Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 28/10/2011 20:37'(GMT+7)

Đầu tư hiệu quả cho nông nghiệp, nông thôn

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (đoàn Bắc Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Huy động nguồn lực toàn xã hội

Những năm gần đây, Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân nông thôn năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, Chính phủ đã chi đến 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2011, đã chi cho nông nghiệp nông thôn cao gấp 2,21 lần so với năm 2008, vì vậy đã giải quyết được nhiều vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quốc Cường (đoàn Bắc Giang): Xét về mặt xã hội chúng ta thấy tổng mức đầu tư của các nguồn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn không những không tăng mà có chiều hướng giảm đi. Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống còn 6,45%, năm 2010 và năm nay chỉ còn khoảng hơn 6%. Trong khi ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP khoảng 20%, nhưng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có hơn 6% là điều bất hợp lý. Các nguồn vốn trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp nông thôn có thể nói không đáng kể; các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vừa ít về số lượng doanh nghiệp, vừa ít về số vốn.

Đai biểu Cường nhấn mạnh: “Nếu tình trạng này tiếp diễn thì Chính phủ có tăng tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp nông thôn cao hơn nữa, có thể lên đến 60%, 70% trong tổng vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách vẫn không đáp ứng được những nhu cầu rất lớn của nông nghiệp và nông thôn. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng nguồn đầu tư xã hội cho nông nghiệp nông thôn, công cụ và phương tiện hữu hiệu nhất có lẽ vẫn chỉ là cơ chế chính sách và việc quản lý điều hành của Nhà nước. Cơ chế chính sách làm sao phải tạo ra được sự hấp dẫn thực sự, để thu hút sự hỗ trợ, những ưu đãi, những điều kiện thuận lợi để khi các doanh nghiệp nhìn vào và so sánh thấy có lợi, từ đó đầu tư. Như vậy, mức độ hăng hái tích cực đầu tư vào nông thôn sẽ tỷ lệ thuận với mức độ ưu đãi của chính sách Nhà nước.

Ủng hộ ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (đoàn Hưng Yên) kiến nghị: Hiện nay, chúng ta đang xây dựng chương trình nông thôn mới, đây là chương trình rất lớn, không phải một sớm, một chiều hoàn thành được. Do vậy, Chính phủ cần rà soát lại các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng, từng miền; có cơ chế hỗ trợ rõ ràng để các địa phương và người dân nắm được khi thực hiện chương trình nông thôn mới được Nhà nước hỗ trợ những gì, phần nào địa phương và nhân dân phải làm; nghiên cứu để có hỗ trợ cho lực lượng cán bộ cơ sở từ thôn, bản cho đến các xã, thị trấn thì họ mới an tâm công tác.

Giải quyết những bất cập trong sản xuất nông nghiệp

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (đoàn Bình Phước) phân tích sâu vào vấn đề bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sản lượng nông sản xuất khẩu rất lớn, các nhóm sản phẩm như gạo, cà phê, cao su, hạt điều luôn dẫn đầu thế giới. Năm 2010, xuất khẩu cao su đạt trên 2,1 tỷ USD, cà phê đạt trên 1,7 tỷ USD, nhân hạt điều đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh nhiều vụ tiêu cực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Lệ kiến nghị: Chính phủ cần có quy định cụ thể, chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc, xử lý tận gốc tình trạng sản xuất hàng hóa kém chất lượng, tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận trong sản xuất thương mại vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước. Hiện nay, mức xử phạt cho các loại vi phạm này rất thấp không tương xứng với lợi nhuận nên không đủ sức răn đe. Để đẩy mạnh xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, thủy sản Việt Nam, Chính phủ nên nghiên cứu, giao cho địa phương hoặc các hiệp hội ngành, nghề có quyền quản lý và trách nhiệm về sản phẩm thương hiệu của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, muốn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khuyến khích xuất khẩu trong sản xuất nông nghiệp, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương quan tâm đề xuất các chính sách cụ thể cho nông dân và nông thôn vùng trồng lúa nhằm giữ cho được mục tiêu 3,8 triệu ha lúa. Có thế mới giữ vững được ổn định, an ninh lương thực quốc gia và tạo sự yên tâm, phấn khởi cho người trồng lúa. Đối với sản xuất công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm hơn đến việc đầu tư nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, nhất là lúa gạo, cá tra và cá quả.

Xuân Dũng/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất