Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 22/10/2011 22:45'(GMT+7)

Triển khai Đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước

  Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1914/QĐ-TTg ngày 19/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, soạn thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước” để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của Đề án là đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực sự của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; làm cho nền kinh tế nước ta trở thành nền kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế; tăng hiệu quả các chính sách công; cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư và khuyến khích đầu tư từ bên ngoài; giảm rủi ro cho hệ thống tài chính quốc gia; góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, phân bổ lại nguồn nhân lực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
DNNN có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bình ổn kinh tế vĩ mô, là lực lượng chủ lực trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ quốc phòng an ninh quốc gia; đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của khu vực DNNN chưa tương xứng với quy mô vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa được xử lý triệt để. Tổ chức quản lý và cơ chế hoạt động của DNNN còn những bất cập, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội chưa theo một cơ chế rõ ràng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước, đến cuối năm 2010 có 1207 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên. Số lượng DNNN cổ phần ước tính gần 1900 doanh nghiệp.
Về vốn kinh doanh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến đầu năm 2010, các DNNN quản lý vốn kinh doanh là 3.273.947 tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước. Về quy mô doanh nghiệp, đến năm 2011, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có tổng giá trị tài sản khoảng 1500 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 572 tỷ đồng. Doanh thu của toàn bộ DNNN tăng bình quân 15,3% mặc dù số lượng DNNN giảm, tạo ra trên 25% doanh thu thuần của cả khu vực doanh nghiệp Việt Nam 2009. Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DNNN tăng trung bình 15-18%. Số lượng DNNN nhà nước thua lỗ giảm sau nhiều năm sắp xếp, đổi mới. Tỷ lệ DNNN bị lỗ năm 2007 là 12,2%, năm 2008 là 12,8% và năm 2009 là 12,3% thấp hơn so với mức trung bình của doanh nghiệp Việt Nam. Đóng góp của kinh tế nhà nước vào GDP hàng năm theo giá thực tế có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức trên 1/3 từ năm 2001 đến nay. Trong đó, ước tính DNNN tạo ra 27-30% GDP hàng năm. Đầu tư của kinh tế nhà nước nói chung và DNNN nói riêng là một trong những thành phần quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng GDP hàng năm, (đóng góp của đầu tư trong GDP năm 2010 chiếm khoảng 41%, trong đó, đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước chiếm xấp xỉ 46%).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA và chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%.
Những số liệu này cho thấy hiệu quả kinh doanh của DNNN chưa cao và tình hình tài chính của nhiều DNNN chưa đảm bảo yêu cầu an toàn, lành mạnh. Khả năng sinh lời từ vốn nhà nước còn hạn chế. Nhiều DNNN chưa đảm bảo các yêu cầu lành mạnh và an toàn tài chính, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2011, hàng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi của khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN bị lỗ cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cơ chế quản lý đầu tư còn nhiều bất cập đã hạn chế hiệu quả đầu tư hiệu quả của DNNN. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của DNNN chưa tương xứng với quy mô các nguồn lực được đầu tư.
Những nguyên nhân chủ yếu, xuất phát từ đặc thù của DNNN, không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện; bản thân chính sách còn bất cập; kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN cho đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tốt.
Lợi thế chính sách và hỗ trợ của chủ sở hữu nhà nước làm giảm động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cơ chế đánh giá hoạt động của DNNN chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư. Thiếu cơ sở để thống kê, giám sát và đánh giá đầy đủ hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Sự chậm trễ trong cổ phần hóa DNNN quy mô lớn ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của khu vực.
Đề án đã đưa ra các chính sách chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN như đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý DNNN và mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt cần đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ hình thức ưu đãi vào bao cấp đối với DNNN còn tồn tại.
Các đại biểu tham gia buổi họp đều nhất trí với nội dung của Đề án. Tuy nhiên, đại diện một số Bộ, ngành cho ý kiến rằng để đánh giá đúng và chính xác hơn thực trạng của DNNN thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan nghiên cứu và soạn thảo cần tiến hành khảo sát thực tế và đưa ra số liệu chính xác hơn, ngoài số liệu của Tổng cục Thống kê có thể sử dụng số liệu của kiểm toán, của Thanh tra, của các Bộ ngành có DNNN. Về thời điểm lấy số liệu, cần có sự thống nhất theo niên độ báo cáo tài chính.
Đồng ý với ý kiến của các Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, giao Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có những phương pháp nghiên cứu, những nguồn cung cấp số liệu chính xác hơn và phong phú hơn để phản ánh đúng được mọi mặt của DNNN, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục.
Để đảm bảo sự hoàn chỉnh hơn của Đề án, các đại biểu đều nhất trí rằng nên lùi lại thời gian trình Đề án lên Thủ tướng Chính phủ vào khoảng tháng 6 năm 2012./.

Theo Cổng Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất