Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 13/6/2012 9:50'(GMT+7)

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng ở Lào Cai theo hướng bền vững

 

Phát huy lợi thế

tỉnh vùng cao, biên giới, lại có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng chung sống với những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc, đã góp phần tạo cho Lào Cai một diện mạo văn hóa phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, Lào Cai hiện đang có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể giá trị đang trong quá trình làm hồ sơ xin xếp hạng. Ðây chính là lợi thế, tiềm năng về du lịch, cho phép địa phương có thể “biến di sản thành tài sản” trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh, với mục tiêu đưa du lịch Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước dựa trên những thế mạnh của địa phương, từ năm 2005, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã được thử nghiệm ở xã Bản Hồ, San Sả Hồ (huyện Sa Pa). Tại xã Bản Hồ đã có 24 hộ gia đình đăng ký dịch vụ lưu trú tại gia (homestay) và 10 hộ gia đình ở San Sả Hồ đăng ký dịch vụ này phục vụ du khách, qua đó đã hình thành mô hình dịch vụ lưu trú tại gia, phần nào đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi của du khách tại bản.

Theo con số thống kê, đến nay dịch vụ homestay liên tục gia tăng ở các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, các xã Tả Van (huyện Sa Pa) có 42 hộ, Trung Đô (huyện Bắc Hà) có 14 hộ gia đình đăng ký kinh doanh homestay... Doanh thu du lịch tại các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch khá cao bình quân tại các hộ xã Tả Van 25 - 27 triệu đồng/hộ/năm; các hộ ở xã Trung Đô (Bắc Hà) 35 - 40 triệu đồng/hộ/năm.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hàng loạt các loại hình dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du khách. Tại huyện Sa Pa, mỗi dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Dân tộc Dao Đỏ (xã Tả Phìn) đã biết khai thác kinh nghiệm dân gian trong việc chữa bệnh và đã phát triển thành thương hiệu thuốc lá tắm của dân tộc Dao Đỏ - Tả Phìn, dân tộc H’mông, Dao… khai thác văn hóa truyền thống thêu trang trí trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay độc đáo…

Bên cạnh đó, việc phát triển và hình thành 12 tuyến du lịch cộng đồng đưa vào khai thác phục vụ du khách cùng với tuyến đường đi bộ trải nghiệm tại Sa Pa, Bắc Hà hàng năm thu hút được trên 20 vạn lượt khách du lịch nước ngoài đến trải nghiệm. Từ việc phát huy lợi thế về các tuyến điểm du lịch và việc hình thành các tuyến đi bộ hấp dẫn tại Sa Pa, Bắc Hà; mới đây, tại hai điểm du lịch này cũng đã xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng với tên gọi "Một ngày làm cô dâu người H’mông", "Một ngày làm nông dân người Dao", thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách…

Thực tế cho thấy, hơn 70% số du khách quốc tế đến Lào Cai (đặc biệt là Sa Pa) có nhu cầu đi du lịch xuống các bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2006 đến nay, Lào Cai đã có gần 400.000 lượt khách đi theo tuyến du lịch cộng đồng, trong đó tập trung chủ yếu các tuor du lịch ở Sa Pa. Điều đó chứng tỏ, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã và đang phát triển, đồng thời thu được những kết quả khả quan. Từ khi áp dụng chương trình “biến di sản thành tài sản” để phát triển du lịch, ở các điểm du lịch cộng đồng đã có sức thu hút du khách mạnh mẽ.

Tiếp sức cho du lịch cộng đồng

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển du lịch Hà Lan (SNV): mặc dù Lào Cai có những nguồn lực du lịch ấn tượng và xu hướng thị trường tốt, song vẫn chưa phát huy hết các giá trị văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Ngoài một số ít những điểm du lịch hiện đã được xây dựng, tới nay sản phẩm du lịch đặc biệt là việc khai thác và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng diễn ra rất chậm và chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh. Bởi vậy, để tạo sức bật cho du lịch cộng đồng ở Lào Cai rất cần sự tham gia tích cực của người dân bản địa; chú trọng phát huy mô hình du lịch cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”: Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng, hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, các doanh nghiệp tăng cường quảng bá đưa du khách đến tham quan và các nhà tư vấn tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Có làm được như vậy, bản sắc văn hoá dân tộc mới trở thành nguồn lực cho du lịch cộng đồng phát triển. Ngược lại, du lịch càng phát triển thì càng khuyến khích người dân bảo tồn được di sản văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát hiện để có thể mở thêm các tuyến du lịch hấp dẫn ở vùng sâu, vùng xa, kết hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của bà con dân tộc thiểu số, qua đó tạo điều kiện để người dân chia sẻ lợi ích từ du lịch cộng đồng; đồng thời cần nghiên cứu đưa sắc thái văn hóa vào phát triển thành sản phẩm du lịch như tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống, duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn nét văn hóa địa phương, đồng thời khai thác văn hóa vào phát triển du lịch.

Hơn nữa, việc phát triển du lịch cộng đồng không thể nóng vội, chạy theo phong trào mà cần có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên ngành cần thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ văn hoá cho đồng bào và đề cao vai trò của người dân trong quá trình phát triển du lịch là một trong những biện pháp không thể thiếu, bởi chính họ là người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch cộng đồng ở địa phương mình. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, góp phần cải thiện bình đẳng giới và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Nguyên Sa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất