Thứ Hai, 20/5/2024
Góp ý văn kiện
Thứ Sáu, 23/10/2015 10:38'(GMT+7)

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong 30 năm qua, nhất là trong 5 năm triển khai các Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngành nông nghiệp đã có bước tăng trưởng với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Hơn nữa, nông nghiệp còn tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng, có khả năng lan tỏa sang các ngành khác, tăng khả năng cạnh tranh cho kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực nông nghiệp, nông thôn và chưa đồng đều giữa các vùng. Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các vật tư cho sản xuất và chi phí lao động rẻ. Nông nghiệp phát triển chưa ổn định, tốc độ tăng trưởng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng hàng nông sản thấp.

Cùng với đó là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nông nghiệp nước ta đang đối mặt với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, tăng trưởng nông nghiệp không thể tiếp tục theo chiều rộng trong khi các nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp như đất, nước, sinh học có hạn.

Vì vậy, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng sẽ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo Chính trị nên sửa đoạn về nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành “cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thực hiện quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường” và đề nghị bổ sung “Ứng dụng các biện pháp bảo đảm chất lượng tiên tiến vào sản xuất, quản lý nông nghiệp” trong nội dung “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” để phù hợp hơn với thực tiễn hội nhập kinh tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 - 2020, đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung “Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” cho gọn, đó là “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; bảo vệ và sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất trồng lúa, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ nông dân với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, công ty, nông lâm trường quốc doanh và doanh nghiệp nông nghiệp”.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, muốn phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phải ưu tiên tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thực tế phát triển nông nghiệp hàng hóa vững mạnh là cách tạo việc làm rẻ nhất, là cách xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất, là chỗ dựa vững chắc để ổn định xã hội, nhất là khi hơn 40% lao động, 60% dân số vẫn ở nông thôn và sống nhờ nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân và để giảm di cư vào các đô thị tìm kiếm việc làm, gây ra nhiều áp lực cho đô thị lớn. Để thực hiện các mục tiêu đó, phải tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng phát huy hiệu quả hơn cơ chế thị trường; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp để làm nòng cốt trong các mối liên kết, đồng thời phát triển kinh tế hợp tác.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 là quá cao, khó đạt vì hiện nay cả nước có hơn 9.000 xã nhưng đến năm 2015 mới có khoảng 1.800 xã (20%) đạt chuẩn nông thôn mới, phần lớn số xã chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới là những xã khó khăn, nhất là những xã ở các vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền núi phía bắc. Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nội dung thiết thực để CNH, HĐH đất nước.

Hoàng Văn Thắng

Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy,Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất