Tại buổi gặp mặt, ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội về tình hình hoạt động của Hội trong thời gian qua.
Được thành lập từ năm 2013, hơn 3 năm qua, Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình luôn phát huy hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại địa phương.
Các thành viên trong Hội đã hiến đất làm đường ngõ nông thôn được 35.000 mét vuông, ủng hộ hơn 3 tỷ đồng làm đường, làm 25 ngôi nhà cho đồng đội, mỗi ngôi nhà trị giá từ 70 – 120 triệu đồng…
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"; truyền thống bộ đội Trường Sơn, làm tốt công tác nghĩa tình, giúp đỡ đồng đội thoát nghèo, tích cực xây dựng Hội hoạt động hiệu quả, vững chắc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đánh giá cao và luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá cao việc Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình đã tổ chức chuyến đi rất có ý nghĩa, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là hoạt động cần thiết nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công.
Về cơ bản, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đời sống của người có công với cách mạng từng bước được cải thiện và ổn định.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng còn có một số hạn chế, vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường công tác giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng; đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung rà soát, không để sót người có công không được hưởng chính sách. Sắp tới, Quốc hội sẽ ban hành Luật người có công để thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan, chính quyền các địa phương nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, kịp thời giải quyết một số vướng mắc về chế độ chính sách đối với người có công; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cuộc sống đối với các gia đình chính sách, người có công để đảm bảo các gia đình chính sách, người có công có mức sống ít nhất bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn người có công với cách mạng tỉnh Thái Bình sống gương mẫu, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phan Phương (TTXVN)