Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 10/2/2017 21:13'(GMT+7)

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Ngày 10-2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề "Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học". Các khách mời PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT); GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội); PGS, TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đã tham dự buổi tọa đàm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận nhằm đánh giá chất lượng, chu kỳ kiểm định các cơ sở giáo dục đại học của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN) với 111 tiêu chí. Qua tiêu chuẩn kiểm định này, thấy được các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.

Bộ tiêu chuẩn có 111 tiêu chí, cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối, thị trường lao động quốc tế.
Buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức nhằm đánh giá về những mặt làm được và chưa được của công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua, làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần thiết phải xây dựng một bộ thông tư mới

Tại buổi tọa đàm, PGS, TS Mai Văn Trinh cho biết, thời gian vừa qua khi kiểm định chất lượng đại học được đưa vào vận hành trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã đi được bước khá dài, có được những kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Đến nay trong nhận thức và hành động từ cán bộ quản lý đến đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Xem kiểm định chất lượng như một giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển nhà trường bằng chính chất lượng đào tạo của trường.

Hệ thống văn bản để đảm bảo cho kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong mỗi nhà trường và hoạt động đánh giá ngoài về cơ bản đã đầy đủ. Điều này được thể hiện từ Nghị định của Chính phủ, Luật Giáo dục Đại học, thông qua các thông tư, các văn bản hướng dẫn.

Cho đến nay, hầu hết các trường đại học của Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và trong số đó, có 32 trường đã được đánh giá ngoài, 12 trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng. Bên cạnh đánh giá của nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước và quốc tế. Cụ thể đã có 5 chương trình được đánh giá theo chuẩn của các nước và hơn 80 chương trình được đánh giá và đạt chuẩn quốc tế. Một điểm nổi bật nữa là cho đến nay đội ngũ đảm bảo cho hoạt động kiểm định chất lượng từ bên ngoài đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Cụ thể có hơn 700 người đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong đó có 240 người đã được cấp thẻ kiểm định viên.

PGS. TS Mai Văn Trinh cũng cho rằng, những bất cập trong công tác kiểm định chất lượng đại học còn tồn tại, đó là, thứ nhất, nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng tự báo cáo đánh giá của các nhà trường mới ở mức độ chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Thứ hai, cho đến nay mặc dù hệ thống văn bản đã khá hoàn chỉnh song các chế tài để khuyến khích các trường làm tốt, đặc biệt là xử lý những trường làm chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến công tác kiểm định chưa mạnh. Thứ ba, các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó chưa theo kịp được sự vận hành, phát triển rất nhanh của thực tế giáo dục đại học, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.

Chính vì thế việc cần thiết phải xây dựng một bộ thông tư mới, bộ công cụ mới như một thang thước để đạt được chuẩn của khu vực để các trường lấy đó đánh giá để xem mạnh ở đâu, chỗ nào chưa được để từng bước tiếp tục duy trì điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, từng bước theo chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực. Bằng cách ấy trong một thời gian chúng ta sẽ có được bước chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga cũng cho rằng, trong 5 năm qua, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và thế giới thì rõ ràng yêu cầu đòi hỏi cách đây 5 năm sẽ không phù hợp với thời điểm hiện tại và bắt kịp với xu hướng của thế giới. Hơn nữa bộ tiêu chuẩn 111 tiêu chí được xây dựng trên bộ tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN sẽ là cầu nối để các trường đại học của Việt Nam hòa vào chất lượng chung của khu vực. Bộ tiêu chuẩn của ASEAN cũng giao thoa khá lớn với bộ tiêu chuẩn của Châu Âu và của Bắc Mỹ nên bộ tiêu chuẩn đang dự thảo sẽ là một điểm để đưa giáo dục đại học Việt Nam hòa nhập cùng thế giới. Mặc dù nhiều tiêu chí hơn nhưng chi tiết hơn và đòi hỏi các trường đại học phải phấn đấu để đào tạo ra các sản phẩm tốt.

Đề ra yêu cầu về số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá

PGS. TS Mai Văn Trinh cho biết, để chuẩn bị cho công tác kiểm định chất lượng  (KĐCL) giáo dục đại học, hiện nay có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động: Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCL ĐH Đà Nẵng, Trung tâm KĐCL Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá cao sự nỗ lực của các trung tâm trong thời gian qua. Là một mô hình mới, ngay sau khi được cấp phép hoạt động, các đơn vị được sự hỗ trợ của các đơn vị chủ quản, đã rất nỗ lực cùng Bộ, đến nay đã đánh giá ngoài 32 cơ sở GDĐH. Hiện nay với quy mô 270 trường ĐH, chu kỳ kiểm định là 5 năm, vậy 1 năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường. Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay, với sự cố gắng nỗ lực chúng ta cũng có thể hoàn thành được.

PGS.TS  Mai Văn Trinh cũn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng, tới đây Bộ sẽ thực hiện một số giải pháp. Trước hết là sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu đối với bản thân trung tâm đó. Đồng thời song song với việc tiến hành kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bằng cách vận hành như vậy, tôi cho rằng với lộ trình và sự vào cuộc, đồng bộ từ Bộ, các trung tâm, hệ thống các trường đại học, hoạt động của chúng ta sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cũng cho rằng, khi đặt vấn đề về số lượng trung tâm KĐCL và việc tiến độ, chúng ta nên đặt vấn đề theo hướng là số lượng những người đi đánh giá họ có đủ số lượng để đi đánh giá không. Bởi số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá. Số lượng kiểm định viên bao nhiêu người, vì thông thường ta yêu cầu số lượng đoàn chứ một trung tâm có thể thực hiện đánh giá của nhiều đoàn khác nhau.

Bên cạnh đó, đối với một số lĩnh vực cạnh tranh, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến hệ quả, tương tự như ở Hoa Kỳ, cơ quan kiểm định nhưng lại cấp ra chứng chỉ kiểm định không đảm bảo. Ở đây vẫn phải đảm bảo sự độc lập, ổn định trong hoạt động của hệ thống. Ví dụ ở những trường trong khu vực, Philippin chẳng hạn, họ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1000 trường đại học, các trường trong ASEAN chỉ có 1 cơ quan kiểm định, Hoa Kỳ thì có 6 cơ quan kiểm định cho 4000 - 5000 trường đại học.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, nếu chúng ta phát triển các cơ quan kiểm định đối với cấp trường không nên quá nhiều, ở một mức độ hợp lý nhưng đối với kiểm định cấp chương trình đào tạo có thể phát triển nhiều hơn vì số lượng rất nhiều. Nếu các hiệp hội nghề nghiệp có thể tham gia vào phát triển chương trình đào tạo, phát triển các tổ chức kiểm định để đánh giá mang tính chuyên biệt đối với chương trình đào tạo hơn là phát triển các tổ chức đối với cơ sở giáo dục.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận. Khác với bộ tiêu chuẩn hiện hành tiếp cận nhiều theo quản trị chất lượng, áp các quy định và yêu cầu đối với thực hành của nhà trường, bộ tiêu chuẩn mới gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, không chỉ đánh giá, kiểm định về vào đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ. Bộ tiêu chuẩn cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối ASEAN, thị trường lao động quốc tế.

Qua tiêu chuẩn kiểm định này, có thể thấy được các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế. Đây cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, là một trong các tiêu chí để Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh cao đẳng, đại học trong thời gian tới.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất