Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tuần tới, với mong muốn cải thiện quan hệ giữa Washington với Moscow và Bắc Kinh.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Nga “lao dốc không phanh” trong khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy thương chiến.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, cuộc gặp tại Nhật Bản sắp tới sẽ không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin “mặt đối mặt”, bởi cách đây gần một năm, hai bên đã từng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan. Đó là chưa kể tới hai lần gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Việt Nam hồi năm 2017, hay cuộc gặp chớp nhoáng tại Pháp vào đầu tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng nói là cuộc gặp tại Nhật Bản lần này được lên kế hoạch trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremlin từng gặp “hụt” vào cuối năm 2018. Washington và Moscow từng lên kế hoạch cho cuộc gặp Trump-Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào tháng 12-2018. Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã hủy cuộc gặp mà nguyên nhân, theo như lời ông nói, là vì vụ đụng độ trên eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine.
Trên thực tế, không khó để nhận ra rằng vấn đề Ukraine chưa hẳn là lý do để Tổng thống Donald Trump quyết định không gặp người đồng cấp Nga vào phút chót. Tổng thống Donald Trump luôn phải chịu sức ép rất lớn trong nước khi bất cứ cuộc tiếp xúc nào với Tổng thống Vladimir Putin đều bị xem là “bằng chứng cho thấy ông Trump có mối liên hệ với Điện Kremlin”. “Màn thể hiện” của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan từng phải hứng chịu “cơn bão” chỉ trích, cho rằng nó bộc lộ rõ “sự yếu kém của Tổng thống Trump vì sợ phải đối đầu trực tiếp với ông Putin”. Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn còn đó, nên trong mọi động thái liên quan đến Nga, Tổng thống Donald Trump buộc phải tính toán kỹ lưỡng, nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với việc Đảng Cộng hòa của ông mất thế đa số tại hạ viện. Tuy nhiên, giờ đây, cùng với việc Moscow vẫn luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng đối thoại, ông chủ Nhà Trắng chẳng còn gì phải lo ngại về “tình ngay lý gian” nếu muốn “cài đặt lại” quan hệ với Nga bởi ông đã được “minh oan” sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Muller kết luận “không có sự thông đồng” giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với giới chức Nga.
Trong khi đó, cuộc gặp sắp tới tại Nhật Bản cũng không phải là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bởi Mỹ và Trung Quốc đã từng tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh vào năm 2017. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Washington châm ngòi cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cách đây hơn một năm. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào tháng 12-2018 với kết quả là một “thỏa thuận đình chiến thương mại”. Kể từ lần gặp đó, trải qua 11 vòng đàm phán, tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tưởng như đang đi đến hồi kết đã bất ngờ quay lại vạch xuất phát hồi tháng trước sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh “quay lưng” với những cam kết giữa hai bên. Và thế là, quan hệ thương mại Mỹ-Trung lại tiếp tục bị phủ bóng bởi màn “ăn miếng trả miếng”.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi ông chủ Nhà Trắng chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử. Với tình trạng lưỡng viện Quốc hội Mỹ chia rẽ sâu sắc, Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hiện thực hóa những cam kết tranh cử. Thế bế tắc ở Quốc hội buộc ông chủ Nhà Trắng phải hướng vào đối ngoại vốn ảnh hưởng trực tiếp đến những nỗ lực của ông trong việc tìm kiếm một chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ hai, đơn cử như một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc hay tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Còn nhớ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, ông Donald Trump đã nhận được không ít sự ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Thế nhưng, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này, sự ủng hộ của các cử tri ở một số bang quan trọng có lẽ sẽ không còn mạnh mẽ như vậy, bởi nền kinh tế của các bang từng góp phần đáng kể vào chiến thắng của ông Donald Trump năm 2016 cũng đang dần“ngấm đòn” do thương chiến Mỹ-Trung. Việc “ông Thuế quan”-biệt danh tự nhận của Tổng thống Donald Trump-thành công khi buộc Mexico phải nhượng bộ trong vấn đề người di cư vừa qua khiến ông càng thêm tự tin bước vào cuộc gặp sắp tới với Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, qua đó giúp nhà lãnh đạo Mỹ “ghi điểm” với cử tri xứ cờ hoa.
Đối với hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, sau những chuyển biến tích cực, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa lại đang lâm vào bế tắc. Trong bối cảnh ấy, chỉ cần nhìn vào thực tế trong vòng một năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã 4 lần thăm Trung Quốc và có chuyến thăm Nga lần đầu tiên, có lẽ cũng đã đủ để Tổng thống Donald Trump nhận ra được vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh và Moscow đối với hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.
Thực tế đã chứng minh một cuộc gặp không thể giải quyết ngay mọi bất đồng vốn tích tụ trong nhiều năm giữa các cường quốc, song như người xưa quan niệm: Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Các cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản chí ít cũng mang ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực đưa quan hệ Mỹ-Nga hay Mỹ-Trung thoát khỏi tình trạng“rơi tự do” như hiện tại.
Theo QĐND