Ngày 7/11, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo khởi động dự án
“Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”
nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và
ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới
công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh
tế.
Bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã
trao đổi với phóng viên về những mặt được và chưa được trong hoạt
động đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam hiện
nay.
- Xin Thứ trưởng đánh giá một vài nét về hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Nhìn lại thực trạng hoạt động khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cho thấy bức tranh có
những điểm sáng tích cực nhưng cũng nhiều mảng mầu “trầm lắng”, thể hiện
ở các chỉ số về tiềm lực, năng lực và kết quả đạt được còn khiêm tốn.
Điểm sáng tích cực được thể hiện ở việc hệ thống pháp luật về khoa học
và công nghệ được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên
ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động
khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tiềm lực khoa học và công nghệ có bước phát triển. Số người trực tiếp
làm công tác nghiên cứu và phát triển hiện có trên 62 nghìn người (7
người/một vạn dân). Tổng số giảng viên đại học, cao đẳng trong cả nước
hơn 84 nghìn người.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức
kiều bào ở nước ngoài. Với ưu thế được đào tạo bài bản và rèn luyện
trong môi trường khoa học và công nghệ trình độ cao ở các nước tiên
tiến, nếu có chính sách thu hút phù hợp, lực lượng trí thức kiều bào sẽ
đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển khoa học và công nghệ và kinh
tế-xã hội trong nước.
Các tổ chức khoa học và công nghệ cũng tăng nhanh về số lượng, đa dạng
hóa về loại hình. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.202 tổ chức khoa
học và công nghệ đăng ký hoạt động (công lập chiếm hơn 80%) và 419
trường đại học và cao đẳng.
Nguồn lực tài chính cho khoa học và công nghệ được gia tăng, từ năm
2000, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ hàng năm
đạt 2%; cơ cấu đầu tư giữa công và tư chuyển dịch theo hướng tích cực
hơn (70/30).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên
cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được nâng cấp và cải thiện một bước.
Hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ có bước phát triển.
Thị trường và định chế trung gian công nghệ đã bước đầu hình thành. Hệ
thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiếp cận dần
với các chuẩn mực quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công
nghệ được đẩy mạnh, đã hình thành mạng lưới đại diện khoa học và công
nghệ tại nhiều quốc gia, địa bàn trọng điểm.
Khoa học và công nghệ bước đầu có đóng góp quan trọng, thiết thực phục
vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó khoa học tự nhiên có bước phát
triển, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đa
ngành mới như vũ trụ, y sinh, nano, hạt nhân; một số lĩnh vực (toán học,
vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ có đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng
trưởng của một số ngành, lĩnh vực; có một số thành tựu nổi bật như:
thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho nhà máy thủy điện công
suất lớn; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước; công nghệ khai thác dầu
trong đá móng; các giống lúa mới năng suất cao; khai thác vệ tinh viễn
thông; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao
tầng, cầu dây văng, đường cao tốc; ghép tạng và sản xuất vắcxin...
- Vậy đâu là những tiêu cực đang kìm hãm sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Mặc dầu đã đạt được một số
kết quả tích cực nhưng hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được đánh giá một cách khách quan và
nghiêm túc.
Về nhân lực và hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, số lượng cán bộ
nghiên cứu và phát triển của Việt Nam dù đã gia tăng nhưng còn rất khiêm
tốn so với các nước như Hoa Kỳ (hơn 1,4 triệu người), Trung Quốc (1,2
triệu người), Nhật Bản (656 nghìn người), Nga (442 nghìn người), Đức
(327 nghìn người), Hàn Quốc (264 nghìn người ), Pháp (234 nghìn người).
Năng lực của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ nhìn chung còn hạn
chế, chưa có chính sách hợp lý trong trọng dụng cán bộ khoa học và công
nghệ trong nước và thu hút trí thức Việt kiều.
Chất lượng và hiệu quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ
chưa cao. Chức năng nghiên cứu khoa học chưa được coi trọng trong các
trường đại học; thiếu các đại học nghiên cứu trình độ quốc tế. Việc
chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự
chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm.
Về nguồn lực tài chính và hạ tầng khoa học và công nghệ, tổng đầu tư từ
ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ nếu tính trong 2 năm gần
đây chỉ đạt hơn 13-14 nghìn tỷ đồng (tương đương 620- 670 triệu USD).
Trong khi đó, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2010
của Hoa Kỳ là hơn 401,5 tỷ USD, Trung Quốc: 178,9 tỷ, Nhật Bản: 140,8
tỷ, Đức: 86,2 tỷ USD, Hàn Quốc: 53,1 tỷ, Pháp: 49,9 tỷ và Nga: 32,8 tỷ
USD.
Mức đầu tư của toàn xã hội cho khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện
nay ước chỉ đạt dưới 1% GDP và ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư
chính. Cơ chế tài chính trong khoa học và công nghệ còn nhiều bất hợp
lý, chậm đổi mới.
Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ còn rất
thấp. Số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa nhiều. Phần
lớn doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn; hạn chế về nhân lực trình độ
cao và trang thiết bị; khó tiếp cận vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới
công nghệ.
Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu ở Việt Nam còn thiếu, lạc
hậu. Các khu công nghệ cao chậm đi vào hoạt động, thu hút đầu tư kém.
Hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm khai thác chưa hiệu quả. Hoạt
động thống kê và thông tin khoa học và công nghệ chưa thực sự đáp ứng
yêu cầu của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp và quản lý.
Về năng lực khoa học và công nghệ, Việt Nam thực sự chưa có nhiều công
trình, sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và
thế giới.
Các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế có tốc độ tăng
trung bình 22%/năm, nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn
thấp, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực và thế giới.
Số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam trong
5 năm gần đây (2008-2012) là 6.356, kém Thái Lan 4 lần, kém Singapore 7
lần, kém Nhật Bản 57 lần và kém Hoa Kỳ 256 lần.
Số lượng đơn sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2001-2010 của người Việt
Nam là 1.665 đơn, trong khi có 20.057 đơn của người nước ngoài; số bằng
độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam còn thấp hơn nhiều, chỉ
đạt 257 văn bằng, kém 27 lần so với số văn bằng được cấp của người nước
ngoài (là 6.997).
Về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, năm 2013, Việt Nam xếp thứ 70/148 quốc
gia; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 76/141 quốc gia. Trong khi
Singapore ở tốp 3 thế giới và các nước Malaysia, Thái Lan đều đứng trên
Việt Nam.
Tỷ lệ kết quả nghiên cứu trong nước được thương mại hóa và ứng dụng
trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh rất thấp. Tình trạng đề tài, dự án
nghiệm thu xuất sắc nhưng “cất vào ngăn kéo” còn chưa khắc phục được.
- Vậy đâu là nguyên nhân, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Có nhiều nguyên nhân khách quan và
chủ quan dẫn tới các hạn chế, yếu kém về tiềm lực cũng như trình độ khoa
học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước. Nhưng một trong những
nguyên nhân cơ bản nhất là nhận thức về tầm quan trọng của khoa học và
công nghệ và đặc biệt là về đổi mới sáng tạo còn quá hạn chế ở Việt Nam.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được xem là nhân tố quan
trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay vào đó,
tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào phát triển theo
chiều rộng, thâm dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên
sẵn có và tăng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, sự duy trì bao cấp của Nhà nước và độc quyền thực tế của
doanh nghiệp nhà nước không tạo động lực đủ mạnh để các doanh nghiệp
quan tâm đầu tư cho đổi mới và phát triển công nghệ; ngoài ra việc chưa
có chính sách đồng bộ, hiệu quả để phát triển nhanh lực lượng doanh
nghiệp khoa học và công nghệ cũng là một cản trở lớn đối với nỗ lực thúc
đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của nền kinh tế.
- Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công
nghệ sẽ làm gì để đến năm 2020 Việt Nam có một nền khoa học và công nghệ
phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030, một số
lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới theo kế hoạch đã đề ra?
Thứ trưởng Trần Việt Thanh: Để triển khai có hiệu quả các mục
tiêu, định hướng phát triển khoa học và công nghệ, trong những năm tới,
bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính
sách tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khoa học và công
nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung các nguồn lực để triển khai
có hiệu quả Chiến lược và 9 chương trình, đề án trọng điểm quốc gia về
khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên tới năm 2020, trong đó
có các chương trình quan trọng như Chương trình đổi mới công nghệ quốc
gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản
phẩm quốc gia...
Bộ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ
chế hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ
cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động
khoa học và công nghệ theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt
hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ; cấp phát tài chính linh hoạt theo
cơ chế quỹ.
Nhà nước hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao và có cơ chế
đầu tư đặc biệt để triển khai một số dự án khoa học và công nghệ quy mô
lớn. Đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng quy
hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ và các trường
đại học; xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc; nâng cao năng lực
nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong các trường đại học.
Và cuối cùng là việc đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng
dụng cán bộ khoa học và công nghệ theo hướng có chính sách trọng dụng
đặc biệt đối với 3 nhóm cán bộ tài năng: cán bộ đầu ngành, cán bộ chủ
trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, cán bộ trẻ tài năng; có chính
sách cử người đi làm việc các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh
nghiệp ở nước ngoài.
Bộ triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và
tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; xây dựng chương
trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực toán, vật lý,
khoa học sự sống, khoa học biển.
Bộ ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công
nghệ liên ngành: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh
học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, công
nghệ môi trường.
Việc phát triển mạnh khoa học và công nghệ nông nghiệp, đưa Việt Nam trở
thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo, thủy sản và sản phẩm
nông nghiệp nhiệt đới; chuẩn bị tích cực cho việc đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng được chú trọng.
Bộ tập trung đầu tư phát triển một số viện khoa học và công nghệ, trường
đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến thế giới. Phát triển các cơ
sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các
nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng; đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp khoa học
và công nghệ./.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)