn xuôi, không phải là tác phẩm thơ; về nhân thân cây bút này cũng chưa từng bị mất tư cách công dân, chưa vi phạm pháp luật. Song khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối, bản thân cây bút cũng tự nguyện xin rút khỏi việc xét vào hội. Ban chấp hành cũng để lại chưa xét hội viên đợt này, sau khi tiếp thu ý kiến phản ánh của hội viên và bạn đọc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Nếu bài thơ sáng tác cách đây vài ba năm thì chính tôi cũng không bao giờ đồng ý kết nạp. Nhưng bài thơ đó đã được sáng tác cách đây 19 năm trước. Nếu chỉ căn cứ vào một bài thơ mà kết luận về toàn bộ sự nghiệp văn thơ của một tác giả, kết luận về một con người thì không ai trên đời có cơ hội để trở nên tiến bộ”.

Việc xét giải thưởng và kết nạp hội viên vốn có tính chất tương đối, nhất là trong văn chương vốn chỉ có khác biệt, không có chuyện hơn kém thì càng khó hơn. Qua lần đầu tiên thực hiện hai công việc của Ban chấp hành khóa mới, giới cầm bút và công chúng có thể yên tâm phần nào vì lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam rất công bằng, khách quan, luôn đặt lợi ích của văn học Việt Nam làm trọng./.

Mộc Lan (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất