Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 12/8/2016 9:11'(GMT+7)

Đâu là thực tế tự do tôn giáo ở Việt Nam?

Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560. Ảnh: Văn Sơn/TTXVN

Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560. Ảnh: Văn Sơn/TTXVN

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/8/2016 lại công bố báo cáo hàng năm về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, tự cho mình quyền phán xét nhiều vấn đề thuộc công việc nội bộ của nước khác. Trong phần đánh giá về Việt Nam, mặc dù đã có cái nhìn khá tích cực về những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong việc đảm bảo đời sống tự do, tôn giáo tín ngưỡng, báo cáo vẫn còn nhiều nội dung thể hiện tư duy lối mòn, cách nhìn phiến diện và thiếu thiện chí.

Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải thừa nhận những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng như công bố bản dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo để lấy ý kiến của người dân. Báo cáo cũng ghi nhận ý kiến của hầu hết những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cho rằng tự do tôn giáo đang được mở rộng ở Việt Nam và chính phủ ngày càng công nhận rộng rãi các tổ chức tôn giáo.

Tuy nhiên, báo cáo vẫn tiếp tục vu cáo Việt Nam đối xử bạo lực, giam giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại, từ chối đăng ký hoặc cấp phép cho một số nhóm tôn giáo; cản trở hoạt động của các nhóm tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế... Báo cáo cũng cho rằng các quy định về quản lý tôn giáo của Việt Nam cho phép hạn chế tự do tôn giáo và nhà chức trách Việt Nam tiếp tục cản trở hoạt động của các nhóm tôn giáo không đăng ký…

Những thông tin mà báo cáo đề cập không có gì mới, vẫn là những đánh giá chủ quan và phiến diện. Thực tế đời sống tôn giáo sinh động và tính thượng tôn pháp luật trong bảo vệ các quyền con người tại Việt Nam là sự phủ nhận mạnh mẽ nhất những luận điệu đó.

Trước tiên, có thể khẳng định rằng tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam được thể hiện qua dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và bổ sung các nội dung cơ bản, phù hợp với thực tiễn. Dự luật ghi nhận và cụ thể hoá chủ thể của quyền tín ngưỡng - tôn giáo là “mọi người” chứ không chỉ là “công dân”, đồng thời khẳng định rõ quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào của cá nhân; không ai được xâm phạm tới quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghiêm cấm ép buộc theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm hại tới Nhà nước, công dân và quyền của tổ chức tôn giáo.

So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, dự luật lần này thể hiện tinh thần cởi mở, thông thoáng của Nhà nước Việt Nam trong cách ứng xử với các tôn giáo. Đó là minh chứng sống động, thuyết phục, phản bác các quan điểm sai trái vu cáo Nhà nước Việt Nam “o ép” hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; ra luật để “siết” quyền tự do tôn giáo…

Thứ hai, đó là quyền được tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, tham gia các sinh hoạt tôn giáo của những người có tôn giáo đặc biệt được tôn trọng và bảo đảm. Thực tiễn cho thấy các hoạt động lễ hội thường niên của nhiều tôn giáo như lễ Noel của Công giáo, lễ Phật đản của Phật giáo, và hàng loạt lễ hội của các tôn giáo khác đều diễn ra long trọng với sự tham gia của hàng trăm nghìn tín đồ. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo không chỉ được xem là nhu cầu tâm linh của những người có đạo được pháp luật bảo vệ và bằng chính sách, thực tiễn của Nhà nước trong việc tôn trọng, thực thi, mà còn được xem là nhu cầu sinh hoạt văn hoá của toàn thể nhân dân. Một số lễ hội tôn giáo lớn đã trở thành ngày hội chung của đông đảo nhân dân, thể hiện đạo-đời hòa hợp, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo trong những năm qua diễn ra hết sức sôi động với nhiều đoàn của các tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam và nhiều đoàn của các tổ chức tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo ở trong nước cũng được tạo điều kiện tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như Đại lễ Vesak, Đại hội Hội đồng Giám mục các nước châu Á,…

Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có sự dung hoà giữa các tôn giáo lớn trong lòng dân tộc như Việt Nam. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận 39 tổ chức thuộc 14 tôn giáo, với khoảng 24,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, gần 53.000 chức sắc, 133.700 chức việc, 27.900 cơ sở thờ tự. Các tổ chức tôn giáo là một kênh quan trọng góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống. Các tôn giáo tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng chính quyền các cấp; nhiều chức sắc tôn giáo có uy tín đã được bầu vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Điều này khẳng định rõ chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được đồng bào có đạo và không có đạo hưởng ứng. Nhà nước Việt Nam chỉ trừng trị những cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật, lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng và Nhà nước, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vì thế, Bộ Ngoại giao Mỹ cần có cái nhìn khách quan hơn, dựa trên thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo sinh động đang diễn ra ở Việt Nam, để có những nhận định, đánh giá đúng sự thật và phù hợp với xu thế phát triển ngày càng tốt đẹp của quan hệ hai nước.

Hồ Phương (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất