Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 20/6/2019 11:4'(GMT+7)

Thông điệp từ những bức thư tay

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai (diễn ra tại Hà Nội) ngày 28/2/2019.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai (diễn ra tại Hà Nội) ngày 28/2/2019.

Phát biểu trên của ông Donald Trump cho thấy, bức thư đề ngày 10/6 dường như mang một thông điệp tích cực, có thể hâm nóng quan hệ hai nước sau nhiều tháng đóng băng.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Triều Tiên trao đổi thư tay. Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã có không dưới 5 lần gửi thư cho nhau. Chỉ một tháng sau hội nghị ở Singapore, giữa tháng 7/2018, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi thư tay tới Tổng thống Donald Trump, trong đó bày tỏ kỳ vọng có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với ông chủ Nhà Trắng. Ngay sau đó, ông Donald Trump cũng gửi thư như một động thái đáp lại thiện chí của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

“Trao đổi thư từ giữa hai lãnh đạo là nhằm mục đích tiếp tục thảo luận các vấn đề từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders khi đó đã đưa ra bình luận như vậy.

Mặc dù hầu hết các bức thư không được tiết lộ nội dung, song kết quả của những lần thư đi, thư lại giữa hai nhà lãnh đạo là Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2/2019. Bất luận Hội nghị này không đạt được kết quả như mong muốn của hai bên, không có nghĩa cánh cửa đàm phán Mỹ-Triều đóng lại. Đó là lý do vì sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi thư tay tới Tổng thống Donald Trump ngày 10/6.

Không rõ chi tiết bức thư, chỉ việc ông Donald Trump thốt lên những lời ca ngợi bức thư “nồng ấm”, “rất hay”, “có một số điều tích cực từ Bình Nhưỡng”, đồng thời nói rằng ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có một "mối quan hệ rất tốt”… cũng đủ để dư luận lạc quan về Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ ba có thể diễn ra trong thời gian không xa. Trước đó, ngày 3/6, Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào thời gian thích hợp.

Thực tế, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ ba là việc làm hết sức cần thiết, nhất là khi tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bị đình trệ. Hai bên đã không tìm được tiếng nói chung về phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng cũng như việc nới lỏng trừng phạt của Washington.

Ngày 4/5 vừa qua, Triều Tiên đã phóng một số vật thể bay được cho là vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới, và 5 ngày sau đó tiếp tục phóng hai vật thể bay được cho là các tên lửa tầm ngắn. Về phần mình, Washington cũng có những động thái gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng thông qua hình thức thắt chặt cấm vận kinh tế.

Dù khẳng định “không vội vã” khi đàm phán với Triều Tiên, nhưng Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ tin tưởng "những điều tốt đẹp sắp đến". Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho rằng, các cuộc đàm phán giữa nước này với Hoa Kỳ chỉ nối lại khi Washington đưa ra "phương thức tính toán mới".

Rõ ràng, không nhà lãnh đạo nào muốn tự tay đóng chặt cánh cửa đàm phán khi mà họ đã mất rất nhiều thời gian mới vượt qua được cánh cửa ngờ vực, từ đó tiến hành hai hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Singapore và Việt Nam.

Để vượt qua cánh cửa bất đồng hiện nay, hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, Washington và Bình Nhưỡng sẽ không có cách nào khác là nhanh chóng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba. Đó chính là thông điệp được gửi gắm trong những bức thư tay của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Triều Tiên dù biết rằng con đường phía trước còn lắm gian truân./.

Linh Oanh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất