Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 12/6/2012 21:19'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đầu tư công

Khai mạc hội thảo, PGS. TS Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đang quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện dự án đầu tư công, mua sắm công, trong đó có việc xây dựng Luật Đầu tư công nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư Nhà nước hiện nay, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận về khái niệm, phân loại đầu tư công; nguồn vốn, mục tiêu, đối tượng đầu tư công. Song song với đó là các nội dung quản lý Nhà nước về đầu tư công; giải quyết chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định về đầu tư công; nội dung chính sách đầu tư công.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện tồn tại 4 quan điểm về khái niệm đầu tư công. Quan điểm thứ nhất về khái niệm này bao gồm cả ba yếu tố: Chủ thể đầu tư: Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và mục đích đầu tư là phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm thứ hai nghiêng về mục tiêu của đầu tư là lợi ích công cộng. Quan điểm thứ ba, đầu tư công là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, hay nói cách khác là không vì mục tiêu kinh doanh. Quan điểm thứ tư mang tính mở rộng nhất xác định đầu tư công là đầu tư của chủ thể đặc biệt là Nhà nước, không phân biệt nguồn vốn, mục đích đầu tư. Theo đó, một dự án được đầu tư bằng bất kỳ nguồn vốn nào, nhưng nếu được thực hiện bởi Nhà nước là chương trình, dự án của nhà nước thì đó là đầu tư công.

Các đại biểu cũng thảo luận việc giải quyết chồng chéo giữa các quy định hiện hành. Các quy định pháp luật về đầu tư công hiện nằm rải rác trong: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Đấu thầu, Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn… Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công.

Việc xây dựng Luật Đầu tư công còn tồn tại 2 quan điểm khác nhau. Quan điểm đầu tiên cho rằng Luật Đầu tư công điều chỉnh mảng đầu tư công không vì mục tiêu kinh doanh, không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Quan điểm thứ hai là ban hành một đạo luật về đầu tư công có tầm bao quát rộng. Theo đó, cần hệ thống hóa, pháp điển hóa, thu hút tất cả những quy định về đầu tư công trong các luật hiện hành vào đạo luật này, đồng thời, bổ sung các quy định mới được coi là còn thiếu hiện nay đối với hoạt động đầu tư không vì mục tiêu kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong soạn thảo Luật Đầu tư công, phải lấy mô hình của tái cơ cấu để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thực trạng đầu tư nhà nước hiện nay còn nhiều bất cập. Đầu tư nhà nước hiện chiếm đến 40% tổng đầu tư xã hội. Đầu tư nhà nước còn phân tán ra quá nhiều dự án, ngay cả trong các ngành sản phẩm, dịch vụ công ích (lên đến nhiều chục nghìn dự án). Quản lý đầu tư phân tán, chia cắt theo nguồn vốn, thiếu tập trung và thống nhất. Nhu cầu đầu tư của các bộ, địa phương khổng lồ so với khả năng cân đối vốn của nhà nước và của nền kinh tế, chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả. Hiệu quả đầu tư nhà nước rất thấp. Nguy cơ tăng nhanh nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài.

Luật phải giải quyết những vấn đề có liên quan đến các loại đầu tư nhà nước hiện nay. Cần đổi mới tư quy về vai trò và chức năng của nhà nước, thu hẹp phạm vi ngành, nghề và hoạt động đầu tư nhà nước. Theo TS. Cung, trước khi viết luật, cần bàn rõ về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước. Từ nay, Nhà nước không cấp vốn đầu tư trong các ngành có thị trường cạnh tranh, các ngành không phải công ích. Các doanh nghiệp này muốn phát triển phải huy động nguồn vốn khác. Tất cả nguồn vốn đầu tư nhà nước phải được hạch toán, cân đối trong ngân sách nhà nước.

Đưa ra 8 giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư công, mua sắm của chính phủ, trong đó nhấn mạnh đến cơ chế công khai minh bạch tài chính, sử dụng công cụ thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh: Đầu tư, mua sắm công là hoạt động quan trọng của Chính phủ và được nhân dân rất quan tâm. Cần đổi mới cơ chế đầu tư, mua sắm, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này. Đây là kỳ vọng của xã hội, của nhân dân về một nhà nước hiệu lực, hiệu quả vì dân và của dân. Nâng cao chất lượng đầu tư công sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, ngân sách, tạo dựng và củng cố lòng tin của dân.

Khánh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất