Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 22/3/2016 21:37'(GMT+7)

Đẩy mạnh phát hành các xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân

Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghi.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghi.

Ngày 22/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2016 với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành hoạt động trong lĩnh vực xuất bản.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Lâm Phương Thanh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngoài việc trình bày tổng kết những hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016, Hội nghị còn có phần trình bày tham luận nâng cao công tác xuất bản của các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra các ý kiến chỉ đạo lĩnh vực xuất bản. 

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng ký xuất bản cho hơn 76.000 xuất bản phẩm, trong đó có gần 2.800 xuất bản phẩm điện tử; xuất bản phẩm nộp lưu chiểu dưới dạng sách giấy trên 29.000 cuốn với trên 363 triệu bản, dưới dạng điện tử là 1.163 cuốn với trên 3,7 triệu lượt bản, dạng băng, đĩa, bản đồ, bưu ảnh, lịch là 1.255 xuất bản phẩm…

Số lượng xuất bản phẩm tăng về cuốn so với năm 2014, mức hưởng thụ bình quân khoảng 4,1 bản/người cho thấy sự nỗ lực rất lớn của 60 nhà xuất bản.

Cũng trong năm 2015, nhiều đơn vị xuất bản-phát hành đã đầu tư phát triển mạng lưới phát hành, mở rộng thị phần kinh doanh ở các tỉnh, thành. Cục Xuất bản, In và Phát hành và một số nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách đã tham gia các hội chợ sách quốc tế tại Mỹ, Cuba, Đức…, tổ chức nhiều triển lãm-hội chợ sách trong nước...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập đến việc quy hoạch xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn 2030; khẳng định đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng nhưng nhiều địa phương chưa nhìn nhận được tầm quan trọng. Thứ trưởng đề nghị Cục xuất bản phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch. Thứ trưởng cũng nêu ra vấn đề quy hoạch sách điện tử trước thực trạng sách điện tử ở nước ta mới xuất hiện, còn manh mún, nhỏ lẻ...

Với hoạt động xuất bản, Thứ trưởng chỉ đạo các NXB tiếp tục đẩy mạnh phát hành các xuất bản phẩm đáp ứng  nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân. Cần đặc biệt tuyên truyền triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XII, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Mặt khác cũng phải chú trọng rà soát việc xuất bản theo đúng quy định của Luật xuất bản để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót vi phạm.

Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, các nhà xuất bản cần phải đầu tư "lột xác" mạnh mẽ hơn, để thay đổi tình trạng hiện nay là các NXB đang thay đổi khá yếu ớt trong khi công ty, nhà sách tư nhân đang chiếm thế mạnh với mục tiêu tập trung là lợi nhuận, vì vậy cần phải đảm bảo được tính định hướng của Đảng trong công tác phát hành.

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành xuất bản và phát hành trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu kinh phí, bất cập trong mô hình hoạt động, ngành xuất bản và phát hành còn phải đối phó với tình trạng xuất bản và phát hành sách trái phép, ảnh hưởng đến nguồn thu và uy tín của ngành.

Trong lĩnh vực xuất bản, mặc dù cơ quan quản lý đã nhắc nhở nhiều lần, thậm chí từ chối xác nhận đăng ký xuất bản nhưng một số nhà xuất bản vẫn tiếp tục đăng ký bản tin, đặc san, chuyên san… không phải là xuất bản phẩm.

Về việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm, trong năm 2015, số lượng xuất bản phẩm ghi thông tin thiếu chính xác vẫn chiếm khoảng 37% trong số xuất bản phẩm vi phạm; nội dung các xuất bản phẩm vẫn còn nhiều sai sót, một số cuốn sách có nội dung phiến diện, chủ quan, thậm chí đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, ngành xuất bản-phát hành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai đồng bộ các quy định của Luật Xuất bản, yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản-phát hành tuân thủ nghiêm các quy định về trách nhiệm khi tham gia vào quá trình liên kết xuất bản.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản-phát hành, trong đó tập trung trọng điểm và ưu tiên các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; đồng thời đẩy mạnh quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài; thực hiện cơ chế đặt hàng xuất bản phẩm với nhiều nguồn khác nhau bằng ngân sách nhà nước./.

TG

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất