Thực hiện Chỉ thị 09 của Chính phủ, trong thời gian qua, nhiều tỉnh/thành phố đã xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở GDMN tại các KCN, KCX như miễn giảm tiền thuê đất, giao đất sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho vay... Nhờ đó, nhiều trường mầm non đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại và khi đưa vào sử dụng, con em công nhân còn được miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn.
Bộ GD&ĐT cũng đã kịp thời ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non tư thục, dân lập. Trên cơ sở đó, các tỉnh/thành phố đã chỉ đạo các địa phương có KCN, KCX thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, hỗ trợ nhân lực, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở GDMN ngoài công lập cũng như cung cấp đa dạng hoạt động của các trường, nhóm lớp... nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, nhất là người lao động làm việc theo ca.
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 09 (tính từ tháng 5/2014-5/2017), trong các KCN, KCX trong toàn quốc đã phát triển thêm 667 trường mầm non; trong đó TPHCM tăng 182 trường, Hà Nội 89 trường, Bình Dương 47 trường, Đà Nẵng 27 trường, Hải Phòng 20 trường, Đắk Lắk 16 trường...
Theo số liệu năm học 2016-2017, mạng lưới trường, lớp GDMN ngoài công lập đã có bước phát triển mạnh, toàn quốc có 2.402 trường mầm non dân lập và tư thục (chiếm tỉ lệ 16%) với hơn 1 triệu trẻ được huy động tới trường, đạt tỉ lệ 19,9%. Những tỉnh/thành có tỉ lệ trường ngoài công lập cao như Đà Nẵng 64,8%, Bình Dương 63%, TPHCM 60,8%...
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong những năm qua, GDMN cả nước đã có bước phát triển toàn diện về quy mô và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Sự ra đời và hoạt động của các cơ sở GDMN ngoài công lập đã góp phần bảo đảm quyền đi học của trẻ em; trong đó, cơ sở GDMN loại hình tư thục phát triển nhanh, nhất là ở các thành phố, thị xã, khu đông dân cư, khu công nghiệp. Cơ sở GDMN tư thục đã thu hút được trẻ đến trường lớp, giảm bớt áp lực cho các trường công lập.
Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã hỗ trợ nhà đầu tư tham gia phát triển GDMN với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết từng bước vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 09.
Tuy nhiên, việc phát triển GDMN ngoài công lập hiện nay còn có một số khó khăn, bất cập như tại các địa phương, việc phát triển KCN, KCX, khu đông dân cư chưa tính đến quy hoạch các thiết chế văn hóa, trong đó có cơ sở GDMN; các nhà đầu tư chưa nhận được ưu đãi thích đáng về cơ chế, chính sách, nguồn đầu tư, quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập. Mặt khác, thời gian thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập chậm nên chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Theo đánh giá chung thì công tác quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập và ở các KCN, KCX nói riêng còn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn.
Để phát triển và quản lý tốt GDMN ngoài công lập trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dự báo quy mô phát triển giáo dục để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa giáo dục đi đôi với kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác quản lý các cơ sở GDMN; thực hiện bình đẳng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, trong đó có việc phân bổ ngân sách cho GDMN ngoài công lập; khuyến khích các địa phương ban hành các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực tham gia phát triển giáo dục ở địa phương.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý giáo dục, chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã thảo luận, bàn các giải pháp phát triển GDMN ngoài công lập trong cả nước. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình phát triển GDMN ngoài công lập; đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh, ban hành chính sách thúc đẩy phát triển GDMN ngoài công lập trong thời gian tới./.
Theo chinhphu.vn