Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 28/8/2018 8:19'(GMT+7)

Đẩy lùi tín dụng “đen”

Vị giám đốc này cho biết thêm, nhiều chủ DNNVV là những thanh niên, kỹ sư khởi nghiệp từ đam mê, quy mô mỗi doanh nghiệp (DN) chỉ khoảng 10 tỷ đồng và cũng chỉ đăng ký theo thủ tục thành lập DN, nhiều khi chưa có cấu trúc vốn.

Giai đoạn đầu, DN thường không tiếp cận được tín dụng ngân hàng cho nên phải liên kết vốn từ người thân, bạn bè nhưng có trường hợp cũng chỉ được khoảng 20 đến 30% nhu cầu. Phần còn lại, một số DN phải quay sang kênh cho vay phi chính thức (tín dụng “đen” - hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thức, không đăng ký kinh doanh, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào).

Trên thực tế, tín dụng “đen” dễ vay nhưng khó trả, phần vì lãi suất cao, phần vì những ràng buộc ngặt nghèo về nghĩa vụ trả nợ. Đây là hình thức huy động vốn thuận tiện, diễn ra ngầm trong nội bộ những người liên quan, thủ tục gọn nhẹ nhưng với lãi suất quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể xảy ra tình trạng vỡ nợ. Hiện nay, tín dụng hợp pháp là lĩnh vực thuộc về các ngân hàng và công ty tài chính. Tuy nhiên, tín dụng “đen” lại là nhu cầu có thực của một số doanh nghiệp, người dân, vì cần tiền ngay hoặc không có tài sản thế chấp hay ngại thủ tục chặt chẽ của ngân hàng, nên chấp nhận rủi ro và lãi suất cao. Nếu như mặt bằng lãi suất ngân hàng cho vay sản xuất, kinh doanh hiện đã giảm về mức 6 đến 9%/năm (ngắn hạn) và 9 đến 11%/năm (trung, dài hạn) thì lãi suất tín dụng “đen” có thể tới 10%/tháng.

Theo tiết lộ của một lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, có những DN phải vay tín dụng “đen” với mục đích đảo nợ ngân hàng, vì thế nguy cơ rủi ro rất cao. Tuy nhiên, tín dụng “đen” vẫn len lỏi trong cuộc sống là do nhu cầu vay vốn của người dân và DN. Diễn biến thực tế cho thấy, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN quy mô lớn hoặc trung bình, trong khi, có tới 70% số DNNVV chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Theo các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý, đối với nhiều nền kinh tế, nhất là nền kinh tế đang phát triển, có tình trạng tín dụng phi chính thức tồn tại song song hệ thống tín dụng chính thức ở nhiều hình thức khác nhau. Nguyên nhân là nhằm bù đắp cho phần thiếu hụt về nhu cầu tài chính của xã hội do hệ thống tín dụng chính thức chưa đáp ứng được.

Vấn đề là từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có chính sách kiểm soát hiệu quả thị trường này. Cùng với đó, cần tập trung phát triển và có biện pháp bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức. Trong đó, việc phát triển các kênh cho vay chính thức đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN là rất quan trọng, được coi là giải pháp tốt để từng bước đẩy lùi tín dụng “đen”. Thí dụ, đẩy mạnh cho vay qua các Fintech (công nghệ trong tài chính), công ty tài chính tiêu dùng.

Hiện nước ta đã có khoảng 40 công ty Fintech nhưng 60% trong số này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác còn hạn chế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech, dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức này phát triển. Đây là dư địa rất tốt cho thị trường bởi thực tế, các DN tư nhân đã tận dụng công nghệ để kết nối và thu hút hơn 35 nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng sáu tháng. Nếu có cơ chế, nền tảng, DN tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể huy động được lượng tiền lớn. Ngay cả các DN khởi nghiệp cũng có thể IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) trên nền tảng số. Về phía các ngân hàng, cần thiết kế các gói sản phẩm cho vay phù hợp với DNNVV, rà soát lại để đơn giản hóa các thủ tục cho vay và thủ tục thanh toán. Các cơ quan quản lý cần tuyên truyền tích cực để doanh nghiệp, người dân hướng đến các kênh tín dụng chính thức, đồng thời thấy rõ tính hai mặt của tín dụng phi chính thức, từ đó cân nhắc ký hợp đồng vay.

Tô Hà/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất