Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/10/2013 17:2'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa luật thuế mới vào cuộc sống

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đưa các luật thuế vào cuộc sống

Năm 2013 được coi là năm “được mùa” về việc ban hành và triển khai luật thuế, với 4 luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến ngành Thuế đã được Quốc hội thông qua, đó là: Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Quản lý Thuế (QLT) và Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).

Để các bộ Luật này sớm đi vào cuộc sống, ngay sau khi các Luật trên được Quốc hội thông qua, theo thẩm quyền và chức năng của mình, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã nhanh chóng xây dựng các dự thảo nghị định trình Chính phủ và các thông tư, văn bản hướng dẫn nhằm cụ thể.

Thực tế cho thấy, bất kỳ chính sách thuế mới nào được ban hành cũng không thể tránh khỏi những vướng mắc trong quá trình thực hiện từ phía người dân, doanh nghiệp, thậm chí với cả rất nhiều cán bộ thuế.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được ngành Thuế đặt lên hàng đầu. Trong thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai những khoá tập huấn đối với cán bộ trong ngành, đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế mới đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong đó, việc đầu tiên là đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến chính sách pháp luật cho người làm công tác tuyên truyền, các phóng viên báo chí. Bởi ngành Thuế luôn hiểu rằng, để người dân hiểu đúng, tiếp cận nhanh các quy định pháp luật thuế thì trước tiên người làm công tác tuyên truyền cũng như các phóng viên báo chí phải là người nắm rõ được những quy định.

Đánh giá vai trò của báo chí đối với ngành Thuế trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn coi cơ quan thông tấn báo chí là người bạn đồng hành, là cầu nối quan trọng đưa chính sách vào cuộc sống cũng như có những phản hồi về cơ quan quản lý những khó khăn, bất hợp lý trong quá trình thực hiện của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời qua đây cũng lắng nghe những ý kiến, phản hồi, vướng mắc của cơ quan báo chí để có thể giải thích kịp thời những tồn tại, hoàn thiện chính sách...”.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Việc trong một thời gian ngắn, Quốc hội ban hành 4 bộ luật sửa đổi bổ sung trên đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với việc cải cách - hiện đại hoá ngành Thuế, trong đó, liên quan đến cả vấn đề chính sách và thủ tục, giúp ngành Thuế có công cụ mạnh mẽ hơn trong quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, những sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới cũng đã tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... và giảm bớt thủ tục hành chính đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với  Nhà nước.

Cụ thể, Luật QLT số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, được sửa đổi, bổ sung 38 vấn đề trên tổng số 120 Điều của Luật QLT 2007. Các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế nội địa được chia theo 3 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính. Giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với doanh nghiệp nộp thuế có quy mô hoạt động vừa và nhỏ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 xuống 3 ngày làm việc; Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách, hiện đại hóa và hội nghập, phù hợp thông lệ quốc tế; Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản liên quan vấn đề hoàn thuế…

Cũng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, Luật Thuế TNCN có nhiều đột phá trong sửa đổi, bổ sung, nhằm giảm mức đóng góp đối với người nộp thuế, từng bước nâng cao đời sống của người dân, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Theo đó, sửa đổi mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng; sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung một số khoản thu nhập thuộc đối tượng miễn thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện khai và nộp thuế; sửa đổi, bổ sung về đối tượng nộp thuế…

Luật Thuế GTGT được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, có 7 nhóm vấn đề được bổ sung, sửa đổi: Đối tượng không chịu thuế (được bổ sung làm rõ các sản phẩm, đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế GTGT; thuế suất thuế GTGT; ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT và phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế GTGT; hoàn thuế GTGT và giải pháp giảm thuế GTGT. Một chính sách mà doanh nghiệp bất động sản quan tâm là giảm 50% thuế GTGT từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Nằm trong chuỗi các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, cũng từ ngày 1/7 năm nay, Luật thuế TNDN có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng mức thuế suất 20%  đối với doanh nghiệp (thay vì 25% như trước), kể cả hợp tác xã có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm (lấy tổng doanh thu của năm trước liền kề làm căn cứ). Ngoài ra, chính sách mới này cũng sẽ áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% đối với phần thu nhập của DN từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội phát sinh ngay thời điểm này trở đi.

Tính từ thời điểm (ngày 1/7) bắt đầu áp dụng Thông tư 64/2013/TT-BTC  thay thế Thông tư 153/2010/TT-BTC trong việc quản lý hóa đơn, doanh nghiệp tiếp tục được sử dụng hóa đơn in thừa của năm trước. Điều này đã giúp doanh nghiệp và cục thuế các địa phương giải quyết được vướng mắc trong việc sử dụng hóa đơn cũ từ đầu năm đến nay.../.

Đỗ Văn

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất