Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR)
đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được dự báo sẽ trở
thành một xu hướng mới. Doanh thu của ngành này trên thị trường toàn cầu
dự kiến đạt 48,5 tỷ USD vào năm 2025. VR là sử dụng công nghệ 3D
scanning tái hiện không gian một cách chân thực, sống động dựa trên các
dữ liệu đã được số hóa. Với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người
xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối Internet đều có thể ngắm nhìn, khám
phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan. Đặc biệt,
không chỉ hiển thị đơn thuần dưới dạng hình ảnh 3D, một số hệ thống VR
còn có thể mô phỏng âm thanh, thậm chí cả mùi khá chân thực. Đối với
lĩnh vực di sản, ứng dụng công nghệ VR trong việc tái hiện, phục dựng
các di tích, thắng cảnh đến nay không còn quá mới mẻ. Hầu hết các di
tích lớn như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara
(Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan,
Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ
Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này.
Tại Việt Nam, VR tuy chưa thật sự phổ biến, nhưng cũng đã có một số
di tích được phục dựng với kết quả ban đầu khả quan. Từ năm 2011, Viện
Nghiên cứu kinh thành (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
đã bắt đầu nghiên cứu phục dựng bằng công nghệ 3D đối với di tích hoàng
cung Thăng Long thời nhà Lý. Sau 10 năm, đến tháng 4/2021, toàn bộ chi
tiết, công trình đã được phục dựng thành công, gồm 64 kiến trúc; 38 cung
điện và hành lang, 26 lầu lục giác cùng tường bao, đường đi và cổng
vào. Thành công này mở ra hy vọng tiếp tục phục dựng kiến trúc hoàng
cung thời Đại La, Đinh-Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là kiến trúc Điện
Kính Thiên, tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ. Cùng
với đó là các di tích khác như: chùa Diên Hựu thời Lý (dự án do nhóm Sen
Heritage thực hiện và công bố cuối năm 2020), dự án tham quan Hoàng
thành Huế bằng công nghệ VR “Hue Imperial VR Centre” (thành quả của
chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với đối
tác Hàn Quốc IV COM), công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài
Đức, Hà Nội)... cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên
gia cũng như những người tham gia trải nghiệm. Gần đây là thắng cảnh Mộc
Châu được ứng dụng công nghệ VR, mang đến những trải nghiệm như thật
trong một chuyến du lịch ảo với các “địa danh số”: thác Dải Yếm, rừng
thông bản Áng... Đây là nỗ lực rất lớn từ địa phương với mong muốn cải
thiện không khí du lịch có phần ảm đạm trong thời kỳ dịch COVID-19, đồng
thời cũng là cách để địa phương quảng bá các địa điểm du lịch.
Có thể thấy việc tái hiện hay phục dựng các di tích, di sản bằng công
nghệ nói chung và công nghệ VR nói riêng rất thiết thực bởi vừa có ý
nghĩa khoa học, vừa có giá trị văn hóa, giúp các di sản còn mãi với thời
gian. Trước đây, với các di tích quy mô lớn có nhiều lớp kiến trúc
chồng xếp, phức hợp, việc phục dựng chỉ dừng lại ở nghiên cứu mặt bằng
tổng thể. Còn với công nghệ VR, dựa trên các dữ liệu đã được thu thập,
các kiến trúc sẽ lần lượt được phục dựng bằng các phần mềm chuyên dụng
sao cho gần sát với nguyên gốc nhất, từ tỷ lệ đến phong cách kiến
trúc... Vì thế, người trải nghiệm di sản theo cách này không chỉ được
ngắm nhìn di sản một cách chân thực mà còn được “sống” trong di sản
thông qua những tương tác thực tế.
Trả lời báo chí, PGS. TS. Trần Trọng
Dương (đồng sáng lập nhóm Sen Heritage) cho rằng, công nghệ VR giúp
người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp
và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác. Ở một phương diện
khác, trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch COVID-19 đang khiến sự di
chuyển giữa các quốc gia khó khăn, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề
thì việc sử dụng công nghệ VR tạo ra các chuyến du lịch ảo đã chứng minh
được sự phù hợp và hữu ích. Du khách chỉ cần ở nhà, với thiết bị hỗ trợ
có chi phí thấp là hoàn toàn có thể tham gia, tương tác thực tế với
điểm đến. Những trải nghiệm này là cơ sở giúp du khách so sánh để tìm
được điểm du lịch phù hợp thị hiếu, sở thích của mình. Bởi vậy, nhiều
quốc gia trên thế giới đã sử dụng công nghệ VR như công cụ cung cấp
thông tin du lịch, từ đó, tạo ra những trải nghiệm và tương tác tốt nhất
cho du khách. Ví như tại Nhật Bản, Công ty First Airlines ra mắt tua du
lịch ảo trong mô hình ca-bin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón
trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính VR, họ
được thưởng thức một chuyến du lịch trọn vẹn, sống động tại những địa
điểm du lịch nổi tiếng tại Italia, Mỹ, Pháp... Campuchia cũng đưa du
khách trở về quá khứ, ngắm nhìn các công trình kiến trúc cổ xưa với tua
tham quan ảo quần thể di tích Angkor Wat... Vẫn biết du
lịch với sự hỗ trợ từ công nghệ VR không thể thay thế du lịch truyền
thống, nhưng xét trên nhiều phương diện có thể mang đến nhiều lợi ích
cũng như tiềm năng trong việc quảng bá, bảo tồn di sản. Trước hết là
giảm áp lực tại các điểm đến bởi du khách không trực tiếp có mặt tại
điểm đến, nhưng với khả năng mô phỏng thực tế, du khách vẫn được trải
nghiệm đầy đủ các di tích. Tiếp đó là trên môi trường số hóa, các di sản
hay điểm đến sẽ dễ dàng được tìm kiếm hơn thông qua các công cụ trên Internet như: website, các nền tảng trực tuyến, các mạng xã hội... Hơn
nữa, các di sản không hiện lên đơn thuần dưới dạng hình ảnh hay video mà
dưới dạng những không gian ảo, sống động và chân thực hơn rất nhiều, từ
đó, kích thích thị giác và tác động không nhỏ đến việc lựa chọn điểm
đến của du khách.
Việt Nam có hệ thống di sản, danh lam thắng cảnh trải dài với những
giá trị trường tồn về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa... Tuy
nhiên, đáng tiếc là chưa có nhiều di sản được tái hiện bằng công nghệ
VR. Thế nên, dù bước đầu đã bắt kịp những công nghệ mới, nhưng so với
thế giới, chúng ta vẫn còn có khoảng cách khá lớn. Bù lại Việt Nam có
thuận lợi là sự ưu tiên về cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ dành
cho văn hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển văn
hóa.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt
ngày 12/11/2021 đã khẳng định quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội; thích ứng xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, các công nghệ mới, hiện đại... Các địa phương có di sản nổi tiếng
cũng bước đầu vượt khó, nỗ lực tiếp cận thành quả công nghệ mới trong
việc tạo ra các giá trị gia tăng bền vững từ di sản.
Bên cạnh những
thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
lớn. Nền tảng công nghệ của Việt Nam nói chung và của các địa phương có
di sản chưa phải là thế mạnh với hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ,
cơ sở dữ liệu đã được số hóa về di sản còn mỏng.
Từ chính sách đến thực
tế là một “chặng đường” rất dài, không phải địa phương nào cũng đủ nguồn
lực, và một rào cản khá lớn là thiếu nguồn nhân lực có trình độ công
nghệ, thật sự hiểu rõ và nhanh nhạy trong cập nhật các xu hướng công
nghệ mới... Hơn nữa, để hoàn thành việc phục dựng một di tích bằng công
nghệ VR đòi hỏi các cứ liệu khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật kiến
trúc... phải chính xác, tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đây
là cơ hội để tìm tòi, phát triển một sản phẩm văn hóa có giá trị, nhưng
cũng là thách thức bởi đòi hỏi trình độ, thời gian, công sức và sự đam
mê rất lớn. Chưa kể, kinh phí để phục vụ cho một dự án có thể kéo dài
đến hàng chục năm là không hề nhỏ.
Với rất nhiều khó khăn nhưng những thành công bước đầu đã chứng minh
việc sử dụng công nghệ VR tái hiện di sản lịch sử hay các danh lam thắng
cảnh là hướng đi đúng đắn. Công nghệ dù “ảo” nhưng có thể mang đến
những giá trị “thật”, thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ quá
khứ đến hiện đại, được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy ngành “công nghiệp
không khói”, mang về nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách quốc
gia. Vì thế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ VR
là rất cần thiết và cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học,
có sự phối hợp linh hoạt giữa các địa phương, bộ, ngành liên quan.
Đầu
tiên là giải bài toán đầu tư kinh phí cho ứng dụng để công nghệ phát
triển, cập nhật liên tục. Theo đó, Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công
nghệ lõi mang tính xương sống, cơ bản để doanh nghiệp, xã hội, địa
phương có thể dựa trên đó hoàn thiện, đồng bộ và phát triển cơ sở hạ
tầng công nghệ; ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện
xã hội hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghệ...
Song song với
đó, đầu tư phát triển nguồn lực con người cũng là yếu tố then chốt. Bên
cạnh một đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa,
kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng
nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ, từ đó có
sự phối hợp hiệu quả.
Đồng thời, cần đẩy nhanh công tác số hóa cơ sở dữ
liệu của các di sản, tạo một hệ thống dữ liệu dày dặn, chính xác, khoa
học nhằm rút ngắn thời gian thu thập dữ liệu của các dự án ứng dụng công
nghệ VR tái hiện di sản.