Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Chủ Nhật, 7/8/2016 15:5'(GMT+7)

Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam

Đoàn đến thăm và tặng quà cho gia đình nạn nhân Phạm Thị Quỳnh Trang, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang

Đoàn đến thăm và tặng quà cho gia đình nạn nhân Phạm Thị Quỳnh Trang, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang

Cách đây 55 năm, đế quốc Mỹ lần đầu tiên sử dụng loại vũ khí hóa học được ngụy trang dưới dạng “chất khai quang” rải xuống chiến trường miền Nam. Chỉ trong 10 năm (1961-1971), Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học 61% là chất độc da cam, trong đó có 366 kg chất dioxin xuống gần 26 nghìn thôn, bản, bằng ¼ tổng diện tích của miền Nam Việt Nam. Từ đó, gây ra thảm họa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang phải vật lộn với những di chứng và các bệnh tật hiểm nghèo. Tại Việt Nam, chất độc hóa học nguy hiểm này hiện đã lây nhiễm sang thế hệ thệ thứ 3. 

Gần 1.000 người đạp xe vì nạn nhân da cam 


Ngày 7/8, tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, gần 1.000 tình nguyện viên là cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận tham gia Chương trình đạp xe “Vì nạn nhân da cam” lần 2. 

Đoàn xe đạp xuất phát từ Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, qua các tuyến phố Lê Đức Thọ-Hồ Tùng Mậu-Phạm Hùng-Đại lộ Thăng Long-Lê Quang Đạo và đích cuối là Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. 

Đây là hoạt động do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục và Truyền thông Việt Nam (InCom Media) tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, theo tinh thần Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. 

Tại sự kiện, Thạc sĩ Phạm Văn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Giáo dục và Truyền thông Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức chương trình chia sẻ với những khó khăn và gửi lời động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân da cam tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm InCom Media tổ chức từ 4-6 chương trình từ thiện lớn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong, ngoài nước về thảm họa da cam ở Việt Nam; huy động sự ủng hộ, giúp đỡ và hỗ trợ cuộc đấu tranh công lý cho nạn nhân da cam. Công ty cũng mong muốn những hoạt động của mình góp phần hình thành phong trào quốc tế lên án chiến tranh; ngăn chặn việc sản xuất, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt; bảo vệ hòa bình; bảo đảm quyền sống của con người. 

Nối tiếp thành công của Chương trình ca nhạc “Vì Nạn nhân da cam” lần 1 diễn ra ngày 13/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chương trình đạp xe “Vì nạn nhân da cam” lần 1 ngày 28/5 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, InCom Media sẽ tổ chức Gala “Trao yêu thương-Vì nạn nhân da cam” tối 13/8. Gala có sự tham gia, biểu diễn của đông đảo ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như: Phương Thanh, Tuấn Hưng, Thu Minh, Quang Dũng, Anh Thơ, Minh Quân, Neo Phước Thịnh, Kyo York.... Bên cạnh việc thăm, tặng quà cho nạn nhân da cam, đạp xe “Vì nạn nhân da cam” lần 2 là một trong các hoạt động của Gala từ thiện này. 

Xoa dịu nỗi đau bằng tình thương yêu 


Trong 2 năm trở lại đây, ngoài việc chăm sóc, phục hồi chức năng và thực hiện các chế độ chính sách cho các thương binh nặng bị tâm thần, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (huyện Nho Quan, Ninh Bình) còn được bổ sung thêm chức năng và nhiệm vụ chăm sóc cho con em các thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn. Công việc mới với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, thương yêu người bệnh của cán bộ, nhân viên trong trung tâm, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, là địa chỉ tin cậy trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho con em các thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. 

Năm 2014, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đưa khu vực nuôi dưỡng điều trị cho đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ vào hoạt động và thành lập Khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin. Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin là chị Nguyễn Thị Thủy, người có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Trung tâm. Chị Thủy cho biết: Khi mới thành lập khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin, các cán bộ, bác sỹ tại khoa gặp rất nhiều khó khăn. Do khoa mới được thành lập nhưng không được bổ sung thêm biên chế nên lãnh đạo trung tâm đã lựa chọn các bác sỹ, điều dưỡng có kinh nghiệm lâu năm tại các khoa khác biên chế về khoa. Các cán bộ điều dưỡng, bác sỹ, trong khoa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, trau dồi kiến thức để chăm sóc chữa trị cho người bệnh. 

Hiện nay, Khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin có 10 cán bộ, nhân viên. Mặc dù nhân lực còn hạn hẹp, nhưng tại khoa luôn có trên dưới 20 đối tượng là con em các thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc hóa học được nuôi dưỡng. Trong đó đa phần là các bệnh nhân tâm thần các loại, động kinh tâm thần, liệt do tổn thương não, thiểu năng trí tuệ... 

Chứng kiến công việc hàng ngày của các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên của khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin, chúng tôi rất xúc động. Họ ân cần chăm sóc người bệnh như chăm sóc chính những người thân trong gia đình mình. Từ việc ăn uống đến giặt giũ, vệ sinh cá nhân... các bệnh nhân đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của bác sỹ, điều dưỡng viên. Những bệnh nhân ở khoa đến từ nhiều địa phương của tỉnh Ninh Bình, mỗi người một hoàn cảnh, một sức khỏe khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là đang phải gánh chịu nỗi đau tột cùng của bệnh tật. 

Anh Đặng Hà, một điều dưỡng viên của khoa tâm sự, mặc dù là đàn ông nhưng anh đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến những cơn đau dồn dập ập đến với bệnh nhân. Nhiều lần anh vừa lau nước mắt vừa chăm sóc bệnh nhân. Bằng tình thương, trách nhiệm, y đức, anh Hà đã nỗ lực học hỏi, tìm hiểu tâm lý người bệnh để cùng đồng nghiệp có phương pháp chăm sóc cụ thể cho từng người bệnh. Đến nay, sau 2 năm thành lập, mọi hoạt động của khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin đã đi vào nề nếp. Từ việc tìm hiểu, khảo sát đối tượng đến xây dựng các biểu mẫu hồ sơ tiếp nhận đối tượng và đưa đón bệnh nhân đều được thực hiện theo quy định đề ra. 

Ông Lâm Quang Đạo, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết: Ban lãnh đạo trung tâm luôn động viên các bác sỹ, nhân viên của khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin nỗ lực vượt qua khó khăn để chăm sóc tốt nhất cho các đối tượng chính sách. Với phương châm điều trị tại chỗ là chính, phát hiện và xử lý sớm, có hiệu quả các trường hợp rối loạn, kích động, những di chứng và bệnh nội khoa mới phát sinh, các bác sỹ, điều dưỡng của khoa đã điều trị đúng y lệnh, đúng người, đúng bệnh, đảm bảo đúng nguyên tắc, an toàn trong công tác điều trị, hồ sơ bệnh án được ghi chép đầy đủ. 

Mặc dù khoa mới được thành lập, nhưng ban lãnh đạo trung tâm rất tin tưởng vào năng lực của cán bộ, nhân viên. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng tại khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin; tích cực tuyên truyền, vận động và xã hội hóa để hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng đang được điều trị. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ huy động nguồn lực để nâng cấp, mở rộng, trang bị cơ sở vật chất để khoa có thể điều trị nội trú cho khoảng 50 đối tượng và điều trị ngoại trú cho 150 đối tượng. 

Công việc còn nhiều khó khăn nhưng với ý thức trách nhiệm và tình yêu thương, tin tưởng rằng các cán bộ, bác sỹ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan nói chung, khoa Chăm sóc các đối tượng và con em chiến sỹ nhiễm chất độc da cam/dioxin, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vẫn còn nỗi đau cho nhiều số phận 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vẫn còn đó nỗi đau cho những số phận bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin, với bao gia đình cùng nhiều thế hệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. 

Trở về sau những năm kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường miền Trung, thương binh hạng 4/4 Ngô Quang Hân, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất không hề hay biết cơ thể mình đã nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Mãi đến khi lập gia đình và sinh con, ông và vợ mới chứng kiến cảnh vô cùng đau đớn khi 2 đứa con trai lần lượt ra đời đều bị dị tật bẩm sinh, do hậu quả hội chứng chất độc da cam từ ông chuyển sang. Nén chặt nỗi đau trong suốt 30 năm qua, hàng ngày vợ chồng ông Hân đã làm tròn nghĩa vụ bậc làm cha, làm mẹ với 2 người con của mình. Ông Ngô Quang Hân cho biết, sau khi biết mình đã nhiễm chất độc da cam/Dioxin thì cũng tự biết an ủi mình để vượt qua nỗi đau ra sức lao động có cái ăn, cái mặc để còn lo cho con. Còn bà Bùi Thị Châu, vợ của ông Hân cũng không nén được nỗi đau khi nhìn 2 con mà đau đứt ruột, nhất là khi trái gió trở trời nhìn các con đau đớn bà chỉ biết khóc. Bà cầu mong cho các con được mạnh khỏe, bản thân khỏe mạnh để còn chăm sóc cho 2 con. 

Không chỉ riêng gia đình cựu chiến binh Ngô Quang Hân, nỗi đau da cam còn gắn với hàng chục ngàn người, trong đó có nhiều gia đình cả vợ và chồng không đi chiến đấu ở chiến trường nhưng ở trong vùng chiến cũng cùng chịu cảnh ngộ đau lòng. Bởi chất độc này đã ngấm vào đất, vào nước ở nhiều nơi và gieo rắc nỗi đau cho nhiều gia đình... 

Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Kiên Giang, hiện cả tỉnh có khoảng 5.000 người bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Đa số những gia đình nhiễm chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn. Có những gia đình có 3-4 người con bị tâm thần phải có người lớn chăm sóc. Trong số này, cũng được các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ tích cực nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống của họ. 

Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, bằng nguồn vận động, hỗ trợ của Trung ương Hội và nguồn tích lũy của quỹ Hội, Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Kiên Giang đã thực hiện tốt công tác chăm lo, trợ giúp các gia đình nạn nhân chất đọc da cam, như tặng quà Tết và “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam”; trợ cấp học bổng học sinh người khuyết tật vượt khó trong học tập; trợ cấp khó khăn, chữa bệnh; tặng xe lăn… tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Năm 2015, trong công tác phối hợp với các đoàn thể chính tri-xã hội thành viên, Hội Cựu chiến binh đã hỗ trợ cất 4 căn nhà cho các đối tượng nạn nhân chất độc da cam, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. 

Theo bà Trần Thu Vân, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Kiên Giang, để tiếp tục chăm lo cho đối tượng nhiễm chất độc da cam/Dioxin được tốt hơn nữa, nhân kỷ niệm 55 thảm họa da cam, Hội sẽ tổ chức đi thăm và tặng quà các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng. 

Bên cạnh đó, Hội sẽ tổ chức kỷ niệm nhân 55 thảm họa da cam. Tại đây, sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để cất mới nhà, mỗi căn nhà trị giá 35 triệu đồng; hỗ trợ học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật nghèo có tinh thần vượt khó, vươn lên trong học tập năm học 2015-2016 và 2016-2017; hỗ trợ điều trị bệnh những nạn nhân chất độc da cam đặc biệt khó khăn; hỗ trợ vốn vay (không tính lãi) cho những hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, giúp những đối tượng này làm kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống...

Nha Trang tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam 

Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang có hơn 1.000 nạn nhân da cam, trong đó có 80% gia đình có 2 nạn nhân. Những năm qua, các cấp hội nạn nhân da cam của thành phố đã tích cực hướng dẫn nhiều trường hợp làm thủ tục hồ sơ hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước; vận động mỗi năm được gần 30 triệu đồng giúp các gia đình khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở; tặng quà, hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân vào các dịp lễ, Tết...

Nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016), ngày 5-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và TP. Nha Trang đã tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và đến thăm, tặng quà cho 5 gia đình nạn nhân da cam tiêu biểu trên địa bàn TP. Nha Trang, gồm: Trần Hồng Việt (phường Phước Hòa), Nguyễn Trường Việt (xã Phước Đồng), Đỗ Thị Thanh Phương (phường Phước Long), Nguyễn Xuân Khánh và Phạm Thị Quỳnh Trang (phường Vĩnh Hải). Tại những nơi đến thăm, đoàn ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống và động viên các gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Nhân dịp này, đoàn đã trao tặng cho mỗi gia đình nạn nhân một suất quà trị giá hơn 500.000 đồng.

Cùng ngày, Khối thi đua các tổ chức xã hội II do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh làm trưởng khối đến thăm, tặng quà trị giá 4 triệu đồng cho gia đình bà Trần Thị Thẩm (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) - nạn nhân chất độc da cam... Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang có thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn vươn lên trong cuộc sống...

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất