Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 10/8/2016 21:4'(GMT+7)

Tăng cường biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thói quen ngủ qua đêm trên nương rẫy của người dân Tây nguyên là một nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng

Thói quen ngủ qua đêm trên nương rẫy của người dân Tây nguyên là một nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng

Sốt xuất huyết dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue (dengue fever, DF, đọc là đăng-gi) , tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết, có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue (dengue shock syndrome, DSS) được gây ra do Dengue virus (chi Flavivirus, họ Flaviviridae). Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. Sốt dengue và sốt xuất huyết dengue chủ yếu là bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiễm virus dengue gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện nhưmột hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong.
 
Có thể nói dengue là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế. Trên toàn thế giới có khoảng 2,5 tỷ người hiện đang sống trong vùng có lưu hành bệnh. Sự lan tràn về mặt địa lý của cả véc tơ truyền bệnh (muỗi) và virus đã đưa đến sự tăng cao tỷ lệ bệnh trong vòng 25 năm qua cũng như khả năng xuất hiện dịch do nhiều chủng huyết thanh khác nhau ở các đô thị trong vùng nhiệt đới.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang lan rộng, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, công điện của Thủ tướng ngày 7-8 về chống dịch sốt xuất huyết đã nhấn mạnh:

- Y
êu cầu UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở ban ngành và vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt là tại các công trường xây dựng, các dụng cụ chứa nước, khu dân cư.

- Người dân có biểu hiện bệnh phải đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Sở Y tế tổ chức xử lý sớm ổ dịch, phát hiện sớm bệnh nhân và cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

- Chủ tịch tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nhiệm vụ chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

*Ngày 10/8, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị bàn biện pháp tăng cường công tác phòng, chống nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông, so với cùng kỳ năm 2015, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng cao trên cả hai mặt, số ca mắc bệnh và phạm vi lây lan dịch bệnh. Tính đến ngày 7/8/2016, toàn tỉnh có gần 1.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 43 ổ dịch tại 61/71 xã thuộc 8/8 huyện, thị xã; tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng lên gần 250 ca/100.000 dân. So với cùng kỳ năm ngoái đã tăng hơn 1.200 ca, 35 xã có dịch sốt xuất huyết và 34 ổ dịch. 

Cũng theo Sở Y tế Đắk Nông, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết mới vẫn tiếp tục tăng cao và diễn biến hết sức phức tạp. Tại một số địa phương có ổ dịch sốt xuất huyết vẫn còn lưu hành thường xuyên của véc tơ truyền bệnh và đang vượt ngưỡng cảnh báo. Vì vậy, nguy cơ sốt xuất huyết lan rộng trong cộng đồng và bùng phát thành dịch là rất lớn. 

Hội nghị đã chỉ ra nguyên nhân và hạn chế trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết thời gian qua, đồng thời đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, kiềm chế lây lan, bùng phát dịch sốt xuất huyết trên phạm vi rộng. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông, huy động cộng đồng tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tập trung giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc sốt xuất huyết, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ổ dịch; vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành nhằm khống chế, kiểm soát tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, hạn chế không để dịch lớn xảy ra, giảm thiểu tối đa các trường hợp sốt xuất huyết nặng và tử vong. 

*Chiều 10/8, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang bắt đầu gia tăng và có dấu hiệu sẽ tiếp tục gia tăng theo mùa trong thời gian tới. 

Cụ thể, từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 256 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 20% so với các tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 9.301 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 54% so với cùng kỳ 2015; trong đó có 2 ca tử vong. Một số quận, huyện có số ca mắc bắt đầu gia tăng đáng báo động so với thời điểm đầu tháng trước như: Quận 7, 9, Tân Bình, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Củ Chi và Hóc Môn. 

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn bắt đầu gia tăng và khả năng sẽ diễn biến phức tạp do Thành phố đang vào giữa mùa mưa là điều kiện thời tiết thuận lợi cho loăng quăng và muỗi sinh sôi, phát triển. Trước đó, từ tháng 1-5/2016 số ca mắc sốt xuất huyết đều tăng cao so với cùng kỳ 2015, tuy nhiên trong hai tháng 6 và 7/2016 thì số ca mắc lại giảm so với cùng kỳ và số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tháng 7 đã giảm 13%. Tại khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, số ca nhập viện cũng bắt đầu gia tăng, nhiều bệnh nhi phải nằm dọc các hành lang hoặc phải nằm ghép giường. Nhiều trường hợp bệnh nhân nặng cũng được chuyển lên từ các tỉnh, thành khác để điều trị. 

Hiện tại, ngành y tế Thành phố đang triển khai giám sát trọng điểm dịch bệnh sốt xuất huyết ở 8 quận huyện và tập trung ở các điểm có nguy cơ cao về sốt xuất huyết. Tính đến hết tháng 7/2016, có 80% điểm nguy cơ về sốt xuất huyết đang được giám sát; trong đó có 31% điểm nguy cơ có loăng quăng. 

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nguyên, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố khuyến cáo người dân cần phối hợp với ngành y tế nhằm chung tay phòng chống dịch hiệu quả. Cụ thể, dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch loăng quăng ở trong và ngoài nhà. Người dân tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay. Các hộ gia đình cần hợp tác với chính quyền, ngành y tế để phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt loăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương… 

* Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ngành và chính quyền địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Cụ thể ngành y tế tiếp tục tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch trong hệ thống trường học ngay đầu năm học mới 2016-2017; huy động học sinh kiểm tra dụng cụ chứa nước trong gia đình, trường học và thực hiện diệt bọ gậy tại hộ gia đình, cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế tỉnh. 

Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh từ ngày 28/7 đến ngày 3/8 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 66 ca mắc sốt xuất huyết; đưa tổng số ca nhiễm bệnh từ đầu năm đến nay lên 3.081 ca. Trong đó, các địa phương có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là: Quy Nhơn 850 ca; An Nhơn 474 ca; Phù Cát 375 ca; Tây Sơn 343 ca; Tuy Phước 314 ca và Phù Mỹ 303 ca… Hiện nay, các bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện đang điều trị cho 11 ca sốt xuất huyết; trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh có 4 ca, Bệnh viện đa khoa Bồng Sơn 5 ca và Trung tâm y tế Quy Nhơn có 2 ca. Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết có tính đột biến (7 tháng đầu năm 2016 tăng 11,4 lần so với cùng kỳ năm 2015) nhưng trên địa bàn tỉnh đến nay chỉ có 1 trường hợp tử vong.

* Kon Tum: Chiều 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Trần Thị Nga đã yêu cầu các địa phương và ngành y tế cần chú trọng công tác diệt loăng quăng, bọ gậy tại các khu vực có ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch; thành lập các đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết tại thôn, làng; tăng cường công tác truyền thông, huy động các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tham gia công tác phòng dịch.
 
Đến nay, dịch sốt xuất huyết đã lan rộng trên địa bàn 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum. Toàn tỉnh đã có gần 1.800 người mắc sốt xuất huyết trong đó có 1 người tử vong. Riêng địa bàn thành phố Kon Tum có 410 bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Kon Tum hiện đang là một trong những tỉnh có số người mắc sốt xuất huyết cao trong cả nước hiện nay...


 
TG tổng hợp



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất