Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 26/1/2021 13:24'(GMT+7)

Davos 2021: Trung Quốc kêu gọi duy trì chủ nghĩa đa phương

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng thế giới đang đối mặt với các vấn đề phức tạp và cách duy nhất để vượt qua là duy trì chủ nghĩa đa phương và xây dựng cộng đồng hướng tới tương lai chung cho toàn nhân loại.

Trong bài phát biểu tham dự tuần lễ Chương trình Nghị sự Davos 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra bằng hình thức trực tuyến, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh thế giới đang trải qua sự thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ, đây là thời điểm để tiến hành bước phát triển và chuyển biến lớn.

Theo ông, để duy trì chủ nghĩa đa phương trong thế kỷ 21, thế giới cần thúc đẩy truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận quan điểm mới và hướng tới tương lai.

Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tuân thủ các giá trị cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương, thích ứng mới với môi trường quốc tế đang thay đổi và ứng phó với thách thức toàn cầu. Ông kêu gọi thế giới cải cách và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở tham vấn sâu rộng và xây dựng sự đồng thuận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác dựa trên lợi ích chung và đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả các nước đang phát triển. Theo ông, các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ứng phó với các thách thức của đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu phục hồi bền vững.

Cụ thể, các nước cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, phân phối và sản xuất vắcxin ngừa COVID-để sản phẩm này có thể trở thành mặt hàng toàn cầu, dễ tiếp cận và có giá phải chăng.

Cũng trong khuôn khổ tuần lễ này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định 2021 có thể là năm phục hồi, nhưng sẽ kèm theo những rủi ro lớn trước khi thế giới có thể chuyển sang nền kinh tế mới.

Chủ tịch ECB nhấn mạnh số liệu quý 4/2020 cho thấy lộ trình hướng tới phục hồi của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị trì hoãn sau loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế tại các nước dù đã có nhiều tiến triển đạt được trong công tác tiêm vắcxin phòng COVID-19.

Bà Lagarde khẳng định quá trình phục hồi này không hề bị chệch hướng, nhấn mạnh rằng chính sách tài chính vẫn đóng vai trò chủ đạo, trong khi ECB sẽ tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế trong Eurozone thông qua việc đảm bảo các điều kiện tài chính thuận lợi. Bà nêu rõ việc dịch chuyển sang nền kinh tế mới sẽ bao gồm quá trình số hóa và phát triển xanh, cùng một số nhân tố khác.

Ngoài ra, Chủ tịch ECB cũng nêu ra một số thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra như tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các lao động tay nghề thấp và lao động tay nghề cao, tác động lâu dài của đại dịch đối với các lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, chi tiêu của doanh nghiệp ngày càng giảm cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Về chính sách tài chính và tiền tệ, bà Lagarde kêu gọi các nhà chức trách giữ đúng lộ trình và duy trì hỗ trợ, trong đó cần tập trung đầu tư để tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế mới./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất