Sáng 9/7, Chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai
nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy
viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban
Chỉ đạo nhấn mạnh đến việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên
toàn vùng, yêu cầu không được mất cảnh giác, tập trung đấu tranh với các
hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông,” đạo lạ Dương Văn Mình...
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đấu tranh với các hoạt động buôn
bán người, ma túy qua biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại, ưu tiên
xuất khẩu, bảo đảm chặt chẽ khâu nhập khẩu, không để hàng kém phẩm chất,
hàng giả vào nội địa.
Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, 6
tháng qua, kinh tế trên địa bàn phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GDP
ước đạt 7,75% (chưa tính các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa),
thu ngân sách tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xúc tiến
đầu tư được triển khai có hiệu quả, tạo động lực phát triển của từng địa
phương. Sản xuất nông, lâm nghiệp trong vùng phát triển ổn định trên
tất cả các tiểu ngành.
Các địa phương trong vùng đã tích cực triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, từng bước chuyển hướng từ quy mô, số lượng sang chất lượng,
hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; các
chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình,
chăm sóc bảo vệ bà mẹ và trẻ em được thực hiện có hiệu quả. Việc thay
thế các chất gây nghiện bằng methadone được xã hội ủng hộ, toàn vùng đã
tổ chức cai nghiện bằng nhiều hình thức cho trên 7.800 người.
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới được các địa phương triển khai
tích cực. Đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân trong vùng cơ bản ổn
định. Các địa phương tích cực triển khai chương trình, dự án liên quan
đến công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, nhất là vùng sâu, vùng
xa; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn miền núi được gắn với xây
dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách dân tộc và an sinh xã hội.
Hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tiếp tục được hỗ trợ đất
ở, đất sản xuất; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư...
Vùng Tây Bắc hiện có hơn 30 dự án thủy điện phải di chuyển dân, các địa
phương đã tổ chức di chuyển 58.337/59.937 hộ (đạt 97%), công tác bồi
thường và hỗ trợ tái định cư cơ bản đã hoàn thành. Sau khi di chuyển đến
nơi ở mới, đời sống nhân dân tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung
tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, được
cung cấp điện, nuớc sinh hoạt, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được
đi học, công trình hạ tầng kinh tế-xã hội bước đầu đã đáp ứng được nhu
cầu của nhân dân.
Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng cho biết tình hình tôn giáo vùng
Tây Bắc từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định theo hướng tuân thủ pháp luật
và hiến chương của các giáo hội. Các tôn giáo tổ chức nhiều hoạt động
từ thiện, xã hội, giúp người có hoàn cảnh khó khăn; lễ trọng của các tôn
giáo được tổ chức trang nghiêm, phù hợp với truyền thống, đường hướng
hành đạo của từng tôn giáo.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, các địa phương trong vùng đã triển khai
có hiệu quả kế hoạch về bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh huấn luyện,
chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, các quy định về xuất, nhập
cảnh được thực hiện nghiêm túc. Lực lượng vũ trang trong vùng tăng cường
công tác phối hợp, chủ động nắm tình hình nội và ngoại biên, làm tốt
công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đảm bảo an sinh xã hội vùng Tây Bắc, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước cho hay trong chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có
rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và giải quyết khó khăn
hiện nay của đồng bào nơi đây. Số dư nợ gần 23.000 tỷ đồng của riêng
Ngân hàng chính sách xã hội và tổng số khoảng 156.700 tỷ đồng tín dụng
cho vùng Tây Bắc là những con số tăng trưởng khá cao so với con số bình
quân của cả nước. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện cơ chế chính
sách như giảm lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ, tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của vùng Tây Bắc có
điều kiện, có nguồn vốn, thuận lợi về thời hạn cũng như điều kiện vay
vốn, ngành ngân hàng cũng đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn có tính
chất lan tỏa trong khu vực. Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm chương
trình cho vay liên kết các vùng kinh tế, liên kết chuỗi giá trị sản
phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh
vực nông nghiệp nông thôn.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo chủ
động chuẩn bị kế hoạch hoạt động của vùng Tây Bắc 6 tháng cuối năm. Phó
Thủ tướng ghi nhận mặc dù điều kiện khách quan có nhiều khó khăn nhưng
14 tỉnh trong vùng vẫn giữ được ổn định, có nhiều mặt phát triển tốt,
nhất là xóa đói giảm nghèo, an ninh, an toàn xã hội, xuất hiện nhiều mô
hình tốt về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.
Nhấn mạnh về một số phương hướng lớn, Phó Thủ tướng lưu ý hiện nay, các
địa phương đang tiến hành đại hội Đảng các cấp theo tinh thần Chỉ thị số
36-CT/TW và các kết luận của Trung ương, các tỉnh cần bám vào để triển
khai tốt hơn. Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương lập kế hoạch trung
hạn đều phải xem xét kỹ danh mục công trình đưa vào trong thời gian tới,
các bộ ngành cần có sự quan tâm đặc biệt đến các tỉnh trong vùng.
Nhấn mạnh đến vấn đề xóa đói giảm nghèo trong toàn vùng mặc dù đã có
nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ đói nghèo còn cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các
tỉnh phải có cách làm tập trung hơn, nhân rộng các mô hình kinh tế nông
nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt, các
cấp ủy, chính quyền không được để dân thiếu đói, đứt bữa. Các tỉnh khó
khăn về lương thực báo cáo kịp thời về Trung ương để tập trung giải
quyết, Bí thư, Chủ tịch xã nào để dân đói phải xử lý, kiểm điểm nghiêm
túc do bệnh thành tích, quan liêu.
Cho rằng mức tín dụng chung cho các dự án phát triển còn thấp, nguyên
nhân là do tính khả thi của dự án còn nhiều vấn đề, Phó Thủ tướng đề
nghị các tỉnh xúc tiến đầu tư tốt hơn, tìm dự án khả thi để xúc tiến đầu
tư mạnh mẽ hơn, các tỉnh chưa tổ chức xúc tiến phải tìm dự án để phát
triển.
Nêu rõ giáo dục dân trí, dạy nghề là nguồn gốc của sự phát triển, Phó
Thủ tướng đề nghị các địa phương chú trọng xây dựng các trường bán trú
dân nuôi, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người dân trong vùng./.
Theo VN+