Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 19/1/2021 9:56'(GMT+7)

Trung Quốc sẽ trở thành hình mẫu tái cơ cấu nền kinh tế

Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc đang đứng trước ngưỡng cửa những chuyển đổi lớn trong giáo dục và phát triển kỹ năng sẽ phục vụ cho nền kinh tế số hóa và tự động hóa mới.

Theo các chuyên gia từ Viện McKinsey Global, nếu Trung Quốc chuẩn bị tốt mọi mặt cho quá trình chuyển đổi số, nước này sẽ trở thành hình mẫu tái cơ cấu nền kinh tế.

Báo cáo của các chuyên gia từ Viện McKinsey Global cho rằng Trung Quốc có thể chiếm tới 1/3 thay đổi toàn cầu về nghề nghiệp và kỹ năng.

Ví dụ, đến năm 2030, 220 triệu lao động Trung Quốc, tương đương 30% nguồn nhân lực, cần phải thay đổi ngành nghề do số hóa. Con số này chiếm khoảng 36% tất cả các chuyển nghề hay thay đổi công việc trên thế giới.

Báo cáo cho biết Trung Quốc cần phải thực hiện cuộc cách mạng kỹ năng để tiếp tục cải thiện mức sống, để đến năm 2050, GDP bình quân đầu người đạt mức của các quốc gia phát triển.

Để thực hiện cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục, cần phải thực hiện những thay đổi quan trọng có liên quan đến những người trưởng thành đang làm việc.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa thuộc Đại học Kinh tế Đối ngoại và Thương mại Trung Quốc Wang Zhimin lưu ý, việc hiện đại hóa cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu hệ thống giáo dục đã được đề cập trong các dự án của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này vẫn chưa đủ để thực hiện sớm bước nhảy vọt.

Bình luận về báo cáo của McKinsey Global Institute, chuyên gia Wang Zhiyong từ Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học và Kinh tế học Lao động thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng thực hiện một cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề mới.

Ông Wang Zhiyong cho rằng trên thực tế, những thay đổi kiểu này diễn ra rất nhanh, song hệ thống giáo dục của Trung Quốc không theo kịp, đặc biệt với nhóm đối tượng là nông dân và công nhân ở nhà máy.

Ông cho rằng nhà nước Trung Quốc cần tập trung nỗ lực để giải quyết vấn đề đào tạo nhóm người này.

Nền kinh tế Trung Quốc có mức độ số hóa khá cao, các khoản đầu tư vào công nghệ giáo dục không ngừng tăng lên. Trong thời gian kéo dài đại dịch, nhiều cơ sở chuyển sang đào tạo từ xa, nhờ đó quá trình này đã tăng cường, song cũng tồn tại mặt trái.

Các chuyên gia McKinsey nhận xét trung bình khoảng 87 ngày làm việc của một công nhân sẽ được tự động hóa trong thập kỷ tới và có từ 22-40% việc làm trong số 331 triệu lao động nhập cư sẽ gặp rủi ro. Đồng thời, việc phát triển các kỹ năng mới chỉ mang lại cho mỗi công nhân trung bình 40 ngày làm việc.

Vào cuối tháng 12/2020, các chuyên gia từ Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) hợp tác cùng Mastercard đã phân tích mức độ số hóa của các nền kinh tế thế giới.

Theo kết quả phân tích trình độ phát triển kinh tế trong 90 quốc gia, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng số hóa nền kinh tế trong năm 2020.

Về chỉ số này, tốp 10 quốc gia đứng đầu danh sách này chủ yếu là các nước phương Đông, kể cả Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Iran, Qatar và Nga./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất